Trang Bloomberg đưa tin, Mỹ dự định trừng phạt nhiều cá nhân, bao gồm cả các quan chức chính phủ và tình báo, cùng với khoảng 20 chủ thể khác. Mỹ cũng dự kiến sẽ trục xuất 10 quan chức và nhà ngoại giao Nga.
Dự định này được đưa ra sau cuộc điện đàm hôm 13-4 giữa Tổng thống Joe Biden và người đồng cấp Vladimir Putin. Ông Biden cảnh báo rằng Mỹ sẽ bảo vệ lợi ích của mình, đồng thời nêu ý tưởng về một cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai bên để thảo luận về các vấn đề giữa Moscow và Washington.
Nga bị cáo buộc tấn công công ty công nghệ SolarWinds của Mỹ. Ảnh: REUTERS
Triển vọng về cuộc gặp thượng đỉnh đã khiến đồng rúp tăng giá cao nhất trong vòng ba tháng qua. Các nhà đầu tư đặt cược rằng hội nghị thượng đỉnh có thể làm giảm căng thẳng đôi bên và giảm rủi ro áp đặt lệnh trừng phạt mới.
Phát ngôn viên Nhà Trắng, Hội đồng An ninh Quốc gia, Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ chưa có bình luận gì.
Theo một đánh giá có độ tin cậy cao của cộng đồng tình báo Mỹ, ông Putin và chính phủ Nga đã chỉ đạo và cố gắng tác động đến cuộc bầu cử Mỹ năm ngoái. Mỹ đã lên kế hoạch đối phó với một số cửa hàng có tình báo Nga “giật dây”, và cáo buộc những nơi này đã lan truyền thông tin sai sự thật trong đợt bầu cử năm 2020. Ngoài ra Mỹ còn nhắm đến các cá nhân và thực thể làm gián điệp cho Nga.
Vào ngày đầu tiên tại nhiệm, Tổng thống Biden đã ra lệnh hành động để giải quyết bốn mối quan ngại chính của Mỹ về Nga: can thiệp vào cuộc bầu cử, thưởng tiền cho việc giết binh lính Mỹ ở Afghanistan, tấn công mạng công ty công nghệ SolarWinds và đầu độc thủ lĩnh phe đối lập Alexey Navalny.
Cựu Tổng thống Donald Trump thăm một căn cứ quân sự ở Afghanistan. Ảnh: REUTERS
Dù đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Nga trong sự việc Navalny hồi tháng trước nhưng cho đến nay, Mỹ vẫn chưa hành động để giải quyết 3 mối quan ngại còn lại. Nga đã nhiều lần bác bỏ những cáo buộc trên. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuần trước cũng cho biết Nga sẽ trả đũa bất kỳ lệnh trừng phạt mới nào và nói rằng đây là một công cụ “ngu ngốc” của Mỹ.
Mục tiêu trừng phạt tiếp theo của Mỹ là những đối tượng tiếp tay cho Cơ quan Nghiên cứu Internet (IRA) - một “đội quân bàn phím” của Nga, thao túng mạng xã hội để hỗ trợ chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông Donald Trump hồi năm 2016.
Các biện pháp trừng phạt về vụ SolarWinds cũng sẽ sớm được công bố. Mỹ sẵn sàng chỉ đích danh Cục Tình báo nước ngoài của Nga là kẻ đứng đằng sau vụ tấn công mạng này. Tin tặc đã đưa phần mềm độc hại vào các mạng máy tính có sử dụng phần mềm quản lý doanh nghiệp của công ty SolarWinds, truy cập bất hợp pháp hơn 100 công ty Mỹ và 9 cơ quan Chính phủ trước khi bị phát hiện.
Mỹ có thể sẽ tiến hành thêm nhiều hành động theo sau lệnh trừng phạt. Một báo cáo tiết lộ Mỹ đang cân nhắc các biện pháp khác, bao gồm nhắm vào trái phiếu do Nga phát hành.