Khách Nga, Ấn Độ muốn đến Phú Quốc
Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang đang soạn thảo kế hoạch để UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), Tổng cục Du lịch xin thí điểm mô hình “du lịch khép kín” này, trước mắt là đón khách đoàn từ Nga.
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Bùi Quốc Thái - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang - cho biết trong buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Ngoại giao tại TP.Phú Quốc mới đây, nhiều thành viên trong đoàn công tác cho rằng, Kiên Giang có thể đón du khách Nga đến TP.Phú Quốc nghỉ dưỡng, với điều kiện đảm bảo nghiêm ngặt các yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19.
Đại diện nhiều doanh nghiệp lữ hành cho rằng, TP.Phú Quốc hội đủ điều kiện để thí điểm đón du khách quốc tế theo phương thức “tour khép kín” |
Một vị lãnh đạo UBND TP.Phú Quốc thông tin thêm, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cũng vừa hỏi Phú Quốc có sẵn sàng đón khách từ Ấn Độ hay chưa, bởi nhiều người Ấn Độ đang muốn đi du lịch và chọn Phú Quốc làm điểm đến. Ông Phạm Văn Nghiệp - Phó chủ tịch UBND TP.Phú Quốc - nói: “Chúng tôi sẵn sàng đón du khách nhưng chưa hình dung về quy trình. Chúng tôi đang tính sẽ lập những khu riêng biệt, khép kín để đón khách quốc tế, nhưng chưa tính được cụ thể dịch vụ gì, mức độ khép kín ra sao. TP.Phú Quốc phải thực hiện tốt khâu miễn dịch cộng đồng, mới tính đến chuyện đón khách quốc tế”.
Theo ông Nghiệp, dân số Phú Quốc chỉ hơn 140.000 người, nên việc tiêm chủng đồng loạt cư dân là không quá khó. Nhưng với khoảng 18.000 lượt khách trong nước đến Phú Quốc mỗi ngày, theo ông Nghiệp, khó nhất vẫn là phương án đảm bảo an toàn cho du khách nội địa khi đón khách quốc tế.
Theo Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, tỉnh đang áp dụng quy định khách đến tỉnh lưu trú phải có nhật ký lịch trình hằng ngày để dễ dàng truy vết nếu dịch bệnh xảy ra. Trong khi chờ được chấp thuận cho đón khách quốc tế, tỉnh đang tập trung sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường quảng bá hình ảnh; TP.Phú Quốc cũng đang tìm cách để tạo thêm các sản phẩm du lịch mới, như chợ đêm Grand world Phú Quốc, khu kinh tế đêm, khu giải trí xuyên đêm...
Sẽ cần đến “hộ chiếu vắc-xin”
Theo đại diện một số doanh nghiệp du lịch, nguồn khách chủ yếu hiện nay là khách nội địa. Tuy nhiên, ngành du lịch cần sớm chuẩn bị để đón khách quốc tế trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát tốt và “hộ chiếu vắc-xin” trở nên phổ biến. Lãnh đạo một doanh nghiệp lữ hành tại TPHCM đề xuất, nên đón khách quốc tế là những người đã được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19; trước mắt, nên bố trí các resort, khu du lịch chuyên biệt cho khách quốc tế.
Theo ông Hoàng Đức Huy - Giám đốc TransViet Travel - Việt Nam có thể đón khách quốc tế từng phần, từng giai đoạn dựa trên tình hình và điều kiện thực tế. Nên hình thành những vùng đón khách chuyên biệt, đón khách đến bằng các chuyến bay charter (những chuyến bay do hãng hàng không hoặc đơn vị lữ hành thuê), bố trí khách vào các resort khép kín để họ nghỉ dưỡng. Đó là mô hình mà TP.Phú Quốc và các địa điểm du lịch có đủ điều kiện, nguồn lực quản lý dịch bệnh nên triển khai.
Ông Nguyễn Hữu Ý Yên - Tổng giám đốc Công ty Lữ hành Saigontourist - cho rằng cần tính toán giữa nguy cơ và nguồn lợi thu được khi mở cửa du lịch; trước mắt, nên chọn khu vực để thí điểm đón khách quốc tế. Cần có sự chuẩn bị trước nhiều tháng và phân vùng rộng để khách thực sự thoải mái khi mua tour. Nếu khách chỉ loanh quanh trong resort, họ sẽ không hài lòng và ngành du lịch cũng không thu được lợi ích kinh tế như mong muốn.
Cục Hàng không Việt Nam mới đây đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo cấp có thẩm quyền, xin được áp dụng hộ chiếu vắc-xin với khách nhập cảnh và giảm thiểu thời gian cách ly tập trung.
Theo kế hoạch của Cục Hàng không, trước mắt, có thể cho phép các hãng hàng không tổ chức các chuyến bay trọn gói, chi phí bao gồm vé máy bay, xét nghiệm COVID-19, khách sạn cách ly và tiền ăn trong 15 ngày. Từ tháng 7/2021, sẽ triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam (có cách ly sau khi nhập cảnh) cho cả công dân Việt Nam và nước ngoài có xét nghiệm âm tính với COVID-19. Có thể thử nghiệm các chuyến bay này bằng các đường bay giữa Việt Nam và Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), tần suất bốn chuyến/tuần/chiều cho các hãng hàng không của mỗi bên. Dự kiến, lượng hành khách cần cách ly trong giai đoạn này khoảng 6.000-7.000 người/tuần.
Từ tháng 9/2021, tùy thuộc vào tiến trình tiêm vắc-xin tại Việt Nam và đánh giá về tính miễn dịch cộng đồng, cục sẽ triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam mà không yêu cầu cách ly sau nhập cảnh khi áp dụng cơ chế hộ chiếu vắc-xin.
Cần thêm “chứng chỉ kháng thể” Theo các chuyên gia dịch tễ, để đảm bảo an toàn, chỉ yêu cầu “hộ chiếu vắc-xin” đối với du khách quốc tế thôi là chưa đủ mà cần có thêm “chứng chỉ kháng thể”, tức là phải xác định được người đó đã sinh kháng thể chống lại COVID-19 hay chưa bằng cách lấy máu đầu ngón tay và xét nghiệm nhanh trong 30 phút. Hiện Tổng cục Du lịch đang soạn thảo các phương án tái mở cửa thị trường quốc tế để trình Chính phủ, trước mắt sẽ ưu tiên các loại hình du lịch ít tiếp xúc như tour du lịch cách ly kết hợp chăm sóc sức khỏe, chơi golf... |
Quốc Thái
Xem thêm: lmth.3381341a-nik-pehk-ruot-gnab-et-couq-hcahk-ud-nod/nv.moc.enilnounuhp.www