vĐồng tin tức tài chính 365

Lại nói về 'thuận thiên'

2021-04-15 16:14

Lại nói về 'thuận thiên'

Dương Văn Ni

(KTSG) - Nghị quyết 120/CP về “Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, thích nghi với biến đổi khí hậu” được nhiều người gọi là “Nghị quyết thuận thiên”, kèm theo lời giải thích “thuận thiên không phải là phó mặc cho trời đất”. Để có thêm lời giải thích này, thì chắc đã có người nghĩ “thuận thiên là phó mặc cho may rủi của tự nhiên”!

Ảnh: N.K

Suốt thời gian hơn 300 năm đã qua, người dân ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chưa bao giờ phó mặc tương lai của mình cho may rủi!

Người trồng lúa thì biết xem con nước đầu nguồn có màu son hay màu bạc mà đoán năm nay nước về nhiều hay về ít, để chọn giống lúa cao giàn cứng rạ. Biết xem con mối đóng ổ cao hay thấp mà chuẩn bị kê nhà dời táng để tránh ngập lụt. Biết nhìn hũ nước hứng ở bàn thờ ông Thiên đầy hay lưng mà đoán mưa già hay hạn trễ mà chọn cây trồng theo “nắng tốt dưa, mưa tốt lúa”.

Rồi dân thương hồ cũng học rành rẽ con nước lớn ròng để chọn sông sâu rạch cạn mà di chuyển, đỡ tốn công chèo chống. Ngay cả con chim con cá cũng biết dựa vào cái “nhịp tự nhiên” đó mà di cư, sinh sản và kiếm ăn.

Cái kinh nghiệm đó có thể bắt đầu từ một vài người, rồi được bàn bạc trong cộng đồng thông qua các đám tiệc, hội hè, cúng bái, và được kiểm chứng từ năm này sang năm khác để dần dà nó được chấp nhận như là tri thức bản địa.

Trong quá trình áp dụng, kiểm chứng và nhân rộng đó, cũng giúp người dân phát hiện ra giống lúa đó trúng ở đất gò nhưng không tốt ở đất bưng; kỹ thuật canh tác đó phù hợp ở miệt vườn nhưng khó áp dụng ở miệt ruộng.

Và quá trình chọn lọc đó đã tạo cho ĐBSCL có hàng ngàn giống cây trồng vật nuôi với kỹ thuật canh tác phù hợp cho từng vùng sinh thái đặc thù. Người dân miệt vườn biết ưu thế của mình là cây ăn trái, miệt ruộng biết vùng mình thuận cho cây lúa, miệt bưng là nơi giàu nguồn cá đồng và miệt biển giàu tôm cua nước mặn. Ngay cả những vùng tranh chấp mặn - ngọt thì người ta cũng biết mùa khô nuôi tôm và mùa mưa xổ mặn trồng lúa.

Suốt thời gian hơn 300 năm đã qua, người dân ở đồng bằng sông Cửu Long chưa bao giờ phó mặc tương lai của mình cho may rủi!

Tất cả những bài học “thuận thiên” đó đã kết tinh trong vốn văn hóa của người dân tại mỗi vùng miền. Để người ta biết ứng xử một cách tinh tế với tự nhiên, vừa giảm thiểu tác hại cho hiện tại một khi tự nhiên “trái gió, trở trời” và đặc biệt là không dồn hết rủi ro cho tương lai!

Nhưng có lẽ điều có ý nghĩa nhất trong việc “phát triển thuận thiên” trong thời gian qua ở ĐBSCL là không có cộng đồng nào giữ khư khư cái thành công của mình, mà họ luôn tìm cách chia sẻ để mọi người có thể áp dụng và đồng thời cũng kiểm chứng xem cái đó có thật sự tốt cho chỗ của mình hay không? Quan trọng hơn là họ biết thay thế những cái đã không còn phù hợp để sẵn sàng dung nạp những thứ tốt đẹp hơn.

Hiểu tự nhiên để phát triển cùng tự nhiên chính là tinh thần “thuận thiên” của người dân ĐBSCL. Với họ thiên nhiên và con người là một và cụm từ “ăn theo thuở, ở theo thời” không chỉ đơn thuần là dạy cách hành xử của chúng ta đối với xã hội, đúng hơn, là đối với tự nhiên và cũng là đối với chính mình!

Xem thêm: lmth.neiht-nauht-ev-ion-ial/242513/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Lại nói về 'thuận thiên'”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools