Năm 2020 số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc trên 15 triệu người, chiếm 30,42% lực lượng lao động trong độ tuổi, với số tiền thu được là trên 259.889 tỉ đồng. Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng, trốn đóng các loại bảo hiểm xảy ra hầu hết các địa phương.
BHXH Việt Nam nhận định như vậy trong báo cáo về tình hình thực hiện chính sách BHXH thời gian qua.
Người dân đóng vào quỹ BHXH cao, lúc về già được nhận lương hưu cao. Ảnh: V.LONG
Cũng theo cơ quan này, mức đóng bình quân của người lao động vào quỹ BHXH hiện nay trung bình từ trên 5 triệu đồng, đến 6,5 triệu đồng.
Theo quy định từ ngày 1-1-2018, trở đi tiền lương tháng đóng BHXH thêm khoản bổ sung khác. Tuy nhiên, trên thực tế đa số doanh nghiệp đăng ký đóng BHXH cho người lao động theo mức lương mà không có khoản bổ sung khác.
Nguyên nhân là nhiều doanh nghiệp chưa chỉ rõ khoản phụ cấp, khoản bổ sung nào phải tính đóng BHXH. Thực tiễn doanh nghiệp đưa ra rất nhiều khoản thu nhập khác như khoán sản phẩm (ngoài định mức lương), tăng năng suất lao động tính theo tỉ lệ %, hỗ trợ tiền nhà, tiền điện thoại, xăng xe, đi lại, chuyên cần… để không phải đóng BHXH...
“Nên nhìn chung mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm tăng không đáng kể (tỉ lệ tăng có xu hướng giảm so với giai đoạn trước), các doanh nghiệp chỉ điều chỉnh đóng theo mức tăng lương tối thiểu vùng hàng năm…”- BHXH Việt Nam nhận định.
Trên cơ sở đó, BHXH Việt Nam đề xuất với Chính phủ sửa đổi quy định về tiền lương đóng BHXH đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất khả năng trốn tránh các khoản phải đóng của doanh nghiệp. Theo hướng quy định tiền lương làm căn cứ đóng thấp nhất phải bằng 70% bình quân tổng thu nhập của người lao động.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, đại diện BHXH Việt Nam khẳng định đề xuất trên nhằm kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về BHXH để thể chế hóa các nội dung cải cách chính sách BHXH tại Nghị quyết số 28/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách BHXH.
Cụ thể, theo yêu cầu Nghị quyết số 28 đặt ra tại nội dung cải cách thứ tám, nêu rõ: “Sửa đổi quy định về căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động để khắc phục tình trạng trốn đóng, đóng không đủ bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng đến khả năng cân đối quỹ bảo hiểm xã hội và quyền lợi của người lao động. Nghiên cứu điều chỉnh tỉ lệ đóng vào Quỹ bảo hiểm xã hội theo hướng hài hoà quyền lợi giữa người sử dụng lao động và người lao động”.
“Như vậy, chúng tôi khẳng định việc đề xuất này là đúng tinh thần Nghị quyết số 28 đã đặt ra”- BHXH Việt Nam cho hay.
Mức đóng vào quỹ BHXH hiện hành bao nhiêu ? Theo quy định của pháp luật hiện hành, tổng mức đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của người lao động. Trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%. |