Từ chỗ sở hữu 51% cổ phần tại Công ty Cổ Phần Y Dược Phẩm Vimedimex (HOSE:VMD) - cổ đông Nhà nước đã mất quyền kiểm soát tại đây do tỉ lệ sở hữu giảm mạnh bằng kịch bản pha loãng được lặp đi lặp lại.
VMD là Công ty Xuất nhập khẩu đầu tiên của Bộ Y tế, được thành lập ngày 6.11.1984, theo Quyết định số 1106/BYT-QĐ.
Năm 2006, VMD chuyển sang hoạt động dưới hình thức Công ty cổ phần theo Quyết định số 5077/QĐ – BYT. Vốn điều lệ của VMD lúc cổ phần hoá là 25 tỉ đồng, trong đó tỉ lệ cổ phần của cổ đông Nhà nước chiếm 51% vốn điều lệ.
Theo Luật Doanh nghiệp 2005, với tỉ lệ sở hữu này, Nhà nước có thể chi phối quyết định đến các vấn đề của công ty.
Tuy nhiên, chỉ trong vòng 5 năm (2006-2010), tỉ lệ sở hữu của Nhà nước đã giảm từ 51% xuống 19,49% - đồng nghĩa với việc mất quyền chi phối tại doanh nghiệp.
Phát hành “chui”, pha loãng khiến tỉ lệ sở hữu Nhà nước “bốc hơi”
Ngày 30.9.2010, hơn 8,1 triệu cổ phiếu VMD chính thức được giao dịch trên HOSE. Lúc đó, tỉ lệ sở hữu của Nhà nước chỉ còn 19,49% - giảm 31,51% so với thời điểm cổ phần hóa năm 2006. Người đại diện vốn Nhà nước tại VMD khi ấy là ông Nguyễn Tiến Hùng và ông Lê Thanh Long.
Tỉ lệ sở hữu của Nhà nước giảm mạnh như vậy là do từ năm 2008 đến năm 2010, VMD liên tục phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ (3 lần, từ 25 tỉ đồng lên hơn 81 tỉ đồng).
Đáng chú ý nhất là lần phát hành “chui” tăng vốn điều lệ từ 25 tỉ lên 49,41 tỉ đồng khiến chỉ sau 2 năm, tỉ lệ sở hữu của Nhà nước giảm từ 51% xuống còn 25,8%.
Theo đó, ngày 15.3.2007, VMD đã quyết định phát hành 271.244 trái phiếu chuyển đổi, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu với mục đích đầu tư vào dự án Trung Tâm thương mại và dược phẩm, văn phòng tại số 45 Võ Thị Sáu, Q.1, TPHCM.
Tỉ lệ chuyển đổi 1:9 (một trái phiếu mệnh giá 100.000 đồng đến thời hạn chuyển đổi sẽ được chuyển thành 9 cổ phiếu phổ thông mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu). Thời gian đáo hạn 1 năm kể từ ngày phát hành.
Ngày 15.3.2008 VMD đã chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu với tỉ lệ 1:9 như vừa đề cập.
Tuy nhiên, khi phát hành, VMD đã không báo cáo với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK). Chỉ khi mọi việc xong xuôi, VMD mới có Công văn số 717/CV-TC2 ngày 21.5.2008 báo cáo tình hình thực hiện với UBCK.
Ngày 3.9.2008, VMD đã bị UBCKNN xử phạt 20 triệu đồng do công ty đã không đăng ký với UBCKNN và phân phối chứng khoán không đúng với quy định tại Khoản 1 Điều 13 và Điều 21 Luật Chứng khoán 2006.
Mọi thông tin về đợt phát hành này không được công bố theo quy định pháp luật.
Lý giải cho sai phạm của mình, tại Bản cáo bạch 2010, VMD đưa ra lý do “không am hiểu và cập nhật kịp thời các văn bản, quy định pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán”.
Chỉ vài tháng sau khi chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, tháng 7.2008, VMD tăng vốn điều lệ từ 49,41 tỉ lên 65,41 tỉ đồng thông qua phát hành 1,6 triệu cổ phiếu phổ thông theo hình thức phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược là Công ty Cổ phần Chứng khoán Hòa Bình với giá 22.000 đồng/cổ phần, nhằm huy động vốn nộp tiền sử dụng đất đầu tư dự án xây dựng cao ốc văn phòng và siêu thị thuốc tại địa chỉ số 246 Cống Quỳnh, quận 1, TPHCM.
Hơn 1 năm sau, VMD lại phát hành 1,6 triệu cổ phiếu ra công chúng theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông số 02/NQ-ĐHCĐ ngày 25.9.2009, qua đó tăng vốn điều lệ từ 65,41 tỉ đồng lên 81,41 tỉ đồng (tháng 4.2010). Lúc này, tỉ lệ sở hữu của Nhà nước tại VMD đã giảm xuống 19,49%, đồng nghĩa với quyền sở hữu và chi phối công ty của Nhà nước bị suy giảm đáng kể.
Công ty Xuất nhập khẩu đầu tiên của Bộ Y tế có gì hấp dẫn?
Là doanh nghiệp Nhà nước tiên phong trong lĩnh vực xuất nhập khẩu y, dược - VMD tích lũy được nhiều lợi thế trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu thuốc và nguyên liệu làm thuốc, sinh phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế và hóa chất xét nghiệm.
Bản cáo bạch năm 2010 của VMD cho biết, từ năm 2006 (thời điểm cổ phần hóa), Công ty đã được đánh giá là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu, nằm trong top 3 của những doanh nghiệp xuất nhập khẩu dược phẩm tại Việt Nam.
VMD đã sớm là đối tác chiến lược phân phối của hơn 70 hãng dược phẩm danh tiếng trên thế giới. Doanh nghiệp nhà nước này cũng đã chiếm được 70% thị phần tại TPHCM và các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Bản cáo bạch năm 2010 của VMD cũng cho biết doanh nghiệp này có 4 công ty con (sở hữu 100% vốn) là: Công ty TNHH Một Thành viên Vimedimex Tây Ninh; Công ty TNHH Một thành viên Y Dược phẩm Vimedimex; Công ty TNHH Một thành viên Vimedimex Bình Dương; Công ty TNHH Một thành viên Vimedimex Hà Nội.
Ngoài ra, VMD cũng sở hữu hàng ngàn m2 “đất vàng” tại TPHCM bao gồm: 2.221m2 tại 45 Võ Thị Sáu, 700,6m2 tại 53 Nguyễn Chí Thanh, 929,4m2 tại 246 Cống Quỳnh.
Tại Đà Lạt, VMD sở hữu hơn 7ha đất trồng nghiên cứu chế biến cây thuốc (Trung tâm chế biến cây thuốc Đà Lạt: 18 Lâm Viên, Phường 5, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng).
Hiện, cổ đông lớn nhất đang sở hữu 45,3% vốn tại VMD là Công ty Cổ phần Dược phẩm Vimedimex 2 (bà Nguyễn Thị Loan - Chủ tịch VMD đồng thời là Chủ tịch Vimedimex 2).
Ông Lê Xuân Tùng - con trai Chủ tịch Nguyễn Thị Loan nắm 7,4% vốn. Hai cổ đông cá nhân khác là Trần Kiên Cường và Trần Thị Đoan Trang lần lượt sở hữu 7,1% và 5,2% cổ phần tại đây.
Tỉ lệ sở hữu của Tổng công ty Dược Việt Nam (doanh nghiệp do Bộ Y tế sở hữu 65% vốn) chỉ còn 10,1%.
Lùm xùm quanh việc sử dụng “đất vàng”
Tháng 9.2020, nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh việc các nhà đầu tư tòa nhà Citilight Tower 6 Võ Thị Sáu, quận 1, TPHCM căng băng rôn, khẩu hiệu tố cáo VMD chiếm đoạt tài sản.
Báo Xây dựng dẫn lời các nhà đầu tư tại hiện trường cho biết, bức xúc của nhà đầu tư bắt nguồn từ việc VMD bất ngờ đơn phương gửi thông báo ngưng trả lợi tức cho các nhà đầu tư vào tháng 12.2019, với lý do xem xét lại những bất cập của hợp đồng góp vốn đã ký từ năm 2004.
Cũng theo Báo Xây dựng, các nhà đầu tư cho biết tại thời điểm tháng 9.2020, VMD đang giữ khoảng 20 tỉ tiền thuê văn phòng của các chủ đầu tư từ đầu năm và chiếm dụng phần kết dư 36 tỉ từ năm 2007 - 2019.