Nói về lý do khiến nhiều người "sập bẫy" lan đột biến, Thượng tá Nguyễn Ngọc Mẽ - Trưởng Công an huyện Hoài Đức (TP.Hà Nội) - cho biết, hiện tại, giao dịch hoa lan đột biến có dấu hiệu lừa đảo rất nhiều, giao dịch này đánh vào lòng tham của một số bộ phận. Đây là những giao dịch dân sự, thuận mua vừa bán, nên cơ quan chức năng rất khó phát hiện.
"Sập bẫy" lan đột biến, nhiều người "ôm hận"
Trao đổi với Lao Động, anh Nguyễn Văn Sự (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cho biết, từ cuối tháng 10.2020, anh mua lan đột biến của các nhà vườn B.N (Chương Mỹ, Hà Nội), nhà vườn H.C (Ngọc Tảo, Hoài Đức), L.B.D (An Phước, Long Thành, Đồng Nai), T.V.T và T.V.Đ (Yên Thuỷ, Hoà Bình)...
Tuy nhiên, trước tình trạng hàng loạt các thương vụ mua bán lan đột biến với tổng giá trị lên tới cả trăm tỉ đồng vừa diễn ra, nhiều người mua lan bị lừa, nhà vườn thổi giá, nên anh kiểm tra lại số lan vừa mua và phát hiện nhiều gốc lan sai nguồn gốc. Anh liên hệ với các nhà vườn để kiểm tra thông tin, song không thể liên lạc được.
"Số lan đột biến tôi mua từ các nhà vườn này lên tới hàng chục gốc, gốc rẻ cũng từ 70 triệu đồng - 200 triệu đồng, gốc đẹp có giá từ 500 triệu đồng đến cả tỉ đồng. Hiện tại, tôi bị lừa gần 10 tỉ đồng để mua hoa" - anh Sự nói.
Đây không phải trường hợp duy nhất "ôm hận" vì lan đột biến, nhiều người cũng đã phải kêu cứu, khóc ròng vì "sập bẫy" loại hình mua bán bằng... uy tín và niềm tin này.
Điển hình, tháng 12.2020, Công an huyện Tân Sơn, Phú Thọ đã khởi tố vụ án, khởi tố 3 bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên tới 3 tỉ đồng; đối tượng sử dụng phương thức tinh vi là tách lan đột biến thật gắn vào gốc lan Phi Điệp thường bằng keo và chiếm đoạt tiền của nhiều người.
Gần đây, Công an huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình đã khởi tố, bắt tạm giam 1 bị can về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn thông qua việc bán lan trên mạng xã hội, lừa đảo bán lan đột biến giả cho nhiều người với số tiền 4,6 tỉ đồng..
Tại sao nhiều người dễ 'mắc bẫy' khi đầu tư lan đột biến?
Công an huyện Ứng Hòa (Hà Nội) cũng cho Lao Động biết, đang phối hợp với các đơn vị chức năng xác minh thông tin liên quan vụ chủ vườn lan trên địa bàn "ôm" tiền của khách mua lan rồi bỏ trốn.
Theo công an, ngày 12.4, Công an huyện Ứng Hòa tiếp nhận đơn trình báo của ba người phản ánh việc chuyển tiền cho chủ vườn lan Hà Thanh tại xóm Chợ, thôn Đình Xuyên, xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa để mua bán lan đột biến.
Tuy nhiên, đến ngày giao cây thì không liên lạc được với chủ vườn lan, khi đến nhà không biết chủ vườn đi đâu. Tổng số tiền theo đơn trình báo là khoảng 11 tỉ đồng.
Ông Vương Xuân Nguyên - Chánh Văn phòng Hội Sinh vật cảnh Hà Nội - nêu quan điểm, các vụ lừa đảo lan đột biến gần đây thường xảy ra trái địa bàn kinh doanh khi khách tham rẻ, mua hoa ở các mối quan hệ xa lạ, các mối trung gian, mới quen biết trên mạng xã hội. Việc này đang gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng không tốt đến người sản xuất, nuôi trồng và kinh doanh hoa lan chân chính.
Nói về lý do khiến nhiều người "sập bẫy" lan đột biến, trao đổi với Lao Động, thượng tá Nguyễn Ngọc Mẽ - Trưởng Công an huyện Hoài Đức - cho biết, hiện tại, giao dịch hoa lan đột biến có dấu hiệu lừa đảo rất nhiều, giao dịch này đánh vào lòng tham của một số bộ phận. Đây là những giao dịch dân sự, thuận mua vừa bán, nên cơ quan chức năng rất khó phát hiện.
"Giao dịch lan đột biến không giống như giao dịch khác, lan không đánh số như giao dịch xe máy có số khung, số máy để kiểm tra. Khi giao dịch xong, nhiều người mang hoa về thì mới phát hiện ra mình bị lừa" - thượng tá Nguyễn Ngọc Mẽ nói.
Xem thêm: odl.701998-neib-tod-nal-nah-mo-iougn-ueihn-nen-maht-gnol-iv/et-hnik/nv.gnodoal