Eximbank lại ‘nóng’ với chuyện bầu lại Chủ tịch vừa miễn nhiệm, dự tính họp bất thường
Dũng Nguyễn
(KTSG Online) - Trước thềm đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 và 2021 được tổ chức gần như đồng thời, Hội đồng quản trị (HĐQT) của Eximbank lại có những tín hiệu “lạ” cho thấy những mâu thuẫn thượng tầng ở ngân hàng này vẫn chưa được giải quyết. Ngân hàng này cũng dự tính sẽ họp phiên đại hội đồng cổ đông bất thường theo triệu tập của một nhóm cổ đông trong thời gian tới.
Trong năm ngoái, đại hội đồng cổ đông thường niên liên tiếp tổ chức bất thành. |
Lại nóng chuyện nhân sự
Theo Nghị quyết số 156/2021 do Hội đồng quản trị ban hành ngày 13-4, HĐQT Eximbank thông qua việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Yasuhiro Saitoh, theo Đơn từ nhiệm của ông vào ngày 6-4.
Bên cạnh đó, HĐQT cũng đồng thời thông qua việc bầu ông Nguyễn Quang Thông tạm giữ chức danh Chủ tịch HĐQT, để chủ tọa cuộc họp HĐQT ngày 13-4 đối với các nội dung tiếp theo của cuộc họp HĐQT, cho đến khi HĐQT bầu nhân sự giữ chức danh chủ tịch HĐQT mới.
Tuy nhiên, trong cùng một ngày, HĐQT Eximbank lại ban hành Nghị quyết 157, thông qua việc bổ nhiệm ông Yasuhiro Saitoh giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Eximbank.
Câu chuyện lùm xùm về nhân sự cấp cao của Eximbank thêm lần nữa lại diễn ra ngay trước kỳ họp đại hội đồng cổ đông. Trước đó, ngân hàng này dự kiến họp đại hội cổ đông thường niên năm 2020 vào ngày 26-4 và đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 vào ngày 27-4 tại Hà Nội.
Còn nhớ vào trước kỳ Đại hội lần 1 diễn ra vào năm 2019, HĐQT Eximbank đã ban hành Nghị quyết 112 vào ngày 23-3-2019 để bầu bà Lương Thị Cẩm Tú giữ chức danh Chủ tịch thay ông Lê Minh Quốc. Nhưng chỉ vài ngày sau đó, tòa án Nhân dân TPHCM đã ra quyết định khẩn cấp tạm dừng thực hiện Nghị quyết 112 theo đơn của ông Lê Minh Quốc. Đến tháng 5-2019, Nghị quyết số 238 của HĐQT lại thông qua việc bầu ông Cao Xuân Ninh, là thành viên HĐQT giữ chức vụ Chủ tịch.
Tương tự, trước kỳ đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 vào cuối tháng 6 và tháng 7 năm ngoái, HĐQT của Eximbank đều có biến chuyển về nhân sự. Ông Ninh từ nhiệm vào tháng 6-2020 và ông Yasuhiro Saitoh, khi đó giữ vị trí Phó Chủ tịch HĐQT, thay thế cho đến nay.
Triệu tập đại hội đồng đồng cổ đông bất thường
Một diễn biến đáng chú ý khác là HĐQT Eximbank cũng vừa ban hành Nghị quyết 152 thông qua việc triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường theo kiến nghị, yêu cầu của nhóm cổ đông ngày 12-03-2021. Danh sách cổ đông dự họp đại hội đồng cổ đông bất thường được chốt vào ngày 14-05-2021.
Nội dung họp đại hội đồng cổ đông bất thường theo văn bản kiến nghị, yêu cầu triệu tập họp đại hội đồng cổ đông bất thường của nhóm cổ đông và các nội dung khác thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông theo quy định.
Cần lưu ý là lịch họp đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2019 của Eximbank cho đến nay vẫn còn bỏ ngỏ. Cổ đông lớn Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) nhiều lần gửi thư thông báo đến HĐQT và đồng gửi Ngân hàng nhà nước, thúc giục triệu tập phiên họp đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2019 lần hai “trong thời gian sớm nhất có thể theo các điều khoản và điều lệ của Eximbank”.
Theo báo cáo quản trị năm 2020, HĐQT Eximbank hiện có 9 thành viên, trong đó ông Yasuhiro Saitoh giữ chức Chức tịch. SMBC đã gửi công văn yêu cầu Eximbank bổ sung nội dung cho phiên họp cổ đông thường niên là giảm số lượng thành viên HĐQT từ 9 người xuống còn 5-7 người, thông qua việc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với từng thành viên.
Còn theo tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, một nội dung đáng chú ý là việc bầu thành viên HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ VII (2020-2025). Theo tờ trình, nhiệm kỳ VI kết thúc vào năm 2020 nên Eximbank phải tiến hành thủ tục bầu thành viên cho nhiệm kỳ mới, bao gồm thông qua số lượng là 11 thành viên HĐQT (gồm 2 thành viên độc lập) và 3 thành viên Ban kiểm soát. Sau đó tiến hành bầu theo danh sách ứng viên được Ngân hàng nhà nước chấp thuận.
Muốn trả cổ tức, sửa điều lệ ngân hàng vì ‘lạc hậu’
Trong bối cảnh đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 vẫn chưa thể tổ chức, Eximbank đặt vấn đề chia cổ tức với tỷ lệ 18% tại kỳ họp cổ đông thường niên 2021 vì đã tất toán hết nợ xấu với trái phiếu VAMC. Bên cạnh đó, HĐQT cũng muốn sửa đổi nhiều điều khoản trong Điều lệ ngân hàng đã xây dựng từ năm 2012.
Cụ thể, dự kiến số lợi nhuận được chia (theo báo cáo hợp nhất) sau khi trừ trích quỹ khen thưởng phúc lợi năm 2018, 2019, 2020 là 2.213 tỉ đồng. Sau khi trừ số cổ phiếu quỹ Eximbank đang nắm giữ, cổ tức dự kiến là 1.800 đồng/cổ phiếu.
Bên cạnh đó, HĐQT của Eximbank cũng muốn sửa lại điều lệ ngân hàng do một số nội dung không còn phù hợp quy định pháp luật hiện hành, do hầu hết các căn cứ để xây dựng đã hết hiệu lực, thay thế hoặc sửa đổi bổ sung.
Một nội dung sửa đổi đáng chú ý là đề xuất bổ sung người đại diện pháp luật là “Chủ tịch HĐQT trong thời gian khuyết chức danh Tổng giám đốc mà chưa hoàn tất bổ sung bầu thay thế”, thay vì chỉ có Tổng giám đốc như hiện nay.
Bên cạnh đó, Eximbank cũng muốn sửa đổi tỷ lệ số cổ đông dự họp trên tổng số cổ phần có quyền biểu quyết để có thể tiến hành đại hội đồng cổ đông giảm từ 65% xuống mức trên 50%. Trường hợp cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành, thì tỷ lệ lần thứ hai là 33%. Lần thứ ba thì không phụ thuộc vào con số.
Ngoài ra, HĐQT Eximbank cũng muốn điều chỉnh tỷ lệ tán thành để thông qua quyết định của đại hội đồng cổ đông dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản từ mức 65% xuống 50%.