- Sự cố ở Kênh đào Suez: Lời cảnh báo và những lựa chọn thay thế
- Cuộc khủng hoảng kênh đào Suez và câu chuyện nước lớn
“Tiền trao cháo múc”
Theo tuyên bố của Giám đốc Cơ quan quản lý kênh đào Suez Osama Rabie, Ever Given, con tàu đã chặn đường thủy quan trọng này trong gần một tuần, sẽ nằm trong tay chính quyền Ai Cập cho đến khi hoàn tất việc bồi thường. Hiện thủy thủ đoàn của con tàu đang hợp tác với các nhà chức trách để điều tra nguyên nhân dẫn đến sự cố. Ai Cập thì vẫn đang đàm phán về số tiền, dự kiến vào khoảng 1 tỷ USD.
“Ngay giây phút họ đồng ý bồi thường, con tàu sẽ được phép di chuyển”, ông Osama Rabie nhấn mạnh và cho biết thêm, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al-Sisi đã yêu cầu các cơ quan chức năng nước này chuẩn bị cho tình huống hạ tải con tàu. Trong trường hợp hai bên không đàm phán được và phải đưa nhau ra tòa, Ai Cập sẽ giữ con tàu ở hồ Great Bitter, phía Bắc kênh đào Suez, nơi nó hiện đang được kiểm tra bảo dưỡng.
Về con số 1 tỷ USD, ông Osama Rabie cho biết thống kế này dựa trên thiệt hại về doanh thu từ kênh đào, chi phí thiết bị, máy móc và nhân lực của 800 nhân viên cứu hộ đã giải phóng con tàu. “Chúng tôi đã yêu cầu một số tiền hợp lý. Chúng tôi đã cứu họ bằng nhiều cách mà không xảy ra bất kỳ thiệt hại hoặc tổn thất lớn nào”, ông Osama Rabie nói thêm.
Vì vụ tàu container mắc cạn, Cơ quan quản lý kênh đào Suez bị mất doanh thu khoảng 15 triệu USD mỗi ngày. |
Thực tế, trong suốt 6 ngày giải cứu tàu Ever Given, Cơ quan quản lý kênh đào Suez đã phải dùng đến 15 tàu kéo, 2 tàu hút cát và làm việc 24 giờ/ngày. Điều kiện làm việc của những người trong thành viên đội giải cứu cũng vô cùng khắc nghiệt.
Aly Awamy, một thợ cơ khí trên tàu lai dắt Mashhour nói với NBC News: “Điều khó khăn nhất là nỗi sợ hãi. Chúng tôi đang làm việc dưới một thứ gì đó có kích thước bằng một tòa nhà 10 tầng có thể rơi trúng chúng tôi bất cứ lúc nào”. Một thủy thủ tên Mohammed Sayed cho biết: “Nó rất nguy hiểm. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, chúng tôi sử dụng tàu cuốc để làm nổi một con tàu và giải phóng nó”.
Thêm vào đó, việc tàu container khổng lồ chắn kênh đào Suez trong 6 ngày đã khiến cơ quan này mất doanh thu khoảng 15 triệu USD/ ngày. Vụ việc cũng gây ra một cuộc khủng hoảng trong vận tải biển quốc tế, chiếm 9 tỷ USD thương mại toàn cầu mỗi ngày và khiến 422 tàu chở mọi thứ từ dầu thô đến gia súc phải chờ đi qua.
Cuộc điều tra và yêu cầu bảo hiểm
Cho đến này, các nhà điều tra vẫn đang tìm kiếm manh mối mới về việc bị mắc cạn của tàu Ever Given, bao gồm cả việc khám nghiệm những gì đã xảy ra trên cầu tàu. “Có một hộp đen giống như hộp đen trong máy bay ghi lại mọi thứ. Mọi lời nói về máy móc, mọi lời nói về chỉ đạo, mọi lời nói của thuyền trưởng hay bất kỳ người nào khác...”, ông Osama Rabie nói.
