Dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Diễn đàn M&A Việt Nam được tổ chức trong suốt 15 năm đã thực sự trở thành diễn đàn mở của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà đầu tư về hoạt động M&A; là kênh kết nối cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo Ban tổ chức M&A, sau giai đoạn thăng hoa, thị trường M&A trên toàn cầu đang hạ nhiệt.
Theo dữ liệu từ KPMG Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm 2023, thị trường M&A Việt Nam có 265 giao dịch, đạt giá trị hơn 4,4 tỷ USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị trung bình các thương vụ đạt 54,5 triệu USD cho thấy sự chuyển hướng của nhà đầu tư sang các khoản đầu tư chiến lược, cần nhiều tiềm lực tài chính hơn. Riêng thị trường huy động vốn thông qua hình thức chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở Đông Nam Á cũng cho thấy sự ổn định, nhưng tổng số vốn IPO huy động chạm mức thấp nhất trong 8 năm qua.
Theo số liệu từ Deloitte (tính đến ngày 15/11/2023), các công ty ở Đông Nam Á đã huy động được khoảng 5,5 tỷ USD thông qua các thương vụ IPO từ đầu năm đến nay, giảm so với mức 7,6 tỷ USD huy động được từ 163 thương vụ IPO trong cả năm 2022. Trong đó, Việt Nam chỉ có 3 thương vụ niêm yết IPO huy động được khoảng 7 triệu USD trong 10,5 tháng đầu năm 2023.
Số lượng IPO thấp chủ yếu là do quy trình phê duyệt IPO và niêm yết được thắt chặt, đồng thời, lượng vốn rút ròng của các nhà đầu tư nước ngoài cao hơn do các yếu tố toàn cầu và tại các quốc gia ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường trong năm 2023. Những điều kiện bất lợi này, cùng với diễn biến giảm điểm của VN-Index kể từ nửa đầu năm 2022, đã khiến những công ty có mong muốn IPO phải trì hoãn kế hoạch và chờ thời điểm thích hợp để niêm yết.
Hiện Chính phủ đã đưa ra một số biện pháp nhằm kích thích nền kinh tế và nhiều chủ trương nhằm nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư vào năm 2024. Điều này cho thấy khi thị trường khó khăn, sẽ có nhiều doanh nghiệp phải tiến hành hoạt động M&A. Có thể một số doanh nghiệp sẽ có những động thái tích cực, phá băng và sớm đưa thị trường trở lại trạng thái sôi động. Hơn nữa, thời điểm này được cho là cơ hội cho các nhà đầu tư có tiền thực hiện mua các dự án hấp dẫn, với định giá tài sản hợp lý hơn.
Về lĩnh vực, M&A trong lĩnh vực công nghệ với làn sóng chuyển đổi số, bán lẻ, hàng tiêu dùng vẫn sôi động. Trong khi lĩnh vực bất động sản, năng lượng xanh, tiện ích sẽ sớm sôi động trở lại với sự tham gia ngày càng đông đảo của các doanh nghiệp Việt Nam với vai trò bên mua. Những dấu hiệu trên cho thấy thị trường M&A tại Việt Nam được dự báo vẫn sôi động, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn trong nước bị thắt chặt, nhiều doanh nghiệp buộc phải tái cấu trúc, bán bớt tài sản, kêu gọi đầu tư do sức ép về tài chính.
Theo ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc thực thi quyết liệt và hiệu quả các giải pháp này sẽ góp phần quan trọng đưa nền kinh tế phục hồi nhanh và bền vững không chỉ trong năm 2024 mà cả những năm tiếp theo. Khi nền kinh tế phục hồi, niềm tin tiêu dùng được cải thiện nhiều, bức tranh tăng trưởng của doanh nghiệp trở nên rõ ràng hơn và đầu tư nước ngoài tăng tốc, hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ nhộn nhịp trở lại. Đó chính là những lý do vì sao Ban Tổ chức Diễn đàn M&A thường niên chọn chủ đề “Chung tay cùng thịnh vượng”, cho năm 2023.
“M&A có thể sẽ là chiếc phao cứu sinh cho nhiều chủ thể trong nhiều tình huống khó khăn, khi không còn có thể trông đợi thêm các nguồn lực hỗ trợ khác. Còn trong những lúc bình thường, M&A sẽ mang đến thêm sức mạnh từ sự cộng hưởng những thế mạnh của bên bán và bên mua, tạo ra sự thịnh vượng chung cho các bên tham gia và cả nền kinh tế”, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam nhận xét.
