Đến cuối giờ chiều 15-4, Cơ quan CSĐT Công an TP Thủ Đức tiếp tục lấy lời khai với Lê Chí Thành (SN 1983, thường trú huyện Hàm Tân, Bình Thuận; hiện ngụ phường Tân Hưng Thuận, quận 12, TP.HCM).
Bị can Thành bị khởi tố, bắt tạm giam về tội chống người thi hành công vụ.
Lê Chí Thành khi bị công an bắt giữ. Ảnh: T.SANG
Tiếp tục điều tra mở rộng
Một nguồn tin từ cơ quan tố tụng TP Thủ Đức cho hay bị can Thành bị bắt tạm giam trong thời hạn hai tháng. Cho đến cuối giờ chiều 15-4, Công an TP Thủ Đức chưa mời thêm người liên quan nào đến làm việc.
Nguồn tin từ cơ quan tố tụng TP Thủ Đức cũng xác nhận bước đầu Lê Chí Thành bị khởi tố, bắt tạm giam vì liên quan đến hành vi chống người thi hành công vụ, xảy ra vào ngày 20-3 tại phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức.
Cụ thể, khi đang tuần tra, kiểm soát trên xa lộ Hà Nội (phường Hiệp Phú), Đội CSGT Rạch Chiếc phát hiện ô tô biển số 51H-108.21 đi vào làn xe hai bánh nên yêu cầu dừng xe để kiểm tra.
Lúc này, Lê Chí Thành xuống xe, xuất trình giấy phép lái xe, giấy đăng kiểm, giấy đăng ký xe phôtô công chứng.
Đội CSGT Rạch Chiếc đã lập biên bản vi phạm đối với Lê Chí Thành các lỗi: Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu; không xuất trình CMND khi được yêu cầu; không có giấy đăng ký xe. CSGT niêm phong và tạm giữ ô tô trên.
Trong quá trình CSGT làm việc, Lê Chí Thành đã ngồi trước đầu ô tô cản trở lực lượng chức năng, đưa ra nhiều yêu cầu với lực lượng thi hành công vụ. Thành yêu cầu CSGT nhiều nội dung sau: “Chứng minh anh đang làm đúng thủ tục pháp lý đi”, “Đưa hợp đồng cẩu xe ra đây coi các anh có làm đúng không?”, “Các anh niêm phong bánh xe tôi đi, bởi sau này các anh thả vào bánh xe tôi cái gì thì ai chịu trách nhiệm?”.
Sau đó, công an đã tiến hành cẩu xe Thành về trụ sở CSGT Rạch Chiếc làm việc. Đến hôm sau, Thành và hai người đàn ông khác đến đứng quay phim, livestream trước Đội CSGT Rạch Chiếc và bị Công an phường Hiệp Phú mời làm việc.
Khi bắt tạm giam về tội chống người thi hành công vụ, công an xác định Lê Chí Thành từng nhiều lần cản trở lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ, tạo cớ khiêu khích, xuyên tạc đưa thông tin sai sự thật về hoạt động công vụ, sau đó phát tán lên mạng xã hội. Công an xác định mục đích của Thành là thu hút người theo dõi để trục lợi cá nhân, tác động xấu đến an ninh trật tự và đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
Nhiều lần đôi co với cảnh sát rồi đăng lên mạng xã hội • Hồi tháng 2, tại quận Bình Tân, Lê Chí Thành và một nhóm thanh niên cầm điện thoại quay phim CSGT phát trực tiếp ghi lại cảnh đôi co. Nội dung đoạn clip thể hiện nhóm này xưng đang giám sát CSGT làm việc nên được quyền quay phim. Khi CSGT yêu cầu nhóm thanh niên ra ngoài khu vực cọc tiêu để lực lượng làm nhiệm vụ thì nhóm quay clip to tiếng cho rằng CSGT đang lấn chiếm lòng lề đường, cật vấn CSGT “ai cho phép làm chuyên đề nồng độ cồn tại vị trí này...”. • Đầu tháng 4, Thành đã bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bình Thuận triệu tập để làm việc liên quan đến tin báo về tội phạm của Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an). Thành không đến theo giấy triệu tập mà quay video lên YouTube nói về việc triệu tập này. |
Thế nào là chống người thi hành công vụ
Theo luật sư Phạm Tuấn Anh, Đoàn Luật sư TP.HCM, khoản 1 Điều 330 BLHS về tội chống người thi hành công vụ quy định: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật thì phạm tội này.
Hành vi chống người thi hành công vụ có thể là hành vi dùng vũ lực hoặc không dùng vũ lực nhưng đe dọa. Ví dụ như đe dọa sẽ giết, đe dọa có đặt thuốc nổ… khiến việc thực hiện công vụ bị cản trở hoặc không thực hiện được.
Hành vi chống người thi hành công vụ có thể thể hiện bằng những thủ đoạn khác. Ví dụ, đặt chướng ngại vật để cản trở, dùng phụ nữ, trẻ em, người già đứng để ngăn cản; hành vi ngồi trước đầu xe cản trở, đánh, giật mũ, túm áo... người thi hành công vụ.
Theo Điều 330 BLHS, người phạm tội sẽ bị phạt 2-7 năm tù nếu phạm tội trong các trường hợp như có tổ chức, phạm tội hai lần trở lên, xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội, gây thiệt hại về tài sản 50 triệu đồng trở lên, tái phạm nguy hiểm. Nếu không thuộc các trường hợp trên thì sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Cạnh đó, nếu sau đó người vi phạm còn chửi bới, xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu... người thi hành công vụ trên mạng xã hội hay rải tờ rơi, phát tán những điều trên... thì tùy tính chất, mức độ mà người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác hoặc tội lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Những hành vi chống người thi hành công vụ tùy thuộc mức độ vi phạm có thể bị xử lý hình sự hoặc xử phạt hành chính, quy định tại Điều 20 Nghị định 167/2013 của Chính phủ.