Nhận định trên được Tiến sĩ Đoàn Văn Báu, chuyên gia tâm lý tội phạm, đưa ra tại toạ đàm Thực trạng và giải pháp ngăn chặn nguy cơ người trẻ phạm tội, ngày 15/4. Ông dẫn chứng, hiện nhiều nghệ sĩ, nhóm hài đang sản xuất các tập phim ngắn (web drama) theo phong cách phim giang hồ Hong Kong thập niên 1990 để đăng trên Youtube.
"Những anh vi cá, chị mười ba... đang khuấy đảo mạng xã hội. Nghệ sĩ thì thích đóng giang hồ, giang hồ lại muốn làm nghệ sĩ, như trường hợp Huấn Hoa Hồng... thu hút cả chục triệu lượt xem, ảnh hưởng rất xấu đến giới trẻ", ông Báu nói.
Thống kê của Bộ Công an, giai đoạn 2018-2020, cả nước ghi nhận 10.786 vụ người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Tại TP HCM, từ năm 2018 đến hết quý một năm 2021 có 516 vụ, trong đó 96% người gây án ở độ tuổi 14-18. Phần lớn các vụ án xảy ra ở địa bàn giáp ranh Sài Gòn, quy mô đặc biệt lớn so với trước, thậm chí tụ tập cả trăm người như vụ băng giang hồ áo cam gây rối ở Bình Tân.
Theo tiến sĩ Báu, tội phạm trẻ hóa ngày càng phổ biến và nghiêm trọng hơn. Các vụ án trước đây chỉ là hành vi gây rối trật tự công cộng, đua xe, trộm cắp vặt thì nay đã phát triển sang cả tội phạm công nghệ cao, thậm chí xâm hại an ninh quốc gia.
Nguyên nhân thứ hai dẫn tình trạng này, theo ông Báu, là tâm lý thích a dua, muốn khoe "số má" trên mạng của giới trẻ, nên dễ bị người xấu lôi kéo vi phạm pháp luật. Trong khi đó, nội dung giáo dục ở trường vẫn nặng lý thuyết, thiếu hoạt động kỹ năng mềm dạy trẻ cách đối phó với thực trạng này.
Đồng quan điểm, lãnh đạo một trường đại học cho rằng, nhà trường hiện chỉ là nơi học văn hoá, chưa gắn kết học sinh và "giáo dục đang chảy chỗ trũng" khiến học sinh vùng giáp ranh, vùng xa chưa được tiếp cận kỹ năng mềm như ở khu vực trung tâm thành phố.
Không đồng ý, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết thành phố đang đầu tư sâu rộng cho giáo dục, kể cả vùng nông thôn. Các trường đang có nhiều chương trình toàn diện để hướng dẫn học sinh hướng thiện.
Về nguyên nhân dẫn đến giới trẻ phạm tội, ông này cho là đạo đức lối sống xuống cấp, thiếu hiểu biết pháp luật và coi thường pháp luật. Câu chuyện giới trẻ phạm pháp là trách nhiệm không của riêng ai, mà cần chung tay toàn xã hội. Gia đình, nhà trường phải giành giật con em về phía mình, không để các em dính vào mặt tối cuộc sống. "Giữ được học sinh trong nhà trường qua các hoạt động giáo dục gắn kết, toàn diện, sẽ là cơ hội ngăn chặn tối đa nguy cơ tội phạm trẻ hóa".
Trong khi đó, chuyên gia tâm lý Đào Lê Hoà An cho rằng, nhà trường và gia đình cần hướng dẫn con em sáng suốt lựa chọn thông tin trên mạng xã hội. Bởi thực tế nhiều bạn trẻ năng động, tiếp nhận mọi thứ nhanh nhưng "bộ lọc" yếu nên dễ thấm thông tin sai lệch, dẫn tới hành vi lệch chuẩn.
Ông kể từng phỏng vấn hơn 10 nạn nhân bạo lực học đường, hỏi vì sao đứng im chịu tát, có em nói "một bạn đánh còn 20 bạn khác live stream, nếu em bỏ chạy thì thấy nhục, thà ăn đục còn hơn".
Chủ trì tọa đàm, nhà báo Nguyễn Quang Thông (Tổng biên tập báo Thanh Niên) cho rằng, ngành công an cần xử lý những người phát tán, live stream các hành vi vi phạm pháp luật. Lý do dẫn tới tình trạng tràn lan nội dung xấu trên mạng xã hội là "càng câu view, càng được tiền quảng cáo" nên rất cần sự vào cuộc của doanh nghiệp (chủ mạng xã hội) và các cơ quan chức năng.
Về nhóm giải pháp kéo giảm tội phạm do người trẻ gây ra, các chuyên gia xác định "phòng hơn chống". Trong đó, thiếu tá Trịnh Khánh Hùng, Phó phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP HCM cho biết, công an các quận huyện đang phối hợp chặt chẽ cùng các ngành phổ biến, tuyên truyền pháp luật ngay tại trường học, nâng cao hiểu biết cho học sinh.
Ông Hùng đề nghị các trường rà soát danh sách học sinh cá biệt, bỏ học để thông báo cho công an địa phương cùng giám sát. "Chúng tôi cũng sẽ mạnh tay với người lớn xúi giục trẻ em phạm pháp. Ngành văn hóa, gia đình cần kiểm soát chặt phim ảnh, thông tin bạo lực trực tuyến", thiếu tá Hùng nói.
Việt Anh
Xem thêm: lmth.1633624-iot-mahp-ert-ioig-gnod-cat-ebutuoy-nert-oh-gnaig-mihp/ten.sserpxenv