Y Phương làm cho tôi sướng được khoảng hơn hai năm liên tục. Một lần tôi gọi điện cho ông, đề nghị gửi cho tôi một bài tản văn. Không biết nhà thơ mắt nhắm, mắt mở thế nào hoặc lẫn cẫn, ông gửi cho tôi nguyên cả tập bản thảo “Fừn nèn củi Tết” chưa in của ông. Thế là tự dưng tôi kiếm được kho tàng béo mẫm, tha hồ đánh chén mà không phải lo gì. Lâu lâu tôi lại rút một cái tản văn của Y Phương ra in, ai đọc cũng tấm tắc khen hay.
Tản văn Y Phương đẹp lắm, ông viết kiểu dệt gấm thêu hoa, thứ gì ông viết cũng khiến nó thơ mộng, nhí nhảnh, nhiều màu sắc và sinh động, đúng như cái kiểu hồn nhiên của người Tày quê ông. Tản văn của Y Phương chủ yếu về miền núi, ông đã làm cho núi rừng vùng Trùng Khánh, Cao Bằng sinh động, thơ mộng hẳn lên. Một lần khoái chí, tôi đã phong cho ông danh hiệu “người viết tản văn số một” nhưng ông đã nhất quyết từ chối. Ông bảo, nhà thì tao có rồi, tao không cần thêm gạch đá để xây nhà, tổn thọ lắm!
Ảnh: L.G |
Loanh quanh gần đây, tôi đọc thấy ai đó viết rằng, cứ bảo một người nào đấy làm giỏi làm hay mà không trưng ra được ví dụ xác đáng thì chỉ là nói khoác, nói lấy được. Tôi cũng sợ người ta phong cho mình danh hiệu “nói phét thành thần” nên xin trích một đoạn tản văn của Y Phương trong bài “Tết về nghe sương muối vỗ tay” để mọi người cùng thưởng lãm.
“Tôi xin mách, rét sương muối quê tôi có mùi cám rang. Cám rang dùng làm thính để mồi cá. Từng đàn cá nghe thấy mùi thính, chúng rào rào bơi bơi tìm đến. Thế là đàn cá này tiếp đàn cá kia lần lượt mắc bẫy. Hay chưa? Nếu có bạn nào chưa tin, hãy thè lưỡi nếm thử gió núi quê tôi một lần xem sao. Nó không giống như các vùng miền khác, xứ sở khác. Ở chỗ người ta cũng gió rét. Nhưng rét nhẹ. Rét êm dịu. Rét đầy tình thương mến. Sao cái rét nhà tôi hoi hói tức ngực. Bởi cái rét được ủ kỹ từ ngày con trâu biết ngồi. Rét cứ thế lừng lững từ trong thung sâu đi ra. Rét từ trên non cao tụt xuống. Nên cái rét lên màu thâm sì. Cái rét cuộn mình ào ào bất ngờ dội tới. Từng đợt rét kèm sương muối tràn vào đầy nhà. Gió rét lách qua phên liếp. Gió rét chích vào da thịt người như dao lam như đóng đinh cùn. Khắp nơi khắp chốn chỗ nào cũng rét run bần bật. Hai hàm răng đánh mạnh vào nhau như bánh xe lu lăn đường. Mưa rét đã đành. Nắng hanh lại càng rét ngọt rét ngào rét đậm đặc. Gió u u thổi. Gió hừng hực thốc. Gió tưng bừng reo ca như tháo khoán. Gió làm cho không gian ngàn lau âm u xám xịt, nay thêm phần hung hăng dữ tợn. Nhìn dọc con đường làng mềm cong như lạt. Trông ra ngoài đồng như đồng không bỏ hoang. Khắp nơi khắp chốn vắng teo. Tiếng người lẫn tiếng trâu bò đi đâu, im ắng. Ồ! Bởi tất cả đều ở tịt trong nhà, trốn rét.
Khắp nơi khắp chốn, sương muối mây mù nống ra dày đặc. Mây mù sương muối cuộn vào nhau làm thành từng đống xốp mốc meo, to đùng như trái núi. Mây mù xứ này ngỡ ngon như bánh đúc. Có thể cầm nắm mà ném nhau thỏa thích. Ấy thế mà ngày trước, bọn trẻ con chúng tôi hầu như đứa nào cũng đầu trần chân đất. Bạn bè rúc rích như khỉ con rẽ mây mù đến trường đi học. Còn, áo xống mặc suốt cả mùa đông. Chả thèm giặt. Nên thằng nào cũng hôi rình như con lửng…”.
Đấy, Y Phương viết thế đấy. Ông dùng chữ tinh luyện và sinh động lắm, thế mà 9 tuổi ông mới học tiếng Việt và thuở bé, nói tiếng kinh và học chữ là hai thứ ông sợ nhất.
Tôi vốn đãng trí ghê gớm, một lần tôi làm mất số điện thoại của Y Phương, hỏi vài người đều không được nhưng nhớ rằng ông kết bạn Facebook với tôi. Nhưng tìm được ông trên mạng xã hội không phải là dễ. Tôi đã đọc tiểu sử của ông, biết ông sinh năm 1948, người Tày làng Hiếu Lễ, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Ông từng là lính đặc công, tên thật là Hứa Vĩnh Sước, bút danh là Y Phương nhưng nick Facebook lại là một cái tên hạ hoắc: Sakiki Du!
Sở dĩ tôi tìm được nick của ông trên mạng vì tôi nhớ ra, Hoàng A Sáng là con rể ông nên tôi hỏi Sáng. Sáng học mĩ thuật nhưng làm báo thì cực tài luôn và viết văn cũng khá. Một mình Sáng làm “tổng biên tập”, kiêm đọc morass, kiêm phát hành tờ “Tuổi trẻ và Đời sống” hơn mười năm trời và báo bán chạy số dzách luôn. Tôi hỏi A Sáng về nickname ông bố vợ quý hoá của hắn và mọi việc trở nên dễ dàng. Cũng giống ông nhạc của mình, Sáng là hạng đàn ông yêu con số một. Hắn liên tục chụp ảnh, quay clip con gái yêu của hắn suốt ngày và khoe con hắn làm được việc này việc nọ. Ông bố vợ cũng thế, tràn ngập Facebook cá nhân là ảnh cháu ngoại, cháu nội, nhất là thằng cu Đu Đủ mới hơn hai tuổi, bập bẹ chạy, bập bẹ nói, chơi lộn đủ kiểu…
Dù cách xa tuổi Y Phương rất nhiều nhưng tôi gọi Y Phương là anh… cho nó trẻ. Chắc mọi người còn nhớ giai thoại Xuân Diệu bắt các em nữ sinh Trường Sư phạm gọi mình là anh. Không chú cháu gì cả nhé! Gọi là “anh” thì nhà thơ nói chuyện mới véo von, ngọt mượt, gọi là “chú” là lập tức trổ giọng rè, rất chối! Tôi cũng nghĩ vậy nên gọi Y Phương là anh nhưng khổ nỗi tôi xưng hô với tay con rể ông, A Sáng là “ông, tôi” vì hai thằng ngang tuổi nhau. Vậy lúc cả ba người gặp nhau thì xưng hô thế nào! Thôi kệ. Tôi từng nhớ có lần nhà thơ trẻ Lữ Mai kể cho bọn tôi câu chuyện một ông nhà văn thuộc diện lão làng bắt Mai gọi ông là “anh”. Mai ngoan ngoãn vâng theo nhưng cũng thật thà bảo: Chả dám giấu chứ nói thật anh hơn cả tuổi bố em ở quê đấy!
Tôi đã vài lần trông thấy Y Phương ở các cuộc hội hè nhưng ít đến chỗ ông vì xung quanh ông lúc nào cũng nhiều bạn bè, các nữ thi sĩ đủ các lứa tuổi. Lúc nào trông ông cũng vui vẻ, hoạt bát. Tôi chưa đủ độ “phũ” để hỏi thẳng nhưng tôi đoán thời trẻ chắc ông cũng là tay “sát gái” lắm. Tất nhiên thi sĩ nào cũng cần một vài nàng thơ trong tâm tưởng để những sáng tạo của mình được bay xa, bay cao. Tôi không rành về thơ nên không dám bàn về thơ ông nhưng có lần tôi hỏi Y Phương: giữa thơ và văn, cái nào quan trọng hơn đối với ông. Y Phương trả lời ngay, thơ chứ. Tất nhiên Y Phương là một trong những nhà thơ tiêu biểu của các dân tộc thiểu số và cả nền thơ đương đại. Thơ ông đã được đưa vào sách giáo khoa từ lâu và tản văn của ông cũng từng được tặng thưởng danh giá.
