Sáng 18-4, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia (Trung tâm KTTVQG) cho biết đang có một siêu bão rất mạnh hoạt động cách bờ biển miền Trung Philippines khoảng 420km.
Siêu bão có tên quốc tế là Surigae, có sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ở cấp 17 (200-220km/giờ), giật trên cấp 17.
Trung tâm KTTVQG dự báo trong 24 giờ tới, siêu bão di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được 5-10km. Đến 7 giờ sáng mai, ngày 19-4, vị trí tâm siêu bão cách bờ biển miền Trung Philippines khoảng 300km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 17 (200-220km/giờ), giật trên cấp 17.
Sơ đồ dự báo vị trí và đường đi của siêu bão Surigae. Ảnh: KTTVQG
Trong các giờ tiếp theo bão duy trì cường độ và di chuyển dọc bờ biển Philippines theo hướng tây bắc và bắc tây bắc.
Các chuyên gia đánh giá, đây là cơn bão mạnh, rất nguy hiểm, trường hợp thay đổi hướng bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới biển Đông, nơi có nhiều tàu thuyền khai thác hải sản đang hoạt động.
Để sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra, trong sáng nay, 18-4, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có văn bản đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau triển khai công tác sẵn sàng ứng phó với siêu bão Surigae.
Theo đó, các địa phương nêu trên theo dõi chặt chẽ các bản tin về siêu bão Surigae; thông báo cho các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết biễn biến của bão để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn và có kế hoạch sản xuất phù hợp.
Đồng thời, các địa phương duy trì thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống; tổ chức trực ban, thường xuyên tổng hợp báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo.
Liên quan đến tình hình mưa lũ ở miền núi phía bắc, đặc biệt là trận lũ ống xảy ra vào sáng 17-4 ở xã Minh Lương, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai làm 3 người chết và mất tích, hư hại nhiều nhà dân, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu khắc phục hậu quả và ứng phó với mưa lũ.
Thủ tướng gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc đến các gia đình có người bị chết.
Đồng thời, để khẩn trương khắc phục hậu quả và ứng phó với diễn biến thiên tai tiếp theo, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tổ chức thăm hỏi gia đình có người chết; huy động các lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường; hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu không để người dân bị thiếu đói.
Thủ tướng cũng yêu cầu cầu các địa phương bị ảnh hưởng của mưa lũ, bao gồm các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, triển khai lực lượng xung kích ở cơ sở kiểm tra, rà soát nơi ở an toàn của người dân, đặc biệt là khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để ứng phó khi có tình huống.
Các Bộ, ngành khác theo chức năng quản lý Nhà nước và nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với các địa phương triển khai ứng phó và sẵn sàng hỗ trợ địa phương xử lý, khắc phục hậu quả khi có yêu cầu.
Giao Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cung cấp tài liệu, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương ứng phó với mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, báo cáo kịp thời Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.