Bà Lâm Thị Lựu, chủ tiệm tạp hóa ở xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng - Video: TRƯỜNG TRUNG
"Tôi mua ở đại lý bán cho cả thành phố"
Ngày 17-4, phóng viên Tuổi Trẻ đã tìm gặp bà Lâm Thị Lựu, chủ tiệm tạp hóa ở xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Cửa hàng bà Lựu nằm gần cổng trường và là nơi đã bán loại slime cho các cháu học sinh Trường tiểu học số 1 Hòa Khương.
Bà Lựu cho biết đây là lần đầu tiên bà nhập loại slime này về bán. Hàng được lấy từ cửa hiệu của bà H. kinh doanh trong tòa nhà siêu thị N.K.
"Tôi lấy một hộp gồm 30 cái về bán và đã bán hết mấy hôm trước. Hàng đồ chơi này các cháu ưa chuộng nên tôi xuống nhập về. Cửa hàng bà H. phân phối bỏ cho cả thành phố chứ không riêng gì tôi. Tôi nghi ngờ có thể là do các cháu mua về và có pha chế để làm slime nên xảy ra phản ứng hóa học", bà Lựu nói.
"Chất dẻo ma quái" được các em chế từ chất lỏng có trong túi hàng mang chữ Trung Quốc pha trộn với phẩm màu, keo, hồ - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Theo bà Lựu, sau khi sự việc ngộ độc xảy ra, trong ngày 16-4 bà đã cùng công an và y tế đi xuống cửa hiệu của bà H.. Cơ quan công an cũng đã lấy mẫu loại slime có liên quan đến vụ việc.
Hiện tại cửa hiệu của bà Lựu không còn bán slime. Khi chúng tôi cung cấp lại hình ảnh thì bà Lựu xác định ngay loại hàng trong túi bóng ghi chữ Trung Quốc.
"Sự việc xảy ra khiến tôi đau buồn vì mấy đứa nhỏ cũng là con cháu trong xóm cả. Mình bán đồ vì mình mua ở cửa hiệu phân phối đồ chơi con nít cho cả thành phố hẳn hoi chứ có phải mua đồ đạo đâu", bà Lựu nói.
Trường tiểu học số 1 Hòa Khương - nơi xảy ra vụ ngộ độc hô hấp khiến 35 học sinh nhập viện - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Mua slime rồi tự pha chế
Bà Lựu cho biết loại slime mà các cháu chơi đã qua pha chế và cho màu đẹp. Bởi nguyên bản loại chất dẻo này chỉ nằm trong túi nhỏ, nhưng khi pha chế lại trở thành một khối chất lỏng lớn.
"Mấy đứa cũng hay ra đây mua hồ, mực. Toàn đồ dùng học sinh. Mãi sau này lên mạng tôi mới biết những thứ này cũng có thể pha chế slime được", bà Lựu cho biết.
Em Đ.T.P.L. (học sinh Trường tiểu học số 1 Hòa Khương) cho biết chơi slime không chỉ ngâm vào nước mà còn thêm một số lọ phẩm màu vào slime để tạo màu sắc bắt mắt. L. cho biết các bạn học cách chế tạo slime trên mạng rồi tự làm.
Các em tham gia tạo slime trong lớp học, các học sinh tụ lại xem đều là những em có triệu chứng nôn ói nhiều nhất.
Một cán bộ y tế cũng xác nhận loại đồ chơi các em sử dụng dạng nước có qua pha trộn với một số loại phẩm màu nhiều màu sắc.
"Chất dẻo ma quái" trong vụ 35 học sinh huyện Hòa Vang ngộ độc hô hấp - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Ông Nguyễn Thúc Dũng - phó chủ tịch UBND huyện Hòa Vang - cho biết công an đã thu mẫu slime để đưa đi kiểm định tìm hiểu nguyên nhân. Đồng thời đã tiến hành tìm hiểu nguồn gốc số đồ chơi được trẻ em hay gọi "chất dẻo ma quái" này.
Slime là đồ chơi có xuất xứ từ nước ngoài, còn được gọi với cái tên "chất nhờn ma quái". Slime thường được làm từ chất tẩy rửa cùng với hồ nước tạo thành khối sệt, mềm dẻo, không dính. Slime hay được bán ở các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng đồ chơi cho trẻ em.
Trên mạng xã hội cũng hướng dẫn có thể tận dụng các sản phẩm tẩy rửa tại nhà mình như: nước rửa chén, xà phòng, bột giặt, kem đánh răng... cùng với hồ nước và muối để làm thành slime.
TTO - Đến chiều 16-4, tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Vang, TP Đà Nẵng vẫn còn gần 20 học sinh nằm điều trị do ngộ độc hô hấp. Các em cho biết đồ chơi gây ngộ độc giống miếng hạ sốt, ngâm nước thì nở như sứa.
Xem thêm: mth.1171814171401202-oan-eht-uhn-gnort-cod-ogn-hnis-coh-53-mal-iauq-am-oed-tahc/nv.ertiout