vĐồng tin tức tài chính 365

Đem luật công ty đi đáo tụng đình

2021-04-17 14:11

Đem luật công ty đi đáo tụng đình

LS. Trương Hữu Ngữ

(KTSG) - Bài viết này nhìn lại hai phán quyết gần đây của tòa án khi giải quyết tranh chấp giữa các thành viên công ty, từ đó nêu lên quan ngại về cách mà thẩm phán áp dụng một số nguyên tắc cơ bản của pháp luật doanh nghiệp. Cũng xin được nói rõ là tác giả chưa có cơ hội tiếp cận hồ sơ của vụ án vì vậy đánh giá của tác giả chủ yếu dựa trên thông tin mà báo chí đăng tải.

Hồ Dầu Tiếng. Ảnh: N.K

Từ vụ rừng hồ Dầu Tiếng

Ông Tùng vốn là chủ sở hữu duy nhất của một công ty ở Tây Ninh có ngành nghề kinh doanh chính là trồng và chăm sóc rừng. Năm 2014, ông ký hợp đồng với bà Hồng để bà này rót vốn vào công ty. Cuối cùng cả hai bên đều không góp đủ vốn như đã cam kết, dù rằng bà Hồng có bỏ ra hơn chục tỉ đồng “tiền tươi, thóc thật”. Với lý do đó, hai bên kiện đòi hủy tư cách thành viên công ty của nhau.

Tòa Tây Ninh tuyên bà Hồng thắng. Tòa án Nhân dân cấp cao tại TPHCM xử phúc thẩm lại cho rằng hợp đồng góp vốn vô hiệu do giả cách (với vỏ là hợp đồng góp vốn còn ruột là chuyển nhượng dự án), đảo ngược kết quả cho ông Tùng(1). 

Tiếp cận và giải quyết vấn đề như thế dường như tòa đã “quên” đi mấy nguyên tắc cơ bản của pháp luật doanh nghiệp. Thứ nhất, đó là quyền của công ty được huy động thêm vốn. Quyền này tồn tại trong cả ba phiên bản của Luật Doanh nghiệp mười mấy năm nay. Thiếu tiền thì tìm kiếm thêm vốn, dự án nhờ đó mà được thực hiện, đất đai không bỏ hoang, công ty tiếp tục tồn tại và phát triển, người có tiền tận dụng được cơ hội, người ít vốn nương dòng tiền của người khác mà làm ăn. Tuyên như tòa có thể đã tước đi quyền này của công ty, bênh người bội ước và làm tổn hại lợi ích chung.

Theo quan sát của tác giả, khái niệm tư cách pháp nhân của công ty ở Việt Nam dường như chỉ tồn tại trên lý thuyết.

Ngành tư pháp có vẻ coi người bỏ vốn, nhất là những người góp đầu tiên và lớn nhất, chính là công ty.

Có lẽ cũng vì vậy mà, lấy vụ án trên đây làm ví dụ, quyền được gọi vốn của công ty và quyền lợi của người bỏ vốn sau như bà Hồng đã không được tôn trọng.

Thứ hai, đó là tư cách pháp nhân của công ty. Dường như tòa chỉ nhìn thấy ông Tùng và bà Hồng là những người bỏ vốn vào công ty mà không thấy sự tồn tại một cách độc lập, với tài sản riêng, tự chịu trách nhiệm với chủ nợ, bị kiện và có quyền đi kiện của công ty.

Dự án trồng rừng, nếu được thừa nhận là ông Tùng đã góp vào thì phải là của công ty. Mà là của công ty thì sao ông Tùng có thể chuyển nhượng được. Ngoài ra, trong mối quan hệ nhận góp vốn với bà Hồng, công ty mới là bên nhận góp vốn.

Trong nội bộ công ty, ông Tùng có quyền ra quyết định nhận góp vốn. Trong mối quan hệ với bên ngoài, ông Tùng là đại diện pháp luật của công ty vào thời điểm đó. Nhưng, theo luật, giao dịch nhận và góp vốn thực chất là giữa công ty và bà Hồng, làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa công ty và bà Hồng. Trong vụ này, không nên đánh đồng ông Tùng và công ty.

Theo quan sát của tác giả, khái niệm tư cách pháp nhân của công ty ở Việt Nam dường như chỉ tồn tại trên lý thuyết. Ngành tư pháp có vẻ coi người bỏ vốn, nhất là những người góp đầu tiên và lớn nhất, chính là công ty. Có lẽ cũng vì vậy mà, lấy vụ án trên đây làm ví dụ, quyền được gọi vốn của công ty và quyền lợi của người bỏ vốn sau như bà Hồng đã không được tôn trọng.

