Thiết bị do thám nghi của Mỹ được tìm thấy ngoài khơi Trung Quốc - Ảnh chụp màn hình CCTV
"Đây là một thiết bị do thám được một nước bí mật thả trong vùng biển Trung Quốc", Đài truyền hình CCTV của Trung Quốc khẳng định trong bản tin ngày 15-4. Truyền thông nhà nước Trung Quốc sau đó phát đi hình ảnh của thiết bị "lạ", cho thấy nó có chiều dài 3m, hoạt động nhờ các tấm pin năng lượng mặt trời.
Theo CCTV, một nhóm ngư dân Trung Quốc đã phát hiện thiết bị lạ ngoài khơi thành phố Diêm Thành (Giang Tô) và kéo vào bờ, giao cho một "viện nghiên cứu về đại dương cấp quốc gia". Tang Jiansheng, một nhà nghiên cứu Trung Quốc, tỏ ra lo ngại với những gì được tìm thấy.
Vị này cho biết có nhiều cảm biến trên thiết bị lạ, có thể nhận lệnh theo thời gian thực. Theo ông Tang, rất có thể thiết bị này đã thu thập dữ liệu trong vùng biển Trung Quốc một thời gian dài trước khi bị phát hiện.
Theo báo South China Morning Post (SCMP), cho đến ngày 17-4, vẫn có rất ít thông tin về nguồn gốc thiết bị lạ được tìm thấy. Không có nước nào trong khu vực lên tiếng "bị mất" hoặc "lấy làm tiếc" về vụ việc.
Dựa trên hình dáng bên ngoài, SCMP cho rằng thiết bị do thám này rất giống với Wave Glider, một thiết bị không người lái hoạt động trên mặt biển (USV). Các thông tin công khai cho thấy doanh nghiệp chế tạo Wave Glider là Liquid Robotics, một công ty con của Tập đoàn Boeing (Mỹ).
Loại USV này hoạt động liên tục 12 tháng nhờ năng lượng mặt trời và sóng biển, tầm hoạt động lên tới 1,2 triệu hải lý bất kể điều kiện thời tiết. Để phục vụ việc thu thập thông tin, USV Wave Glider được trang bị một thiết bị thu thập dữ liệu dưới mặt biển, có thể lặn sâu khoảng 8m.
Ông Song Zhongping, chuyên gia quân sự Trung Quốc, nghi ngờ thiết bị ngoài khơi tỉnh Giang Tô là của Mỹ. Theo vị này, Washington có rất nhiều thiết bị do thám trên biển và đã triển khai một số lượng lớn ở gần Trung Quốc để thu thập thông tin, phục vụ việc chống tàu ngầm Trung Quốc.
Theo CCTV, ngày càng nhiều thiết bị do thám được tìm thấy ở vùng biển phía đông và nam Trung Quốc. Trước tình trạng này, nhà chức trách Trung Quốc đã quyết định sẽ thưởng cho những ai phát hiện và đem về đất liền các thiết bị lạ.
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng tăng cường khảo sát đáy biển để lập bản đồ cho tàu ngầm nước này. Ngư dân một số nước Đông Nam Á đã tìm thấy các thiết bị do thám có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Gần đây nhất, cuối năm ngoái, một ngư dân Indonesia đã tìm thấy một thiết bị không người lái ngoài khơi nước này. Giới quan sát khi đó cho rằng thiết bị này là sản phẩm của Trung Quốc. Vị trí tìm thấy khá gần một vùng biển được gọi là "lối đi tắt của tàu ngầm ra Ấn Độ Dương".
TTO - Khoản viện trợ khiêm tốn 36 triệu USD của Nhật Bản vào quần đảo Andaman và Nicobar đang nhận được sự chú ý lớn từ giới quan sát. Quần đảo này án ngữ lối ra vào Biển Đông hướng từ Ấn Độ Dương, là nơi tàu ngầm Trung Quốc buộc phải lộ diện.
Xem thêm: mth.74431140271401202-neib-ob-nag-iaogn-coun-auc-maht-od-vau-yaht-mit-couq-gnurt/nv.ertiout