Châu Âu chia rẽ vì vaccine Nga
Chương trình tiêm chủng vaccine COVID tại lục địa già đang diễn ra chậm trễ và gặp nhiều khó khăn do vấn đề thiếu hụt nguồn cung. Đối với nhiều nguyên thủ EU đang cảm thấy tuyệt vọng, một con đường thoát khỏi cuộc khủng hoảng này có thể đến từ nước Nga.
Đầu tháng này, Điện Kremlin đã công bố thông tin từ cuộc họp trực tuyến giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo Điện Kremlin, mục đầu tiên trong chương trình nghị sự là cuộc thảo luận về triển vọng "cấp phép vaccine Sputnik V của Nga và khả năng cung cấp cũng như đồng sản xuất vaccine ở các nước EU".
Theo thông báo của phía Đức, vaccine Sputnik chỉ có thể được tiêm chủng nếu đáp ứng các tiêu chuẩn Châu Âu.
Điện Kremlin đã hứng chịu những chỉ trích nặng nề vào mùa hè năm ngoái vì đã phê duyệt vaccine Sputnik trước khi bắt đầu các thử nghiệm giai đoạn 3 quy mô lớn, nhưng phân tích gần đây được công bố trên tạp chí danh tiếng The Lancet cho thấy loại vaccine này có hiệu quả cao và an toàn. Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA) đang tiến hành đánh giá hiệu quả của vaccine Spunik.
Các nhà lãnh đạo châu Âu khác hoài nghi về động cơ của Moscow và nhận định việc cung cấp những liều vaccine này sẽ là cơ hội tốt để tổng thống Putin tiếp tục gây chia rẽ lục địa hơn nữa. Các nhà ngoại giao từ một số quốc gia thành viên thuộc Liên Xô cũ nói thẳng rằng họ không có ý định sử dụng bất kỳ loại vaccine nào "ngoài những loại do Cơ quan Dược phẩm Châu Âu mua", suy đoán rằng vaccine của Nga "có thể là một công cụ để chia rẽ Liên minh và các đồng minh" và lo sợ rằng Moscow có thể sử dụng nó như một "phương tiện" cho các hoạt động "mờ ám" khác.
Trên thực tế, một số quốc gia thành viên đã giao dịch trực tiếp với Moscow với hy vọng được cung cấp các liều vaccine Sputnik, cho dù chúng chưa được EMA phê duyệt và không nằm trong chương trình vaccine tập trung của khối, trong đó Hội đồng Châu Âu đã mua vaccine thay mặt cho các quốc gia.
Cả chính phủ Hungary và Slovakia đều đã phê duyệt và đặt mua 4 triệu liều vaccine của Nga, trong khi các quốc gia khác, bao gồm cả nước Áo đang chuẩn bị đặt hàng và tiêm vaccine Spunik cho người dân nước này. Italia và các nước khác đang đàm phán để sản xuất vaccine của Nga ở Châu Âu.
Vũ khí của Nga?
Việc Áo phê chuẩn sử dụng vaccine Sputnik thực sự là một cú đánh mạnh với liên minh châu Âu, sau khi Thủ tướng Áo Sebastian Kurz công khai cáo buộc Ủy ban Châu Âu việc phân phối vaccine giữa các quốc gia thành viên không công bằng. Ông Kurz còn đăng tweet về một bức ảnh về cuộc gặp với đại sứ Nga tại Áo, nói rằng ông "rất vui" khi sớm có thể đặt mua vaccine.Trái ngược với quan điểm này, thủ tướng Lít-va Ingrida Simonyte cho rằng, ông Putin không quan tâm đến việc sử dụng Spunik V như một phương thức chữa trị mà như một vũ khí để gây chia rẽ.
Máy bay quân sự Slovakia chở lô vaccine Spunik V từ Moscow hạ cánh tại Kosice hôm 1/3.
Nhưng quan điểm của thủ tướng Simonyte chỉ là thiểu số trong các nhà lãnh đạo EU. Việc một số quốc gia thành viên lo lắng, một số đang xóa tan những nỗi lo sợ đó còn những người khác đang kêu gọi sử dụng đại trà loại vaccine do Nga sản xuất đã cho thấy Moscow có thể dễ dàng gây chia rẽ, cả bên trong và bên ngoài EU như thế nào.
Tại Vương quốc Anh, một quan chức chính phủ cấp cao nói với CNN rằng thật "vô cùng ngây thơ" khi thảo luận về việc sử dụng Sputnik, vì "chúng tôi biết rằng Nga đang sử dụng loại vaccine như một công cụ ngoại giao."
Oleg Ignatov, nhà phân tích cấp cao về Nga tại Crisis International, cho rằng mục tiêu chính của Moscow là "giành chiến thắng trong cuộc chiến quyền lực mềm bằng cách làm cho vaccine do mình sản xuất được người Châu Âu công nhận, khiến công dân tại lục địa già có quan điểm tích cực hơn về Nga".
"Chúng tôi đã biết Nga đang sử dụng ngoại giao vaccine", Alice Stollmeyer, giám đốc điều hành của Defend Democracy nói.