Phiên I: “Sức bật mới cho thị trường M&A”
Với sự điều phối của ông Seck Yee Chung, Luật sư điều hành, Công ty Luật Baker McKenzie, các chuyên gia sẽ dành thời gian thảo luận về cơ hội của Việt Nam trước sự đứt gãy và sắp xếp lại của chuỗi cung ứng quốc tế. Đồng thời, dòng vốn ngoại tiếp tục đổ vào Việt Nam, với sự có mặt của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, sẽ tạo năng lực mới cho nền kinh tế, mở ra cơ hội hợp tác mới thế nào? Triển vọng dòng vốn quốc tế chảy vào Việt Nam thông qua kênh M&A sắp tới sẽ như thế nào? Nguồn vốn sẽ đến từ đâu là chủ yếu? Dự báo xu hướng M&A năm 2024. Những ngành, lĩnh vực nào sẽ sôi động?...
Phiên thảo luận này có sự tham gia của các diễn giả, chuyên gia như: ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu Dịch vụ M&A xuyên quốc gia, RECOF Corporation, Tổng giám đốc RECOF Việt Nam; Ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG tại Việt Nam và Campuchia; Bà Bình Lê Vandekerckove, Nhà sáng lập & Tổng giám đốc, Công ty Tư vấn thương vụ ASART; Bà Võ Hà Duyên, Chủ tịch, Công ty Luật VILAF; Ông Khanh Vũ, Phó tổng giám đốc Quỹ VinaCapital Vietnam Opportunity; Ông Sebastien Laurent, Giám đốc điều hành khu vực châu Á, Công ty Tư vấn Financière de Courcelles.
Phiên II: “Cộng hưởng sức mạnh”
Phiên thảo luận này sẽ được điều phối bởi ông Nguyễn Tiến Hòa, Luật sư cấp cao, Công ty ASL Law; cùng với sự tham gia của các diễn giả, chuyên gia như: Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC; Ông Angus Liew, Chủ tịch HĐTV Công ty Gamuda Land Việt Nam; Ông Melvin Heng, Tổng giám đốc Tập đoàn Thomson Medical; Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Công ty BIWASE; Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Công ty Phúc Khang; Ông Trương An Dương, Giám đốc điều hành khu vực phía Bắc và Khối bất động sản nhà ở, Công ty Frasers Property Vietnam; Ông Vũ Minh Tiến, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị VIAD Group.
Trong phiên này, các chuyên gia sẽ trả lời câu hỏi vì sao M&A vẫn là kênh đầu tư được ưa chuộng trong bối cảnh khó khăn, biến động bất thường, chưa từng có tiền lệ của kinh tế toàn cầu? Những giá trị cộng hưởng mới nào sẽ được tạo ra từ các thương vụ M&A trong bối cảnh mới hiện nay và những yếu tố nào sẽ quyết định những giá trị cộng hưởng đó? Những vấn đề doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý để mỗi thương vụ M&A với đối tác quốc tế là một cuộc “se duyên” hạnh phúc? Kinh nghiệm của các doanh nghiệp có chiến lược M&A xuất sắc.
Nội dung tường thuật
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư đánh giá, thị trường M&A Việt Nam vẫn tiếp tục được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá là hấp dẫn.
Theo Thứ trưởng, kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng thấp, trong đó có các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam. Thương mại toàn cầu phục hồi chậm, tiềm ẩn sự bất ổn về nguồn cung, nhất là các mặt hàng chiến lược như năng lượng, lương thực, chất bán dẫn. Nguy cơ nợ công, rủi ro trên các thị trường tài chính - ngân hàng, bất động sản gia tăng tại một số nước. Áp lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư gia tăng, đặc biệt với việc thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được áp dụng tại một số quốc gia từ năm 2024 dự báo có khả năng dẫn đến những sự chuyển hướng của dòng vốn đầu tư nước ngoài, trong đó dòng vốn thông qua kênh M&A.
Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Diễn đàn. |
Nhiều kết quả khảo sát của các tổ chức uy tín trên thế giới cho thấy hoạt động M&A toàn cầu năm 2023 đang diễn ra không thuận lợi mà một trong những nguyên nhân chính là việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) không ngừng tăng lãi suất khiến chi phí tài chính gia tăng và giá tài sản giảm.
Chẳng hạn, theo nghiên cứu của công ty dữ liệu và phân tích GlobalData, tổng số thương vụ M&A tính đến hết tháng 10 đã giảm 16,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó số thương vụ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương giảm 11,6%.
Nằm trong xu hướng chung, thị trường M&A Việt Nam cũng đang sụt giảm, đặc biệt so với mức đỉnh vào năm 2021 với tổng giá trị thương vụ hơn 10,8 tỷ USD. Tính đến hết tháng 10/2023, theo ước tính của KPMG, tổng giá trị thương vụ của thị trường Việt Nam mới đạt hơn 4,4 tỷ USD, dự báo khó có thể đạt đến con số gần 6,8 tỷ USD của năm ngoái.
Tuy nhiên, bên cạnh những vấn đề trên, thị trường M&A Việt Nam vẫn có rất nhiều cơ hội và triển vọng nhờ những yếu tố nền tảng đang ngày càng được củng cố. Công tác hoàn thiện thể chế, chính sách đang được thực hiện theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư - kinh doanh, trong đó có hoạt động M&A. Chính phủ Việt Nam cũng đang tiếp tục nghiên cứu để có phản ứng chính sách kịp thời và hiệu quả trước vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, qua đó tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là các khoản đầu tư quy mô lớn của các tập đoàn đa quốc gia. Hoạt động thoái vốn, tái cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp nhà nước sau một thời gian bị chậm lại cũng sẽ được đẩy nhanh hơn trong thời gian tới.
Việc thực thi quyết liệt và hiệu quả các giải pháp này sẽ góp phần quan trọng đưa nền kinh tế phục hồi nhanh và bền vững không chỉ trong năm 2024 mà cả những năm tiếp theo. Khi nền kinh tế phục hồi, niềm tin tiêu dùng được cải thiện nhiều, bức tranh tăng trưởng của doanh nghiệp trở nên rõ ràng hơn và đầu tư nước ngoài tăng tốc, hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ nhộn nhịp trở lại.
Theo báo cáo “Bức tranh lớn: Triển vọng M&A 2024” của S&P Global phát hành ngày 15.11.2023, mặc dù hoạt động M&A toàn cầu chững lại trong gần như suốt năm 2023 nhưng đang có nhiều tác nhân tiềm năng thúc đẩy các nhà tạo lập thương vụ bứt lên trong năm tới. Việc Fed dừng tăng lãi suất tạo ra một môi trường lãi suất ổn định, sẽ thúc đẩy các thương vụ và nâng triển vọng của thị trường M&A toàn cầu trong năm tới.
Trong nước, thị trường đầu tư Việt Nam nói chung, thị trường M&A Việt Nam nói riêng vẫn tiếp tục được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá là hấp dẫn nhờ sự ổn định về chính trị, tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, thị trường tiêu dùng nội địa không ngừng tăng nhanh. Tính đến ngày 20/11/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 5,97 tỷ USD, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư, Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam 2023 cho biết, kinh tế Việt Nam đang trải qua một giai đoạn khó khăn do những tác động kép từ sự bất định bên ngoài và những hạn chế nội tại. Tuy nhiên, việc Việt Nam vẫn được coi là một điểm đến hấp dẫn với giới đầu tư quốc tế nhờ những nền tảng cơ bản được giữ vững và sự quyết liệt của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh cho thấy sự chững lại hiện nay chỉ là một động thái tạm thời trong một chu kỳ rộng hơn, với 2023 là một năm thị trường M&A được kỳ vọng sẽ tìm lại cân bằng để tiến tới phát triển bền vững.
Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư, Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam 2023 phát biểu khai mạc. |
Dù còn nhiều ẩn số cần giải đáp, nhưng khả năng phục hồi và tăng tốc trở lại với thị trường M&A Việt Nam trong thời gian tới vẫn khá rõ ràng khi xem xét những yếu tố hậu thuẫn mạnh mẽ như việc thực thi các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia, sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu mà Việt Nam được coi là một địa chỉ hàng đầu, cũng như những lĩnh vực được các nhà đầu tư lớn đặc biệt quan tâm và đang có tiềm năng phát triển mạnh tại Việt Nam như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ, bất động sản, sản xuất xanh và đặc biệt là ngành sản xuất chất bán dẫn, chip…
Bên cạnh đó, nhu cầu về vốn, bí quyết công nghệ và các chiến lược tái cấu trúc của ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng hứa hẹn thêm nhiều cuộc kết duyên tốt đẹp trong thời gian tới.
Là một trong những tâm điểm theo dõi của nhiều nhà đầu tư quốc tế, thị trường M&A Việt Nam vẫn sẽ là mảnh đất để “Chung tay cùng thịnh vượng” - cũng chính là chủ đề của Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 15 này. Bởi M&A không phải lúc nào cũng là hoạt động “thôn tính” hay “thâu tóm” với những hàm ý không tích cực.
Ngược lại, nhiều nghiên cứu cho thấy các doanh nghiệp tích cực thực hiện M&A nhất cũng là những doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng vượt trội. M&A là bàn tay được chờ đợi chìa ra lúc khó khăn và cũng là cái bắt tay thật chặt để tạo sức mạnh cộng hưởng khi thuận lợi, mang đến sự thịnh vượng chung cho các bên tham gia và cả nền kinh tế.