Tình trạng sạt lở bờ biển này đã kéo dài suốt nhiều năm. Đặc biệt, sau bão số 9 (năm 2020) biển xâm thực càng nghiêm trọng khiến người dân thôn Hà Lộc đứng trước nguy cơ mất nhà và trắng tay.
Người dân đang tự cứu lấy mình
Trong khi chờ các cơ quan chức năng, người dân thôn Hà Lộc chỉ biết tự cứu lấy mình bằng cách xây bờ kè tạm bợ, cơi nới diện tích ra gần bờ biển để chống chọi với sạt lở.
Theo ghi nhận, khu vực xảy ra sạt lở nghiêm trọng nằm gần chợ hải sản bãi ngang Tam Tiến. Nơi đây có hàng trăm lượt tàu thuyền cập bến mỗi ngày. Sạt lở đã ảnh hưởng trực tiếp đến 25 hộ dân có nhà nằm sát biển, 13 ngôi nhà đứng trước nguy cơ bị xoá sổ hoàn toàn.
Sau bão số 9, tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: THANH NHẬT.
Nhiều ngôi nhà còn ngổn ngang gạch đá hở hàm ếch từ 2-3m do biển đánh sập. Để tự cứu lấy mình, người dân địa phương bỏ tiền mua tre, đá, tôn, xi măng dựng tạo bờ kè, thuê xe múc gia cố. Nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời.
Bà Lê Thị Phương (ngụ thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến) cho biết, sóng biển đánh vào sát nhà cuốn theo cát, nhiều ngôi nhà bị cuốn sập tường rào, nhà đứng trước nguy cơ sập bất cứ lúc nào.
“Mặc dù người dân đã tìm mọi cách gia cố nhưng vẫn không thể trụ vững sau bão số 9. Vào mùa mưa bão, nếu không có giải pháp khắc phục căn cơ sẽ rất nguy hiểm. Nhà cửa, tài sản của người dân có thể bị cuốn trôi”, bà Phương lo lắng.
Ông Vũ Tường Vị (ngụ thôn Hà Lộc) cho hay, chợ hải sản Tam Tiến tập trung rất nhiều tàu thuyền, nhộn nhịp vào buổi sáng. Hàng chục người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề buôn bán hải sản nhỏ lẻ, gánh hàng thuê cho thương lái.
“Đường vận chuyển hải sản vốn đã nhỏ còn bị sóng biển lấn sâu, tạo độ dốc lớn làm xe cộ không ra được sát chợ. Người gánh hải sản thuê phải đi quãng đường xa, ảnh hưởng đến kinh tế và thu nhập”, ông Vị nói.
Kính phí quá lớn, ngoài tầm với địa phương
Trao đổi với PLO, ông Nguyễn Xuân Uy (Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến) cho biết, tình trạng bờ biển sạt lở "ngoặm" sâu vào bờ kéo dài dọc biển thôn Hà Lộc khoảng 700 m. Biển đang uy hiếp trực tiếp đến nhà của 25 hộ dân.
Người dân tự đổ cát, xây kè chống lại việc biển xâm thực. Ảnh: THANH NHẬT.
Sóng biển ăn sâu vào đất liền cũng phá hỏng các con đường bê tông ảnh hưởng gián tiếp đến khoảng 1.500 người dân các thôn Hà Lộc, Ngọc An, Long Thạnh (xã Tam Tiến).
“Lâu nay, tàu thuyền đánh bắt của bà con thường tập trung bán hải sản ở chợ, thương lái khắp nơi đánh xe đến mua. Sạt lở làm đường bê tông hỏng, xe không đến sát chợ nên đưa hàng đến điểm bán khó khăn. Do đó, nhiều tàu thuyền sau khi đánh bắt về đã chọn cập các bến khác. Điều này ảnh hưởng đến kinh tế của bà con làm nghề gánh hàng thuê”, ông Uy nói.
Theo ông Uy, hiện chính quyền xã đang vận động bà con tự gia cố, phòng chống sạt lở trước mùa mưa bão. Trường hợp cấp thiết, sẽ kiến nghị cấp trên xin bố trí đất tái định cư cho các hộ có nguy cơ mất nhà.
“Về lâu dài, phải có kè cứng để bảo vệ, kinh phí cao nên ngoài khả năng của địa phương”, ông Uy cho hay.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Đức An (Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành) thông tin, huyện đã phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở TN&MT cùng lãnh đạo UBND tỉnh đi khảo sát thực tế.
“Tình trạng sạt lở quá lớn, nguồn kinh phí của địa phương không đảm bảo. Do đó, huyện kiến nghị tỉnh tìm nguồn xây dựng kè cứng để đảm bảo đời sống cho nguời dân xung quanh khu vực”, ông An nói.