Tôi giật mình nhận ra một sự thật: từ rất lâu rồi, mỗi khi nghĩ đến chuyện “kết nối” có vẻ con người hiện đại thường nghĩ ngay đến các khái niệm như wifi, internet, mạng xã hội, công nghệ thông tin... Tự nhiên tôi ước ao: trong cái rừng những tiêu đề trên, ước gì có một tiêu đề “Cách khắc phục khi mất kết nối với các đại tự sự”.
Loài người tồn tại đến thời điểm này suy cho cùng là nhờ tính năng kết nối. Những con người riêng lẻ kết nối thành thị tộc, những thị tộc riêng lẻ kết nối thành bộ lạc, những bộ lạc riêng lẻ kết nối thành quốc gia. Đến thời điểm toàn cầu hóa, khoa học kỹ thuật lên ngôi thì những quốc gia riêng lẻ thậm chí có thể được siêu kết nối với nhau để tạo thành những siêu quốc gia. Những tập đoàn sản xuất công nghệ siêu quốc gia, những tập đoàn dược phẩm siêu quốc gia, những tập đoàn truyền thông siêu quốc gia - đó là những khái niệm con người hiện đại quen thuộc từ lâu.
Facebook cũng là một siêu quốc gia, Google cũng là một siêu quốc gia, đó là những khái niệm mới mà con người đã và đang dần dần thừa nhận. Cũng giống như những bộ lạc xửa xưa, các siêu quốc gia hôm nay chỉ có thể vận hành nếu từng bộ phận trong đó được kết nối với nhau. Và công cụ của sự kết nối là internet, là wifi, là các phần mềm họp hành giao lưu trực tuyến, là các chức năng đối thoại của các loại hình mạng xã hội. Người ta không thể tưởng tượng nổi điều gì sẽ xảy ra nếu toàn bộ thế giới mất internet trong khoảng 1 giờ?
Sự thiệt hại về giao tiếp, về kinh tế là điều hiển nhiên nhưng còn có những sự thiệt hại khủng khiếp hơn: một quốc gia hoặc một siêu quốc gia nào đó có thể đối diện với nguy cơ sụp đổ. Vì vậy, thật dễ hiểu khi “mất kết nối với internet”/ “mất kết nối với wifi” là một trong những nỗi ám ảnh thường trực nhất của con người hiện đại.
Nhưng, đâu phải ai cũng sử dụng internet một cách có ích. Đâu phải ai cũng tham gia mạng xã hội một cách có trách nhiệm. Từ EU đến Mỹ, từ Việt Nam đến Brazil, đâu đâu cũng thấy người ta than phiền về tình trạng tin giả - tin độc - tin hại tung hoành trên internet. Cái giả ấy khủng khiếp đến mức đã góp phần quan trọng tạo ra một thời đại mà những nhà nghiên cứu gọi là “thời đại hậu sự thật”, nơi mà bản chất sự thật trong rất nhiều trường hợp còn không quan trọng bằng việc cứ tung ra những kiểu thông tin hư hư - thực thực đánh vào cảm xúc đám đông. Thời đại tiền internet đương nhiên cũng có tin giả nhưng nó không có môi trường phát tán và tạo ra nhiều hậu họa như bây giờ.
Rồi nữa, nay người ta than phiền về việc YouTuber này giật tít câu view, gây nhức nhối xã hội, mai người ta than phiền về việc một YouTuber khác thực hiện những clip đầu độc trẻ em. Bản chất của internet là ai cũng có thể tham gia, miễn là có kết nối về mặt công nghệ. Bản chất của mạng xã hội là ai cũng có thể tung tin/viết bài/bình luận, hoặc bằng tài khoản thật của mình, hoặc bằng vô số những tài khoản ảo mà mình có thể tạo nên.
Đây là hậu quả của những quá trình giáo dục thiếu hiệu quả ở những quốc gia kém văn minh? Không! Chắc chắn là không! Bởi ngay cả những quốc gia văn minh nhất nhì thế giới cũng đau đầu với vấn nạn này đấy chứ! Đây là những biến thái tất yếu của quá trình đầu tiếp xúc giữa hệ sinh thái thật với hệ sinh thái ảo? Nếu tin như vậy thì đến bao giờ quá trình này mới dừng lại, mọi thứ trở nên chính quy, nề nếp? Nhìn một cách sâu thẳm, ở quy mô nhân loại nói chung (chứ không chỉ dừng lại ở một vài quốc gia nhỏ lẻ nào), tất cả những hiện tượng khủng khiếp này có lẽ là hậu quả tất yếu của một quá trình loài người rời xa các đại tự sự.
Từ khoảng cuối thế kỷ 19 trở về trước, khi thực hiện một hành động, một con người trên trái đất thường bị chi phối bởi những yếu tố nào? Yếu tố đầu tiên chắc chắn là luật lệ. Con người Trung cổ phương Đông hay phương Tây cũng thế, trước khi muốn kết hôn với một người, muốn tham gia một cuộc chiến hoặc muốn tự hiến tế cho các thần linh đều phải trả lời câu hỏi: hành động của mình có phù hợp với luật lệ/hương ước địa phương không?
Nhưng, bên cạnh sự chi phối của luật còn là sự chi phối của các đại tự sự, khiến con người đứng trước câu hỏi thứ hai: hành động của mình có vi phạm các chuẩn mực mà những đại tự sự đặt ra không? Trong rất nhiều trường hợp, các đại tự sự đưa ra những chuẩn mực hà khắc nhưng trong rất nhiều trường hợp khác nó lại giúp con người ý thức rõ trách nhiệm của mình với tộc loài.
Thiên Chúa giáo là một đại tự sự. Phật giáo là một đại tự sự. Hồi giáo là một đại tự sự. Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa cộng sản cũng là những kiểu đại tự sự. Tin hay không tin vào từng đại tự sự cụ thể là quyền của bạn nhưng có điều chắc chắn, những con người chịu sự chi phối bởi các đại tự sự thường có tính trách nhiệm cộng đồng cao hơn so với những con người bản năng. Cho nên các nhà nghiên cứu tin rằng chính các đại tự sự đã kiến tạo xã hội.
Nói cách khác, đại tự sự tạo nên văn hóa, tạo nên lịch sử, tạo nên con người với tính “người” rõ nét. Đại tự sự là một khái niệm gắn liền với các triết gia hậu hiện đại, có thể hiểu một cách đơn giản là những cái chung/những cái phổ quát mà một cộng đồng hoặc toàn nhân loại cùng trải nghiệm trong lịch sử. Nếu không ở trạng thái “cùng trải nghiệm” thì nó có thể xuất hiện ở trạng thái “cùng hy vọng”, “cùng hướng đến” để tạo ra những giá trị phổ quát.
Khi bạn tin vào một đại tự sự như Phật giáo, chắc chắn bạn sẽ tin vào luật nhân - quả. Hàng trăm thứ luật lệ hành chính trong một quốc gia sẽ điều chỉnh hành vi của bạn nhưng luật nhân - quả sẽ điều chỉnh nhận thức của bạn. Vì luật nhân quả mà bạn sẽ không thể làm điều ác. Không dám làm điều ác. Không nghĩ đến điều ác. Nếu tin vào một đại tự sự như Khổng giáo, bạn sẽ theo đuổi những phẩm chất nhân - lễ - nghĩa - trí - tín của người quân tử. Và, càng nhiều người tin vào những đại tự sự như thế thì ứng xử giữa người với người trong một xã hội càng đẹp đẽ, cái xấu xa ô trọc càng bị đẩy lùi.
Đến thời hậu hiện đại ở phương Tây (khoảng cuối thế kỷ 19), con người bắt đầu rơi vào trạng thái chán ghét các đại tự sự. Điều này có thể đến từ những quy định hà khắc mà một số đại tự sự thường tạo ra. Nhưng, thay vì tìm cách gạt bỏ những hà khắc đó, duy trì những trạng thái ưu việt đã được chứng minh của nó thì con người lại có xu hướng phá bỏ nó.
Triết gia F.Lylotard nhận định rằng lúc đó những “lịch sử lớn bị xé lẻ”, những lịch sử manh mún, cục bộ đơn giản hiện hình. Các nhà nghiên cứu khắp thế giới cổ vũ cho quá trình chuyển đổi từ “đại tự sự” sang “tiểu tự sự”, nơi mà con người xã hội chìm xuống, con người tâm lý trồi lên, con người hữu thức trở thành vai phụ, con người vô thức trở thành vai chính. Sự chuyển đổi này có lý lẽ của nó nhưng khi nó diễn ra theo kiểu đi từ thái cực này tới thái cực kia thì xã hội đương đại tất yếu chứng kiến sự tan rã của những kiến tạo xã hội. Và sự tan rã đó chính là mầm mống tạo nên những hỗn loạn trên các hệ sinh thái chứng kiến sự tương tương người - người.
“Mất kết nối”, nếu nhắc đến cụm từ ấy, chắc chắn con người hôm nay sẽ nghĩ ngay đến chuyện “mất kết nối internet” và có thể sẽ nhún vai nhăn mặt vì sợ hãi. Nhưng, thực ra sự đáng sợ lớn nhất nằm ở chỗ con người hôm nay, bằng cách này hay cách khác đã đánh mất kết nối với các đại tự sự. Sự trở lại rập khuôn với những đại tự sự trước đây chắc chắn không phải lối thoát nhưng sự trở lại có chọn lọc - cải biến - và phục hưng có thể sẽ là một lối ra? Hoặc giả, con người hôm nay có thể tạo dựng những đại tự sự mới, nếu không phải cho chính mình thì cũng để cho con cháu mình trong hàng chục, hàng trăm năm tới.
Mất kết nối với các đại tự sự có thể sẽ là một trong những bi kịch lớn nhất của con người.
Phan Mỹ ChíXem thêm: /143736-iad-neih-iougn-noc-auc-hcik-ib-ion-tek-taM/ed-neyuhC/nv.moc.dnac.tcgtna