Phóng viên VTV: Với lĩnh vực du lịch, điều trăn trở nhất của Bộ trưởng khi nhận "ghế nóng" trong thời điểm này là gì? Khi ngành này là một trong hai ngành chịu thiệt hai nặng nề nhất do đại dịch Covid-19 thời gian qua?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Trước tác động của đại dịch COVID-19 thì có thể nói ngành du lịch là ngành chịu tác động rất nhiều. Vì vậy mà nó ảnh hưởng đến cả một quá trình phát triển.
Nếu như trước đây du lịch đã đóng góp vào tốc độ tăng trưởng 10% cho GDP nhưng từ năm 2020 cho đến quý I/2021 thì du lịch thực sự giảm sâu. Có những thời điểm giảm rất sâu. Như quý I này, lượng khách trong nước chúng ta chỉ đạt được gần 18 triệu lượt, giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Từ đó để chúng ta thấy rằng là ngành du lịch đang đối mặt trước những khó khăn khi mà chúng ta chưa khống chế được dịch bệnh. Đặc biệt, chúng ta cũng chưa mở cửa được thị trường quốc tế khi chưa có các biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh.
Chúng tôi cho rằng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đó là phải xây dựng một cái kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2021 -2026 trong điều kiện bình thường mới.
Chúng tôi đang tập trung xây dựng các nhóm giải pháp. Nhóm giải pháp đầu tiên là ưu tiên khắc phục những hạn chế, khó khăn do đại dịch COVID-19. Nhóm giải pháp thứ hai là phải thực hiện ngay về vấn đề chuyển đổi số trong du lịch. Thứ ba là tập trung để cơ cấu và tạo ra các sản phẩm du lịch mới. Phấn đấu để mỗi một địa phương có một sản phẩm du lịch đặc sắc, mang thương hiệu riêng. Thông qua đó để kết nối và kích thích trở lại thị trường du lịch mà chúng ta đang bị đóng băng do dịch bệnh trong thời gian qua.
Phóng viên VTV phỏng vấn Tân Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng
Phóng viên VTV: Trong lúc chờ đợi đón khách quốc tế thì du lịch nội địa vẫn là trụ đỡ của ngành. Theo Bộ trưởng thì chương trình kích cầu du lịch nội địa trong thời gian qua đã thực sự hiệu quả chưa?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Có thể nói, với du lịch thì chúng ta phải thực hiện đồng bộ trên hai chân, đó là phải tập trung để đón được khách quốc tế. Thứ hai là phải ưu tiên để phát triển du lịch nội địa. Chỉ khi nào đứng vững trên hai chân này thì du lịch mới phát triển ổn định.
Thời gian qua, chúng ta đang chú ý nhiều hơn đến việc khai thác khách quốc tế mà chưa chú ý nhiều đến du lịch nội địa. Trước tác động của đại dịch COVID-19, buộc ngành du lịch và cả cộng đồng doanh nghiệp làm công tác du lịch phải nhìn lại thị trường này. Từ đó thấy rõ, du lịch nội địa là một hướng đi căn cơ và nó là trụ đỡ cho việc phát triển du lịch có tính chất bền vững.
Bộ đã khuyến nghị các doanh nghiệp là phải tái cấu trúc lại doanh nghiệp của mình, chuyển hướng tiếp cận theo hướng: Thay vì tập trung cho khách quốc tế thì nay tập trung xây dựng các kế hoạch để đón khách nội địa, mang phong cách quốc tế để phục vụ khách nội địa thì như vậy khách nội địa được thừa hưởng sản phẩm mà có giá trị cao như đã từng dành cho khách quốc tế.
Các gói kích cầu vừa qua, chúng ta đã làm thí nghiệm và bước đầu đang mang lại thành công. Như người Việt Nam đi du lịch Việt Nam, đến những vùng, những điểm di sản, danh lam thắng cảnh… Một minh chứng rõ nhất là vào dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 tới. Theo số liệu chúng tôi nắm được, các hãng hàng không cũng đã bán hết vé đến các điểm du lịch, như Phú Quốc, Quảng Ninh,…
Qua đó để nói rằng, nhu cầu của khách nội địa là khá cao. Vấn đề là chúng ta phải tạo ra sản phẩm và chú ý nhiều hơn đến tiếp thị và rút kinh nghiệm của các gói kích cầu trước để chúng ta làm có tính chất bền vững hơn thì sẽ đạt hiệu quả như chúng ta đang kỳ vọng!
Phóng viên VTV: Một lần nữa cảm ơn Bộ trưởng đã dành thời gian cho VTV!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!