TP.HCM là tâm điểm quy hoạch vùng
Những năm gần đây, thị trường bất động sản tại TP.HCM cũng như các vùng lân cận tăng giá "phi mã". Ở bất kỳ đâu có thông tin mở đường vành đai, mở đường sắt, cao tốc đi qua thì giá đất ở khu vực đó tăng mạnh.
Toàn thị trường bất động sản dường “ăn theo” vì các thông tin quy hoạch vùng lân cận Thành phố này.
Đơn cử một vài tỉnh hiện nay, giá đất và dự án nhà ở bùng nổ vì có dự án giao thông lớn.
Như tỉnh Đồng Nai, có đường cao tốc đi qua, sân bay Long Thành; khu vực Bình Dương với việc kết nối các đường vành đai quanh TP.HCM và kết nối nhà ga metro; Lâm Đồng với cao tốc Dầu Giây - Liên Khương.
Các nhà đầu tư chỉ cần nghe thông tin về quy hoạch đã vội đi “săn lùng” đất khiến giá bất động sản tăng mạnh.
Tại hội thảo “Nhận diện lực đẩy phát triển thị trường bất động sản vùng TP.HCM mở rộng năm 2021” TS. Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (bộ Giao thông vận tải) cũng cho rằng, chính việc phát triển hạ tầng giao thông tốt, tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản và giá trị của khu vực mà dự án giao thông đi qua.
Theo ông Lê Đỗ Mười, những năm tới việc đầu tư hạ tầng kết nối được đặc biệt chú trọng, đặc biệt đối với khu vực vùng TP.HCM là một trung tâm kinh tế lớn, năng động và nằm tâm điểm của Đông Nam Bộ kết nối với Tây Nam Bộ và thuận lợi trong giao thương quốc tế.
Kinh tế TP.HCM tăng trưởng khá và ổn định qua các năm, GRDP tăng bình quân đạt 8,3%/năm, quy mô GRDP của TP.HCM năm 2020 ước chiếm 22,8% GDP cả nước và khoảng 48,4% GRDP của Vùng. GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 ước đạt 6.799 USD (cả nước ước trên 3.000 USD/người).
Thu ngân sách năm 2020 chiếm tỷ trọng lớn nhất cả nước (khoảng 27%).
“TP.HCM là nơi phát triển kinh tế tốt, tuy nhiên hiện nay hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của TP.HCM và hạ tầng kết nối các tỉnh trong vùng đang quá tải, thiếu đồng bộ trong khi nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông chỉ đạt được khoảng 25-27% so với nhu cầu theo các quy hoạch đã được phê duyệt.
Đây là một trong những nguyên nhân tác động trực tiếp làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong vùng.
Trong các chiến lược, quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của cả nước nói chung và ngành GTVT nói riêng, vùng TP.HCM tiếp tục được xác định là đầu tàu kinh tế, là trung tâm công nghiệp, cảng biển, hàng không và logistics lớn của cả nước”, ông Mười cho hay.
“Chính vì TP.HCM là trung tâm kinh tế, nên việc phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng sẽ tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh để tạo ra sự kết nối đa phương thức, mở ra không gian phát triển kinh tế mới, cơ hội mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế - xã hội và tạo động lực phát triển vùng.
Việc phát triển các đô thị vệ tinh sẽ là động lực phát triển kinh tế xã hội, phân bố lại dân cư và việc làm.
Trong đó, phát triển giao thông vận tải là nền tảng, có mối quan hệ mật thiết, tương hỗ với phát triển đô thị, là cơ sở thực hiện quy hoạch đô thị, thu hút dân cư từ đô thị trung tâm ra đô thị vệ tinh, thúc đẩy giá trị bất động sản gia tăng, thu hút nguồn lực xã hội hóa đầu tư phát triển đô thị và kết cấu hạ tầng giao thông”, Viện trưởng viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải khẳng định.
Hạ tầng giao thông tác động trực tiếp đến bất động sản
Cũng theo ông Mười, một trong những điểm cốt lõi trong chiến lược phát triển của TP.HCM là sẽ phát triển các khu đô thị vệ tinh theo mục tiêu phát triển đô thị đa trung tâm, mang tính vùng không gian đô thị.
Trong đó, các khu vực như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ dần hình thành nên những trung tâm đô thị mới tiềm năng và hấp dẫn trong xu thế giãn dân đô thị.
Việc phát triển giao thông kết nối tạo đà phát triển cho thị trường bất động sản TP.HCM và các tỉnh lân cận hưởng lợi theo hướng bền vững.
Đặc biệt, hạ tầng giao thông kết nối đã tạo ra một liên kết vùng không chỉ trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, mà thị trường bất động sản hưởng lợi đầu tiên.
“Chúng ta có thể thấy, trong năm 2010, khi cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết và Xa lộ Hà Nội, và sắp tới là các dự án lớn như CHKQT Long Thành, cầu Cát Lái bắc từ TP.HCM qua huyện Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai khiến thị trường vùng ven đã ngay lập tức phát triển mạnh.
Các dự án luôn nằm giáp với địa phận TP.HCM và đặc biệt là dự án bám sát vào hạ tầng giao thông kết nối với TP.HCM.
Cấu trúc không gian vùng TP.HCM được quy hoạch gồm tiểu vùng đô thị trung tâm (bao gồm TP.HCM và vùng phụ cận các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai); tiểu vùng phía Đông (bao gồm các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu); tiểu vùng phía Bắc – Tây Bắc (gồm các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh và phía Bắc tỉnh Bình Dương); tiểu vùng phía Tây Nam (bao gồm tỉnh Tiền Giang và một phần tỉnh Long An).
Khi hạ tầng được đồng bộ kết nối, thuận lợi hơn, tạo lực đẩy thì nó tác động lớn đến chính thị trường bất động sản”, ông Mười chia sẻ.
“Ở nước ta, hầu hết những cơn sốt đất gần đây đa phần đều xuất phát từ những thông tin chưa rõ ràng về dự án, quy hoạch.
Do đó, trước khi thực hiện đầu tư, các nhà đầu tư cần tìm hiểu thật kỹ thông tin quy hoạch tại địa phương; pháp lý bất động sản; giá trị sử dụng thực của đất.
Tình trạng đầu tư vào phát triển bất động sản tại một số tỉnh, trong khi một số tỉnh lại không có dẫn đến tình trạng chưa phù hợp quy hoạch, các nhà đầu tư cần xem xét kỹ quy hoạch trước khi quyết định đầu tư, đặc biệt là các tỉnh lân cận TP.HCM”, ông Mười thông tin đến người dân.