Trong khi đó, các chủ sở hữu Nhật Bản của tàu Ever Given tuyên bố họ vẫn đang tiến hành đàm phán với Ai Cập nhưng chưa có ai chính thức nói với họ rằng con tàu bị giữ làm tài sản thế chấp. Nguồn tin từ hãng Bloomberg xác nhận, vào thời điểm xảy ra vụ việc, tàu Ever Given thuộc sở hữu của một công ty Nhật Bản của Tập đoàn Đài Loan Shoei Kisen Kaisha Ltd., do các nhà khai thác của Đức quản lý. Thủy thủ đoàn gồm các công dân Ấn Độ, đăng ký hoạt động tàu tại Panama và quá cảnh ở Ai Cập.
Ông Brian Schneider, Giám đốc cấp cao tại bộ phận bảo hiểm của Fitch Ratings cho biết, có quá nhiều tầng trách nhiệm trong vụ con tàu mắc cạn nên quá trình giải quyết càng thêm phức tạp. “Theo tôi, con số 1 tỷ USD là ước tính của họ về tổng thiệt hại từ sự kiện chứ không phải bất kỳ khoản bồi thường cụ thể nào cho Cơ quan quản lý kênh đào Suez. Tôi hy vọng rằng tổn thất của ngành bảo hiểm sẽ có nhiều khả năng ở mức thấp hàng trăm triệu USD vì con tàu đã được giải phóng trong 6 ngày”, Brian Schneider nói và cho biết chủ sở hữu tàu có thể phải chịu khoản lỗ lên tới 1 tỷ USD nếu con tàu bị dỡ hàng hóa và hư hỏng. Trong trường hợp đó, các công ty bảo hiểm phải đối mặt với các yêu cầu bồi thường về mất doanh thu.
Trong khi đó, hãng Reuters dẫn một nguồn tin khác cho hay, các công ty bảo hiểm dường như đã đồng ý thanh toán phấn lớn hóa đơn cho việc giải cứu con tàu. “Các tàu thường có bảo hiểm bảo vệ & bồi thường (P&I), bảo hiểm cho các yêu cầu trách nhiệm của bên thứ ba bao gồm thiệt hại và thương tích về môi trường; các chính sách về thân tàu và máy móc riêng biệt (H&M) bảo hiểm cho các tàu chống lại thiệt hại vật chất...”, Alan Mackinnon, Giám đốc yêu cầu bồi thường của Câu lạc bộ Vương quốc Anh - Công ty bảo hiểm P&I của tàu Ever Given cho biết.
Cũng theo ông Alan Mackinnon, phải có một yêu cầu chống lại chủ sở hữu con tàu từ Cơ quan quản lý kênh đào Suez vì gây thiệt hại cho kênh và làm mất doanh thu cũng như yêu cầu bồi thường riêng từ một số chủ sở hữu của những con tàu bị ảnh hưởng thì mới có cơ sở để giải quyết. “Chúng tôi hy vọng sẽ sớm nhận được yêu cầu từ các nhà chức trách Ai Cập và yêu cầu từ các chủ tàu khác trong những tháng tới”, Alan Mackinnon nói.
Trước mắt, Câu lạc bộ Vương quốc Anh sẽ trang trải khoản lỗ 10 triệu USD đầu tiên của P&I. Ngoài ra, nhóm các công ty bảo hiểm P&I sẽ lên tới 100 triệu USD và tàu Ever Given thường có giới hạn bảo hiểm của H&M từ 100-140 triệu USD. Các nguồn bảo hiểm khác cho biết các công ty bảo lãnh thân tàu Nhật Bản cũng sẽ mở rộng phạm vi tiếp xúc với các công ty tái bảo hiểm.
Được biết, hôm 1-4, Shoei Kisen Kaisha Ltd đã đệ đơn kiện lên Tòa án Tối cao London về việc công ty thuê tàu Evergreen Marine Corp., tuyên bố họ “không chịu trách nhiệm về việc hàng hóa bị chậm trễ” và những thiệt hại “sẽ được bảo hiểm chi trả”.
Sông ThươngXem thêm: /814736-nac-cam-uat-uv-DSU-yt-1-gnouht-iob-iod-neihc-couC/gtna-naul-hniB-neik-uS/nv.moc.dnac.gtna