Thứ ba, quyền chuyển nhượng dự án hoàn toàn khác với quyền huy động vốn của doanh nghiệp và quyền chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của người bỏ vốn. Quyền chuyển nhượng dự án trong một số trường hợp nhất định có thể bị hạn chế theo quy định của pháp luật dân sự, đầu tư, đất đai và chuyên ngành nhưng nếu pháp luật doanh nghiệp cùng lúc không cấm đoán quyền huy động vốn và quyền chuyển nhượng vốn thì thực hiện những quyền này là hợp pháp. 

Đến vụ dính dáng ông chủ Sunwah Pearl

Công ty Bay Water có hai thành viên gồm Sun Wah và SATO, chiếm tỷ lệ sở hữu vốn lần lượt là 90% và 10%. Năm 2016, điều lệ công ty được thông qua, ghi rõ bất kỳ sửa đổi nào đối với điều lệ đều đòi hỏi phải có sự chấp thuận của tất cả các thành viên. Năm 2019, đại diện Sun Wah yêu cầu sửa đổi điều lệ nhằm xóa bỏ quy định biểu quyết với nguyên tắc đồng thuận đó. Dù SATO không đồng ý, hội đồng thành viên Bay Water vẫn ra nghị quyết sửa đổi điều lệ theo hướng này với chỉ mình Sun Wah tán thành(2).

SATO kiện hủy nghị quyết, thắng ở phiên sơ thẩm. Tòa án Nhân dân cấp cao tại TPHCM xử phúc thẩm, lật ngược tình thế, chấp nhận việc sửa đổi điều lệ. Làm như vậy, tòa lại “quên” đi nguyên tắc “tự do thỏa thuận” của pháp luật doanh nghiệp. Theo đó, trong nhiều trường hợp, Luật Doanh nghiệp cho điều lệ được quy định khác với luật. Ấn định tỷ lệ biểu quyết tối thiểu để thông qua nghị quyết (100%) cao hơn mức mà luật mặc định (tối thiểu là 75%) như trong vụ án này là một ví dụ điển hình.

Mục đích của những quy định mở là để luật bảo vệ người góp vốn nhỏ trong khả năng có thể. Ai góp nhiều vốn thì thường có nhiều quyền hơn. Nhưng luật hướng đến sự công bằng ở chỗ đối với quyết định mang tính cực kỳ quan trọng thì phải được biểu quyết nhất trí với mức cao hơn nhiều so với mức thông thường là quá bán.

Không chỉ vậy, luật còn để các bên thỏa thuận, ghi nhận trong điều lệ tỷ lệ cao hơn mức tối thiểu trong luật, kể cả mức tối đa. Làm như thế, luật tạo điều kiện để các bên “may áo cho vừa người mang”. Khi đó, người bỏ vốn dù là rất nhỏ vẫn được bảo vệ, tránh sự chèn ép của bên kia. Bằng cách này, luật khuyến khích người ta bỏ vốn, dù ít hay nhiều, để mà làm ăn.

Vậy tại sao bên bỏ vốn nhỏ lại cần tỷ lệ cao như thế? Hãy lấy ví dụ cụ thể là quyết định tăng vốn của công ty. Nếu điều lệ không quy định rằng quyết định tăng vốn của công ty phải được sự đồng ý của người bỏ ít vốn, người góp nhiều vốn (và vì thế thường có nhiều quyền biểu quyết) sẽ có thể liên tục đề xuất và thực hiện tăng vốn. Họ tự mình hoặc mời người khác góp. Khi đó, người bỏ ít vốn nếu không “dài hơi, trường vốn” thì sớm muộn rồi cũng phải chấp nhận để tỷ lệ sở hữu của mình trong công ty bị “pha loãng” và mất dần giá trị.

Cũng như hai bà rủ nhau làm bánh, bà góp bột, bà góp đường. Bà kia liên tục bỏ thêm bột thì đường nhạt dần dù bánh có to ra. Lường trước được điều này, bà góp đường ngay từ đầu đã đòi là bà kia chỉ được quyền thêm bột khi được bà góp đường nhất trí. Vậy tại sao bà góp bột, cho dù góp loại bột đắt tiền lại có thể đồng ý như thế? Là bởi có thể bà góp đường có gì đó để đưa ra mà mặc cả với bà góp bột. Có thể bà ấy khéo tay, bà ấy có lò nướng bánh hoặc nhà bà ấy có điện. Cũng vậy, sở dĩ bên bỏ vốn nhiều chấp nhận tỷ lệ cao, tự “trói tay, trói chân” mình như thế là vì bên bỏ vốn ít có gì đó mà bên bỏ vốn nhiều cần để đánh đổi. Chẳng hạn như bên góp ít vốn có đất, công nghệ cao hay nhiều khi là…quan hệ.

Một khi đã có được quyền phủ quyết như thế, điều lệ trở thành “bùa hộ mệnh” của bên góp ít vốn. Cho nên họ cũng sẽ đòi quyết định sửa đổi điều lệ cũng phải đạt được tỷ lệ đồng ý cao, đến mức mà họ có quyền phủ quyết. Vì nếu không bên kia sẽ dễ dàng xé bỏ lá bùa ấy trước khi bên góp ít vốn kịp đưa ra sử dụng. Quay trở lại vụ việc trên đây, bằng việc thừa nhận nghị quyết sửa đổi điều lệ vốn được thông qua mà không được sự nhất trí của tất cả thành viên công ty, tòa án đã yểm trợ cho Sun Wah xé bỏ lá bùa của SATO. Làm như thế, tòa án dường như đã phớt lờ pháp luật.

Rồi sẽ ra sao    

Mấy năm trước đây, ngành tư pháp đặt ra vấn đề liệu quyền góp vốn, mua cổ phần là quyền luật định hay phải đăng ký(3). Từ đó đến nay, theo quan sát của tác giả, việc góp vốn, mua cổ phần vẫn được thực hiện mà bên mua không cần đăng ký ngành nghề riêng biệt.

Cũng vậy, dường như sau bản án vụ trồng rừng hồ Dầu Tiếng, người ta vẫn huy động thêm vốn hay chuyển nhượng vốn bình thường, nhất là trong lĩnh vực bất động sản(4). Và có lẽ, sau vụ Sun Wah, người ta vẫn sẽ tiếp tục soạn điều lệ đem lại quyền phủ quyết cho bên góp ít vốn. Họ làm vậy vì đó là họ đang dựa cậy vào luật để tự bảo vệ mình. Xu thế này, tuy nhiên, có thể sẽ thay đổi nếu có nhiều hơn những bản án mà có vẻ như đã trái ngược với nguyên tắc cơ bản của pháp luật doanh nghiệp như thế.

Ẩn sâu hơn vào những vụ việc nói trên là quan hệ mang tính chất thỏa thuận hợp đồng. Từ xưa đến nay, ban đầu người ta giao dịch bằng niềm tin chân thật. Từ niềm tin dẫn đến lời hứa. Nhưng lời hứa thường dễ quên nên để có thể yên tâm người ta cần sức mạnh của nhà nước buộc bên hứa hẹn phải thực hiện hoặc chịu trách nhiệm khi thất hứa. Lời hứa thành hợp đồng.

Và nói hợp đồng có hiệu lực là nói bên được hứa hẹn có thể nương nhờ vào nhà nước, thông qua tòa án và thi hành án, để buộc bên kia giữ lời. Giao dịch nhờ vậy mà liên tục diễn ra. Nhưng khi quyền lực nhà nước bị lạm dụng, dù là bằng việc áp dụng sai luật một cách cố tình hay vô ý, hợp đồng trở thành vô nghĩa, lời hứa gió bay và niềm tin dần mất. Vậy thì dựa vào gì mà người ta mua bán, làm ăn, hợp tác?         

(1) Xem bài “Tòa chấp nhận phản tố, tuyên ông Đặng Thanh Tùng không còn là thành viên công ty” (Báo Tây Ninh, 18-6-2017) và bài “Rút kinh nghiệm vụ tranh chấp góp vốn” (Báo Pháp luật TPHCM, 29-8-2020), truy cập ngày 9-4-2021.

(2)  Xem bài “Cần hủy phán quyết liên quan đến ông chủ của sunwah pearl” (Báo Pháp luật TPHCM, 5-4-2021), truy cập ngày 9-4-2021.

(3)  Xem bài “Góp vốn, mua cổ phần: phải đăng ký hay quyền luật định?” (Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 30-5-2014).

(4)  Ví dụ xem Công văn 02/2021/CV- HoREA ngày 8-1-2021 của Hiệp hội Bất động sản TPHCM báo cáo Bộ Xây dựng rằng nhiều chủ đầu tư vì không chuyển nhượng được dự án nhà ở đã thực hiện bán vốn.

Xem thêm: lmth.hnid-gnut-oad-id-yt-gnoc-taul-med/404513/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Đem luật công ty đi đáo tụng đình”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools