- Giải mật CdB, thực thể tình báo tuyệt mật của châu Âu
- Mỹ và 4 nước châu Âu ra tuyên bố chung nhân dịp 10 năm nội chiến Syria
- Iran cảnh báo châu Âu ngừng đe dọa
Khi những người anh em chia rẽ
Nga và Ukraine là hai quốc gia có lịch sử gắn bó với nhau lâu dài cùng đứng dưới mái nhà chung Liên Xô trước đây. Từ chỗ là những người "anh em" thân thiết, quan hệ hai nước xấu đi từ năm 2014 khi Moskva sáp nhập bán đảo Crimea, và được cho là đã hỗ trợ lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine nổi dậy.
Cuộc nổi dậy năm đó đã dẫn đến việc thành lập hai nhà nước cộng hòa nhân dân ở Donetsk và Lugansk cùng những đòi hỏi lãnh thổ ở phía Đông và Nam Ukraine cho một nhà nước độc lập của vùng Donbass. Ukraine không chấp nhận những đòi hỏi này. Sau những thất bại quân sự ban đầu, nhờ sự giúp sức của các "đồng minh mới", quân đội Ukraine đã có những nỗ lực tái giành quyền kiểm soát lại vùng lãnh thổ nhưng thất bại. Cuộc xung đột vẫn diễn ra từ đó tới nay và khiến hơn 13 nghìn người thiệt mạng.
Nga bác bỏ cáo buộc cho rằng quân đội của họ đã tham gia vào cuộc xung đột này. Còn về phía các quốc gia phương Tây, họ không chỉ ủng hộ kỹ thuật cho Ukraine mà còn áp dụng một loạt biện pháp trừng phạt hòng gây sức ép với Moskva. Nga cũng trả đũa bằng các biện pháp của mình.
Cuộc gặp giữa nguyên thủ 3 nước Pháp - Nga - Đức tạo ra khuôn khổ mới cho những vấn đề ở châu Âu. |
Những diễn biến trên thực địa trong suốt nhiều năm qua cho thấy khó có khả năng Ukraine tổ chức được một cuộc tấn công quy mô lớn để thu hồi vùng lãnh thổ mà họ muốn. Ở chiều ngược lại, các lực lượng ly khai ở Donbass cũng không đủ sức mạnh để mở rộng vùng kiểm soát lãnh thổ (mà theo như đòi hỏi của họ có thể chiếm tới hơn 1/3 lãnh thổ Ukraine hiện tại).
Tình thế bế tắc đẩy hai bên đến bàn đàm phán trong khuôn khổ của hội đàm "Bộ tứ Normandy" do Đức và Pháp làm trung gian. Những cuộc hội đàm này đã làm dịu tình hình khu vực để mở ra hy vọng về một giải pháp chính trị hòa bình. Chỉ đến khi Ukraine bất ngờ chủ động gia tăng căng thẳng trong thời gian gần đây, tình hình mới nóng trở lại, gợi lên những lo ngại về một cuộc chiến tranh toàn diện có thể nổ ra giữa hai người "anh em" cũ.
Ukraine đang mạo hiểm
Từ đầu tháng 3, quân đội Ukraine đã liên tiếp thực hiện những cuộc pháo kích vào Donetsk. Tình hình trở nên căng thẳng khi đại diện của lực lượng dân quân Cộng hòa nhân dân Lugansk (LNR) xác nhận, giao tranh đã nổ ra giữa các binh sĩ thuộc lực lượng vũ trang Ukraine và LNR ở làng Mikhailovka hôm 10-3. Lệnh ngừng bắn theo những thỏa thuận trước đó đã bị phá vỡ.
Trong khoảng thời gian đó, quân đội Ukraine đã chuyển khoảng 300 xe tăng cùng 50 bệ phóng tên lửa, đặc biệt là việc triển khai cả hệ thống tên lửa phòng không S-300 tới khu vực xung quanh Donbass. Đây là một trong những động thái quân sự lớn nhất của Ukraine từ trước tới nay. Những dấu hiệu cho thấy quân đội Ukraine sẵn sàng cho một cuộc chiến lớn. Cùng thời điểm ấy, Bộ Quốc phòng Ukraine thông báo một đội tàu của NATO (mà cụ thể là tàu của các quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Romania) đã tiến vào biển Đen. Hành động được nhìn nhận như sự "ủng hộ" của lực lượng này đối Kiev với diễn biến trong khu vực. Những thông tin khi đó còn cho rằng rất có thể Tổng thống Zelenskiy sẽ ký sắc lệnh chiến tranh vào ngày 15-3-2021.
Mốc 15-3 đã trôi qua yên bình nhưng kể từ đó đến nay, bầu không khí ở Donbass vẫn nóng lên không ngừng. Ukraine đã thông báo sẽ mở không phận để máy bay của NATO có thể bay vào khu vực xung đột. Cùng với những động thái của phía Ukraine thì phía Nga cũng đã có những phản ứng mạnh mẽ. Ngoài việc tăng cường sự hiện diện quân sự quy mô lớn sát khu vực biên giới để sẵn sàng cho tình huống xung đột leo thang, Nga cũng đã thông báo về một kế hoạch phối hợp với Belarus để có thể cùng hành động.
Những sân bay của Belarus sẵn sàng đón thêm các máy bay Nga tới tập kết trong thời gian ngắn. Cuộc tập trận chung Nga-Belarus hồi giữa tháng 3 là một tín hiệu cảnh báo bởi nếu chiến tranh bùng nổ, hai gọng kìm từ Nga và Belarus sẽ vây lấy Ukraina. Nếu Ukraine muốn chiến tranh, rất có thể họ sẽ có được điều ấy, khi đó cuộc chiến có thể sẽ không chỉ gói gọn trong khu vực Donbass nữa - một viễn cảnh thực sự đen tối.
Ai sẽ "chống lưng" cho Ukraine?
Tiềm lực quân sự của Nga rõ ràng là vượt trội so với Ukraine. Nếu chiến tranh bùng nổ, Ukraine sẽ cần rất nhiều sự hỗ trợ từ bên ngoài. Điều gì khiến họ dám đi nước cờ mạo hiểm này?
Có một thực tế là tình hình tại Donbass bỗng nóng trở lại từ khi chính quyền mới ở Mỹ lên nắm quyền. Châu Âu, trong 2 năm qua, sau cuộc gặp thượng đỉnh của "Bộ tứ Normandy" đã trở lên khá yên bình. Với việc nước Anh rời khỏi EU, vai trò lãnh đạo khối của Pháp và Đức là rất rõ ràng. Hai quốc gia này có những bước đi khẳng định vị thế khu vực và thế giới của mình trong đó có xu hướng "hòa giải" với Nga để tìm kiếm hòa bình ổn định cho toàn châu Âu. Đây cũng là điều mà nước Nga đang mong muốn khi những người châu Âu có thể ngồi và bàn bạc trực tiếp công việc với nhau.
Ukraine gia tăng sự hiện diện quân sự tại Donbass cho một cuộc phiêu lưu mới. |
Nước Đức đang thúc đẩy dự án Dòng chảy phương Bắc 2 để nhận khí đốt trực tiếp từ Nga mà không cần qua Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ hay Ukraine đầy bất ổn nữa. Trong khi đó, nước Pháp dường như ngày càng muốn độc lập với Mỹ bằng những ý tưởng liên kết châu Âu như thành lập quân đội riêng. Mới đây, EU cũng đã phê duyệt vaccine của Nga cho chương trình tiêm chủng phòng, chống COVID của mình. Sự hợp tác giữa EU và Nga đang tốt dần lên. Cục diện hiện tại là điều mà những quốc gia này muốn giữ vững.
Nhưng, bối cảnh hòa giải đó cũng làm giảm giá trị của Mỹ tại khu vực. Những nhà lãnh đạo của nước Mỹ hiện tại đang muốn lấy lại ảnh hưởng của mình tại châu Âu. Có lẽ, họ cần một cuộc xáo động tại đây. Ukraine nằm chính giữa châu Âu rộng lớn, lại đang khát khao đòi lại vùng lãnh thổ đã mất trở thành một đối tác tiềm năng. Chính họ là những người cổ vũ mạnh mẽ nhất cho nỗ lực của Ukraine trong thời gian qua thông qua khuôn khổ của NATO. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trong cuộc điện đàm mới đây với người đồng cấp Ukraine đã khẳng định sự hỗ trợ đồng thời sẽ không để “các đối tác Ukraine” đơn độc. Chỉ khi được "chống lưng" như vậy, Ukraine mới dám bước tới. Nhưng, sự ủng hộ đó có đủ sức "bảo vệ" họ khi cuộc chiến lan rộng không thì rất khó trả lời.
Bàn cờ mới đang hình thành
Ukraine hồi đầu tháng 3 có thông báo về một kế hoạch hòa giải do Anh đề xuất. Nhưng, kế hoạch này sau đó đã bị phía Nga bác bỏ. Đức và Pháp thì hoàn toàn không phát đi một tín hiệu nào cho thấy họ ủng hộ những hành động quân sự mới đây của Ukraine. Không phải Mỹ, Anh hay Ukraine mà chỉ có nguyên thủ của 3 nước Pháp, Đức và Nga gặp nhau trực tiếp để bàn về tình hình Ukraine hôm 31-3 vừa rồi. Đó là một dấu hiệu cho thấy có vẻ như trục an ninh mới đang được hình thành trong khu vực. Cả ba nước đã nhận thấy những vấn đề nảy sinh để cùng tìm cách giải quyết. Một câu trả lời tương xứng cho những gì mà Ukraine hay Mỹ đang thực hiện.
Nga sẽ bày tỏ quan điểm cứng rắn của mình, dù thực tế có thể tin rằng họ không hề muốn xung đột lan rộng. Đức và Pháp sẽ phải gia tăng sức ép với Ukraine nếu không muốn một cuộc chiến tranh quy mô lớn nổ ra làm cả châu Âu rúng động lần nữa. Chính quyền Kiev chắc chắn sẽ nhận được cảnh báo nhưng họ có định lượng được mối nguy cơ xảy đến với mình hay không thì còn chưa rõ.
Trong một viễn cảnh tồi tệ nhất, nếu chiến tranh thực sự nổ ra, Ukraine có thể sẽ bị biến thành phép thử cho một bàn cờ chính trị mới ở châu Âu đang hình thành. Đó chắc chắn không phải là điều mà người dân Ukraine mong muốn.
Tử UyênXem thêm: /074736-gnod-aihp-aul-ol-neb-uA-uahC/ed-neyuhC/nv.moc.dnac.tcgtna