Trường THCS Suối Kiết (huyện Tánh Linh, Bình Thuận) - Ảnh: MAI ĐỨC
Họ cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương giải quyết chưa thấu đáo, không "thừa nhận mồ hôi công sức của giáo viên".
Căng mình dạy thêm
Cô Đ.T.H. ở Trường THCS Suối Kiết thuộc huyện Tánh Linh cho biết phải dạy tăng tiết vì đặc thù trường thiếu giáo viên và thay cho những trường hợp nghỉ thai sản, ốm đau... "Khi trường phân công, nhiều giáo viên tính toán tiết học chính khóa rồi căng mình dạy tăng tiết. Việc dạy như thế vừa giải quyết nhu cầu cấp bách ở trường nên giáo viên không nề hà" - cô H. nói.
Theo một phó hiệu trưởng ngôi trường trên, việc dạy tăng tiết hầu như năm nào cũng có. Kết thúc năm học, trường sẽ tính toán lại số giờ dạy tăng tiết của từng giáo viên rồi quy đổi thành tiền. Trong năm học 2019-2020, trường có 24 giáo viên được hưởng tiền dạy tăng tiết với tổng số tiền hơn 117 triệu đồng.
"Có giáo viên dạy ít, có giáo viên dạy nhiều. Nhiều giáo viên rất khó khăn nên hi vọng vào các giờ tăng tiết để cải thiện thu nhập" - vị phó hiệu trưởng cho biết.
Không chỉ ở Trường THCS Suối Kiết, nhiều giáo viên ở các ngôi trường khác tại Bình Thuận cũng phản ảnh tương tự vụ việc trên. Tại Trường tiểu học Tân An 1 thuộc thị xã La Gi, nhiều giáo viên cho biết vừa phải trả lại tiền dạy tăng tiết năm học 2019-2020 do nhà trường đã "chi lầm".
Cụ thể sau khi kết thúc năm học, ban giám hiệu và bộ phận kế toán đã chi trả tiền dạy tăng tiết cho các giáo viên trong trường. Tuy nhiên, UBND thị xã La Gi khẳng định việc chi trả như vậy là sai, không cân đối tài chính, âm hụt lương tháng 12. Như vậy, các giáo viên sẽ không nhận tiền dạy tăng tiết.
Bù thời gian nghỉ COVID-19
Theo Phòng tài chính - kế hoạch huyện Tánh Linh, cách tính tiền dạy tăng tiết là thanh toán theo năm học và định mức giờ dạy/năm của giáo viên được xác định đối với khối THCS là 37 tuần. Như vậy, giáo viên phải thực hiện nhiệm vụ giảng dạy của mình cho cả năm học đúng theo định mức là 19 tiết/tuần, tương đương 703 tiết/năm học.
Khi số tiết giảng dạy thực tế cao hơn số tiết chuẩn thì được thanh toán. Đơn vị này cho biết thêm đặc thù năm học 2019 - 2020 tất cả trường học được nghỉ gần hai tháng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, khi quy đổi số giờ thực học thì không đủ chuẩn.
Vì vậy Phòng tài chính - kế hoạch huyện Tánh Linh cho rằng việc thanh toán tiền dạy tăng tiết cho giáo viên của Trường THCS Suối Kiết trong năm học 2019 - 2020 là không có cơ sở do không có giáo viên nào dạy vượt quá số giờ quy định là 703 tiết/năm học. Đây cũng là quy định áp dụng chung cho tất cả các cấp tiểu học và THCS ở địa phương.
Tương tự, ông Trần Thanh Quế - phó chủ tịch UBND thị xã La Gi - cho biết do năm học qua ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên các giáo viên được nghỉ gần hai tháng nhưng vẫn nhận lương. Căn cứ tình hình thực tế, địa phương đã tính toán lại số tuần thực dạy trong năm học nên không còn tiền dạy tăng giờ cho các giáo viên.
Giáo viên cho rằng không thuyết phục
Với những giải đáp trên, nhiều giáo viên cho rằng không thuyết phục. Cụ thể theo một giáo viên ở Trường tiểu học Tân An 1, trong hai tháng nghỉ COVID-19 vẫn phải lên trường trực, dạy trực tuyến... nên lấy lý do không dạy vẫn nhận lương là không đúng bản chất.
Còn theo cô H. ở Trường THCS Suối Kiết, nếu tính như trên là cào bằng vì không phải trường nào, giáo viên nào cũng dạy tăng tiết. "Thời gian nghỉ COVID-19 thì như nhau. Vậy những trường hợp không dạy tăng tiết mà nghỉ COVID-19 thì có bù lại cho Nhà nước không?" - cô H. nói.
TTO - Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có văn bản hướng dẫn các trường THCS và THPT trên địa bàn thành phố về việc dạy thêm - học thêm.
Xem thêm: mth.19000238071401202-neit-gnat-coud-gnohk-teit-gnat-yad/nv.ertiout