Gần đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã có bài tham luận, nêu ra một số góp ý liên quan tới Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Theo Phó Cục trưởng Trịnh Anh Tuấn, một phần của vấn đề cạnh tranh trong điện ảnh Việt nam đã xuất hiện giữa các doanh nghiệp điện ảnh truyền thống và các website xem phim dựa trên nền tảng Internet (trong và ngoài nước). Sự xuất hiện của ứng dụng xem phim dựa trên nền tảng Internet đang làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng cũng như cấu trúc của nền điện ảnh Việt Nam.
Vì thế, Cục Canh tranh đề xuất rằng pháp luật điện ảnh cần tạo ra hành lang pháp lý toàn diện để có thể điều chỉnh được tất cả các hoạt động kinh doanh liên quan đến lĩnh vực điện ảnh (bao gồm cả dịch vụ chiếu phim dựa trên các nền tảng Internet).
"Quy định pháp lý cần được xây dựng dựa trên nguyên tắc bình đẳng, công bằng. Trong đó, nếu như phương thức chiếu phim của các doanh nghiệp truyền thống tại rạp chiếu phim hay chiếu qua truyền hình cần được kiểm duyệt trước khi phổ biến, thì việc chiếu phim trên các nền tảng Internet cũng cần được kiểm duyệt tương tự", tham luận của Cục Cạnh tranh nêu rõ.
Như vậy, các nền tảng chiếu phim trên internet như Netflix hay YouTube sẽ được kiểm duyệt chặt chẽ hơn trước khi phổ biến tới công chúng.
Ngoài giải pháp này, Cục Cạnh tranh cũng nêu ra một số đề xuất khác bao gồm: tạo ra các cơ chế pháp lý nhằm khuyến khích đầu tư, thu hút đa dạng các nguồn vốn đầu tư vào thị trường điện ảnh; Chương trình điện ảnh quốc gia cần tập trung nâng cao chất lượng sản xuất phim Việt Nam, tăng cường hoạt động quảng bá phim ở trong và ngoài nước.
Nhật Anh
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị