Ngày 15/4, Mỹ công bố một loạt các biện pháp trừng phạt mới chống lại Moscow với cáo buộc can thiệp bầu cử năm 2020. Chính quyền Biden cho rằng Nga đứng sau một loạt các cuộc tấn công mạng nhằm vào các doanh nghiệp và Chính phủ Mỹ. Ngoài ra, vấn đề Ukraine cũng được Mỹ dùng làm cái cớ để trừng phạt Nga.
Cụ thể, các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm tới 16 thực thể và 16 cá nhân bị cáo buộc gây ảnh hưởng tới bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 cùng 5 cá nhân và 3 thực thể liên quan tới vụ bán đảo Crimea sáp nhập trở lại với Nga. 10 nhà ngoại giao Nga cũng đã bị Mỹ trục xuất. Ngoài ra, Mỹ cũng có động thái nhằm ngăn các tổ chức tài chính của mình liên quan đến các khoản nợ chính phủ của Nga.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế chưa nhìn ra được bất cứ tác động hữu hình nào với Nga từ những lệnh trừng phạt của Mỹ. Agathe Demarais, giám đốc dự báo toàn cầu tại The Economist Intelligence Unit, nói rằng: "Vòng trừng phạt mới nhất của Mỹ chủ yếu chỉ là động thái mang tính biểu tượng. Các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và doanh nghiệp Nga sẽ chẳng có ảnh hưởng gì bởi họ vốn không liên quan gì tới Mỹ và có thể cũng không sử dụng đồng USD hoặc có tài khoản ngân hàng ở Mỹ".
Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt đối với nợ chính phủ của Nga ít nghiêm ngặt hơn so với những gì thị trường lo sợ. Chúng cũng chỉ nhắm đến thị trường nợ sơ cấp và do đó, nó có thể dễ dàng bị lách qua ở thị trường thứ cấp.
Thị trường sơ cấp, trong trường hợp này, đề cập đến chứng khoán nợ (debt securities) mà Nga tạo ra và chào bán lần đầu ra công chúng. Trong khi đó, thị trường thứ cấp chính là nơi các chứng khoán đó được giao dịch giữa các nhà đầu tư.
Demarais cho biết: "Chính sách này đồng nghĩa với việc Chính quyền Mỹ đã cẩn thận hơn để tránh làm tổn thương các nhà đầu tư Mỹ, những người đang nắm giữ hàng tỷ USD nợ chính phủ của Nga".
Đáng chú ý, các quan chức Mỹ cũng nói rằng họ bày tỏ mong muốn cải thiện quan hệ song phương với Moscow. Các biện pháp trừng phạt có hiệu quả vạch ra một ranh giới, chấm dứt điều mà các nhà đầu tư chờ đợi và phỏng đoán về thời gian cũng như mức độ của nó.
Vladimir Tikhomirov, nhà kinh tế trưởng tại BCS Global Markets có trụ sở tại Moscow, nói rằng một số nhà đầu tư cảm thấy nhẹ nhõm khi các biện pháp trừng phạt này khá "khiêm tốn". Nó làm giảm rủi ro đầu tư liên quan đến Nga. Ông Tikhomirov cũng nói rằng việc Mỹ cấm các doanh nghiệp của mình liên quan đến nợ chính phủ của Nga là biện pháp quan trọng nhất trong lần trừng phạt này. Tuy nhiên, tác động của nó vẫn còn hạn chế.
"Với tình trạng ngân sách hiện tại của Nga, mức nợ công thấp, chính sách tài khóa thận trọng và ngoại hối dự trữ cao, lệnh cấm mua nợ chính phủ của Mỹ khó có thể tạo ra tác động đáng kể với tình hình tài chính của Nga nói riêng hay nền kinh tế nói chung", ông Tikhomirov nhấn mạnh.
Liam Peach, nhà kinh tế học thị trường mới nổi tại Capital Economics, đồng ý rằng các biện pháp trừng phạt lần này sẽ có tác động hạn chế trừ khi chúng được mở rộng phạm vi với tất cả nợ chính phủ của Nga hoặc Moscow tung đòn đáp trả mạnh mẽ.
Capital Economics ước tính Chính phủ Nga sẽ phát hành lượng trái phiếu 2,5 nghìn tỷ rúp, tương đương 2,7% GDP, để lấy tiền đảo nợ và bù đắp thâm hụt. Tuy nhiên, Peach dự đoán rằng hầu hết nợ phát hàng bằng đồng rúp sẽ được các ngân hàng Nga mua lại, hạn chế tác động của lệnh trừng phạt do Mỹ ban bố.
Xem thêm: nhc.73274659071401202-ehn-auq-iv-oahp-oht-ut-uad-ahn-agn-tahp-gnurt-gnat-aig-ym/nv.fefac