Trao những chiếc khăn rằn Nam Bộ, quà tặng của thanh niên TP.HCM gửi đến Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc của Việt Nam tại Cộng hòa Nam Sudan - Ảnh: Q.L.
"Các bạn trẻ hãy đi và trải nghiệm, làm điều tốt đẹp, đóng góp dù lớn hay nhỏ nếu quyết tâm, kiên trì, nhẫn nại sẽ luôn được xã hội đón nhận, là hành trang để các bạn trưởng thành.
Trung tá - bác sĩ TRỊNH MỸ HÒA (giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3)
Dự kiến ngày 21-4, chuyến bay đặc biệt đưa nửa đội hình còn lại của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 sẽ cất cánh, hội quân cùng nửa đội hình đã xuất phát trước đó tại Cộng hòa Nam Sudan (châu Phi). "Chúng tôi đã sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ được giao" như lời quyết tâm của những chiến sĩ mũ nồi xanh khi đem hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Chuẩn bị kỹ lưỡng
Là một trong hai sĩ quan đầu tiên của Việt Nam tham gia cùng phái bộ Liên Hiệp Quốc thực hiện nhiệm vụ ở Nam Sudan từ năm 2014, đại tá Mai Đức Trọng (phó cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam) nói nước ta đã phải chuẩn bị rất lâu, rất kỹ lưỡng trước khi cử lực lượng tham gia nhiệm vụ quốc tế như thế.
"Chúng ta phải nghiên cứu luật quốc tế, tham khảo kinh nghiệm từ nhiều nguồn và quyết định trước mắt chỉ tham gia hoạt động mang tính nhân đạo" - ông Trọng kể.
Chiến sĩ mũ nồi xanh - cách gọi quen thuộc khi nhắc đến lực lượng này - đã trưởng thành qua từng giai đoạn. Nếu tính từ lần đầu tiên chỉ có hai người lên đường làm nhiệm vị, đến nay Việt Nam đã cử Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3.
Và ngay khi Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 còn chưa bắt đầu nhiệm vụ, thông tin mới nhất cho biết Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 đã hình thành và lực lượng tham gia đang được đưa vào huấn luyện.
Kể câu chuyện khi đến nhà thống đốc bang tại Nam Sudan chữa bệnh, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Ngân (đã hoàn thành nhiệm vụ với Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1) bảo khó mà quên được hình ảnh súng ống đầy trước nhà thống đốc bang khi đến đó. Ngay lúc đó, chị có hoang mang vì dù được chuẩn bị, tập huấn kỹ song tình huống ấy gần như ngoài dự đoán.
Ngồi kế bên, đại tá Mai Đức Trọng kể hôm đó có đi cùng bác sĩ Ngân và đoàn nên chứng kiến đầy đủ.
"Nhưng mình luôn bố trí lực lượng đi cùng để đảm bảo an toàn cho đồng đội. Bên đó nhiều phe phái mà có khi mình chữa cho phe này lại thành kẻ thù của phe khác. Nhưng ngay từ đầu mình đã chọn hoạt động nhân đạo, đến với người dân bằng tấm lòng, họ cũng sẽ đối đãi với mình bằng tấm lòng, chính người dân sẽ bảo vệ cho mình. Để bây giờ đoàn bác sĩ Việt Nam đi đến đâu cũng được người dân hoan nghênh" - ông Trọng nói.
Giữ hình ảnh Việt Nam
Buổi giao lưu khá thú vị khi biết cả hai vợ chồng bác sĩ Tống Vân Anh và Đỗ Thanh Tùng sẽ cùng xuất phát vào ngày 21-4. Vân Anh chia sẻ: "Ngoài nhiệm vụ, mình muốn làm tốt công tác dân vận để nâng cao hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế". Trong khi người chồng thật thà bảo ứng tuyển tham gia Bệnh viện dã chiến đi làm nhiệm vụ quốc tế mà "có vợ đi cùng chỉ là lý do thứ 3", hai lý do còn lại chính là: muốn được trải nghiệm mới khi thực hiện một nhiệm vụ thiêng liêng.
Món quá bất ngờ khác khi những hình ảnh của nửa đội hình đi trước được truyền về trực tuyến từ đầu cầu Nam Sudan. Đầu cầu bên kia, trung tá - bác sĩ Trịnh Mỹ Hòa (giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3) cho biết tất cả thành viên đã hoàn tất thời gian cách ly phòng dịch COVID-19, đã tiếp nhận bàn giao và đang rất sẵn sàng, chờ nửa đội hình còn lại bay qua là vào nhiệm vụ.
Phút hội ngộ ngắn ngủi của chiến sĩ Nguyễn Đức Mạnh với vợ và con trai qua màn hình. Bên này, cậu con trai 8 tuổi Nguyễn Trọng Nhân chào và chúc ba sức khỏe, làm tốt nhiệm vụ. Bên kia ba dặn con chăm học, ngoan và nghe lời mẹ.
Chị Lê Thị Hòa chỉ nói ngắn gọn: "Anh ráng ăn uống đầy đủ, giữ sức khỏe", còn chồng nhắn vợ: "Là hậu phương vững chắc để anh yên tâm công tác, cống hiến hết mình để không phụ lòng gia đình, xứng đáng là người lính Cụ Hồ".
Bộ đội Cụ Hồ, ấy cũng là niềm tự hào của bất kỳ quân nhân nào trên đất nước này dù thực thi nhiệm vụ ở bất cứ đâu. Không phải ngẫu nhiên mà kỹ thuật viên vật lý trị liệu Phan Thị Vân Huyền đã hoàn thành một năm công tác với Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 nay lại xung phong lên đường dưới màu áo Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3.
"Tôi đã có một năm làm việc ở môi trường đặc biệt và tôi muốn sống lại những kỷ niệm đó lần nữa, đã sẵn sàng với nhiệm vụ được giao" - Huyền bộc bạch.
Cùng phối hợp hoạt động
Hội LHTN Việt Nam TP.HCM đã ký kết cùng phối hợp hoạt động với Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 tại buổi giao lưu. Theo đó, định kỳ giao lưu trực tuyến giữa hai bên, có hoạt động giới thiệu về Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc của Việt Nam tại Cộng hòa Nam Sudan, phối hợp triển khai dự án tình nguyện quốc tế tại Nam Sudan và khi hoàn thành nhiệm vụ về nước gắn với chăm sóc sức khỏe, trang bị kỹ năng thực hành xã hội và giao lưu văn hóa.
Cạnh đó, phát động thi vẽ tranh "Tôi yêu hòa bình" cho hội viên và thanh thiếu nhi TP, tập huấn về công tác quốc tế thanh niên, xây dựng không gian xanh tại Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3, giao lưu trực tuyến chủ đề "Thanh niên và khát vọng Việt Nam vươn cao". Dịp này, Hội LHTN TP đã trao những món quà của tuổi trẻ TP mang tên Bác gồm: cờ Tổ quốc, khăn rằn Nam Bộ, pin cài áo "Tôi yêu Tổ quốc tôi" đến các chiến sĩ của bệnh viện.
TTO - Không có dụng cụ, mưa gió, dịch COVID-19... nhưng 12 cán bộ của Việt Nam tại Nam Sudan vẫn kiên trì đóng 31 bộ bàn ghế chắc chắn làm từ những tấm pallet cũ tặng trường học địa phương.
Xem thêm: mth.73391039071401202-oah-ut-nel-gnav-man-teiv-gneit-iah-ed/nv.ertiout