Tôi đến thăm nhà ông vào một sáng Chủ Nhật, trời Hà Nội âm u, nửa khô, nửa ướt. Nhà Y Phương ở ngõ số 9 đường Khuất Duy Tiến, khu tập thể bưu điện cũ, đi cầu thang số 3, phòng 212. Tôi đã gọi điện trước cho nhà văn đề nghị chỉ dẫn nhưng chỉ cần nhìn thấy mấy tờ giấy màu điều viết chữ Hán treo phất phơ ở cửa là tôi biết đấy là nhà Y Phương vì ông đang học chữ Hán.
Y Phương người cao lớn, chắc chắn nhưng di chuyển khó khăn vì ông bị viêm dây thần kinh mạng nhện từ thời trẻ. Một kỉ niệm buồn khi lớp viết văn Nguyễn Du khoá II của ông đi làm tác phẩm tốt nghiệp ở Nhà sáng tác ở Đại Lải, Vĩnh Phúc. Oi bức quá, mọi người tháo nước ngập phòng để chống nóng, sáng ra tỉnh dậy Y Phương đã thấy chân mình không nhấc lên được nữa.
Ban đầu người ta chỉ biết đến thơ Y Phương vì ông đơn thuần chỉ viết thơ và đoạt giải từ rất sớm. Ông đoạt giải A cuộc thi thơ trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội từ năm 1984, đến năm 1987 ông lại nhận giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam với tập thơ “Tiếng hát tháng Giêng.” Ông cũng là người đầu tiên được tặng thưởng với thể loại tản văn của Hội nhà văn Việt Nam với tập “Tháng Giêng, tháng Giêng một vòng dao quắm” năm 2010.
Y Phương đến với tản văn khá tình cờ. Một lần nhà thơ Nguyễn Quyến ở Báo Vietnamnet bảo ông viết cái gì đó về văn hoá dân tộc Tày. Thế là ông suy nghĩ và viết trong niềm cảm hứng từ cuốn “Dagestan của tôi” của Raxun Gamzatop nhưng theo phong cách riêng của mình. Tản văn tuy là thể loại dễ đọc nhưng viết hay rất khó, thường rơi vào hời hợt, sến súa. Sự đặc sắc của tản văn Y Phương là dù một nét nhỏ thoáng qua văn hoá, cảnh sắc, phong tục nhưng ông vẫn chuyển tải những thông điệp có ý nghĩa, những suy ngẫm trong đó với sự cẩn trọng và tinh tế của câu chữ.
Y Phương ngồi tiếp tôi trong căn hộ tập thể cũ kĩ, chốc chốc đứa cháu nội của ông, cu Đu Đủ lại đến đùa nghịch xung quanh. Y Phương lo lắng cho những đứa cháu mình lắm và thậm chí ông đã ngừng viết một thời gian để chăm chút cho cháu, có người đã từng phong cho ông danh hiệu “ông nội nhân dân” vì sự “cuồng” cháu của mình. Tôi cũng hiểu điều đó một phần vì bố tôi ở nhà cũng coi những đứa cháu nhỏ là trên hết, mọi thứ khác có thể chỉ là phù phiếm.
Nhìn gương mặt sáng láng, sang trọng của ông, tôi lại nhớ đến nhà thơ Quang Dũng và nhà văn nổi tiếng người Mỹ F. Scott Fitzgerald, tác giả của “Đại gia Gatsby.” Y Phương để ria mép đậm, mặt vuông đầy đặn toát ra chất lịch lãm rất nam tính. Ông xuất thân từ một gia đình người Tày áo ngắn, bố ông từng là “thày Tào”, một người có địa vị khá quan trọng trong xã hội và văn hoá Tày thời phong kiến.
Tôi chia tay Y Phương rồi mà vẫn còn lưu luyến một chút, tôi ngắm khu nhà tập thể nơi ông ở phủ màu vàng sậm phơ phác thời gian. Khối nhà tuy cũ kĩ nhưng vẫn để cho người ta phải suy tư về một điều gì đó. Và tôi nhớ câu nói của Y Phương với những đứa cháu của mình: Ông mừng là các cháu vẫn tự hào là người Tày. Là người Tày thì sao chứ. Như Y Phương ấy, một cái cây Tày cao lớn trong khu vườn Việt muôn màu sắc, kiêu hãnh vươn lên cùng nắng gió văn nghệ và hoà chung cùng bạn bè, anh em xứ sở mình.
Uông TriềuXem thêm: /833736-gnouhP-Y-yaT-yac-iaC/tav-nahN/nv.moc.dnac.tcgtna