- Đồng chí Trần Thanh Mẫn đánh giá cao công tác chuẩn bị bầu cử ở Tiền Giang
- Chủ tịch Quốc hội kiểm tra công tác bầu cử tại Hải Phòng
Theo báo cáo của Ủy ban Bầu cử tỉnh Quảng Ninh, toàn tỉnh đã thành lập 191 Uỷ ban bầu cử các cấp; ấn định và công bố 1.353 đơn vị bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở công bố các đơn vị bầu cử đã thành lập 1.353 Ban bầu cử, xong trước ngày 9-3; 1.438 khu vực bỏ phiếu, xong trước ngày 25/3; thành lập 1.438 tổ bầu cử.
Các hội nghị hiệp thương được tổ chức dân chủ, công khai và đúng pháp luật. Kết quả hiệp thương lần 1 cho thấy, số dư bình quân của tỉnh là 4,32 lần, cấp huyện là 3,26 lần, cấp xã là 3,18 lần, thể hiện sự mở rộng dân chủ và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong công tác nhân sự, lựa chọn người ứng cử. Đến ngày 19-3, hội nghị hiệp thương lần 2 để thoả thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đảm bảo quy trình và tiến độ. Qua kết quả hiệp thương lần thứ 2 cho thấy, các cơ cấu thành phần, tỷ lệ cơ cấu kết hợp đều đảm bảo cao hơn so với quy định của Trung ương; chất lượng người ứng cử được nâng lên.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo công tác chuẩn bị bầu cử tại Quảng Ninh. |
Toàn tỉnh đã hoàn thành tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú vào ngày 10/4, sớm hơn 3 ngày so với Trung ương. Và đến hết ngày 7/4, danh sách cử tri đều được niêm yết công khai tại trụ sở 177 xã, phường, thị trấn và 1.438 khu vực bỏ phiếu trong toàn tỉnh đảm bảo thuận tiện cho cử tri quan sát, theo dõi. Công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý, phân loại, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến bầu cử được thực hiện sát sao.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao các sáng kiến của Quảng Ninh trong triển khai cụ thể hóa các chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương về công tác bầu cử. Ủy ban bầu cử tỉnh đã ban hành kế hoạch, chia thành 3 bước; kết thúc mỗi bước tổ chức sơ kết, kiểm đếm, đánh giá lại những công việc đã thực hiện, rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai bước tiếp theo. Mở rộng được dân chủ, để có điều kiện lựa chọn ứng cử viên có chất lượng tốt nhất, vừa đảm bảo được sự lãnh đạo của các tổ chức Đảng, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, cử tri.
Cùng với đó, việc đảm bảo an toàn cho cuộc bầu cử được quan tâm chỉ đạo sát sao, chủ động nắm địa bàn, cơ sở để nắm bắt tình hình của nhân dân, kịp thời tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc phát sinh để tránh tình trạng bức xúc trong nhân dân; đồng thời chủ động xây dựng các phương án, kịch bản, biện pháp sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả các tình huống, phù hợp với các cấp độ diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19, kể cả các tình huống xấu nhất.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu tỉnh Quảng Ninh tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa ý nghĩa, mục đích, yêu cầu, tầm quan trọng của cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 bởi nhiệm vụ từ nay đến ngày bầu cử rất quan trọng, có tính chất quyết định đến thành công của cuộc bầu cử. Theo đó, các nội dung chuẩn bị cho cuộc bầu cử phải được tổ chức đúng quy định của pháp luật, phát huy cao nhất quyền làm chủ của nhân dân, công khai, minh bạch, đảm bảo an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội của toàn dân, với mục tiêu cao nhất chọn ra những đại biểu ưu tú, xứng đáng, đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Ủy ban bầu cử các cấp tiếp tục rà soát, cập nhật thường xuyên danh sách cử tri; phối hợp chặt chẽ với MTTQ cùng cấp tổ chức thành công hội nghị hiệp thương lần 3. Rà soát lại cơ sở vật chất tại các điểm bầu cử để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho cử tri đến bỏ phiếu. Làm tốt công tác xử lý đơn thư, khiếu nại tố cáo; nắm chắc địa bàn, dự báo tốt tình hình tại một số địa bàn, khu vực thường xuyên có khiếu kiện đông người, phức tạp. Tăng cường công tác thông tin truyền thông cụ thể hơn, kỹ lưỡng hơn để đảm bảo cử tri, nhân dân nắm chắc được thông tin người ứng cử, Luật bầu cử; quy trình bầu cử…