Ông Nguyễn Đình Tư (giữa) đang chia sẻ về những giá trị di sản Sài Gòn TP.HCM - Ảnh: L. ĐIỀN
Ý tưởng tọa đàm của NXB Tổng hợp TP.HCM, muốn nhân dịp này giới thiệu cái nhìn có tính kết nối từ lịch sử một vùng đất với tiềm năng hiện tại để hình dung về bước phát triển trong tương lai.
Bốn diễn giả là khách mời cùng trình bày về chủ đề này là nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư năm nay ngót trăm tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, bà Phạm Phương Thảo - nguyên chủ tịch HĐND TP, ông Lê Quốc Cường - phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông và nhà báo Lê Công Sơn.
Sài Gòn từ bước chân lưu dân chuyển mình thành đô thị thông minh
Câu chuyện bắt đầu từ một tình tiết "người thật việc thật" khi cụ Lê Đình Tư kể rằng lúc cụ di cư vào Sài Gòn thì trại tiếp cư lúc đó ở Tân Sơn Nhất vẫn còn là một một vùng hoang địa. "Và đến năm 1959, dọc khu vực nay là đường Lạc Long Quân hãy còn đồng không mông quạnh, không thể hình dung phố thị sầm uất như bây giờ" - cụ Tư kể lại.
Từ chi tiết ấy, các diễn giả nhắc lại một quá khứ của Sài Gòn với xuất phát điểm cũng bình dị như bao vùng miền khác. Nhưng cùng với bàn tay khối óc của những người lưu dân - các cư dân đầu tiên kiến lập mảnh đất phương Nam này thành nơi đáng sống, chúng ta dần dần có một đô thị với nhiều thế mạnh như hôm nay.
Bà Phạm Phương Thảo cho rằng TP.HCM tuy trẻ nhưng di sản văn hóa nhiều. Và chính việc khai thác di sản này cần đến sách, để không chỉ giới thiệu mà còn nghiên cứu sâu.
Nhà báo Lê Công Sơn chia sẻ một đồng cảm bằng hình dung: Có lẽ những cư dân Sài Gòn đến từ nhiều vùng miền khác không ai không thấy mình nặng ơn nghĩa với mảnh đất này. Và anh kêu gọi mỗi người có thể dành thời gian và tâm huyết nghĩ về Sài Gòn nhiều hơn, góp mỗi người một vài việc có ích cho Sài Gòn hơn nữa, để không chỉ giữ bền những giá trị di sản của Sài Gòn mà còn tạo tiền đề để thành phố này thành một đô thị hiện đại, đô thị thông minh trong tương lai.
Nâng cao năng lực quản lý điều hành của các cơ quan công quyền
Ông Lê Quốc Cường đưa ra một cách hiểu về đô thị thông minh. Trước hết, đó là đô thị có đủ dữ liệu để ra các quyết định nhanh, đáp ứng nhu cầu bức thiết trong cuộc sống của người dân.
Ở góc độ đó, có thể hiểu xây dựng đô thị thông minh chính là nâng cao năng lực quản lý điều hành của các cơ quan công quyền. Và với vị trí trung tâm là con người, đô thị thông minh sẽ bao gồm quản lý thông minh, con người thông minh và hướng đến phát triển thành xã hội thông minh.
Ông Cường cũng cho rằng trong đô thị thông minh thì yếu tố văn hóa rất quan trọng. Chẳng hạn, khi đề cập đến việc giáo dục lịch sử thông qua hệ thống tên đường, ông Cường cũng cho rằng chúng ta có cơ sở dữ liệu và nên làm các QR code tại các bảng tên đường để bất kỳ người dân nào đến Sài Gòn TP.HCM cũng có thể tra cứu dữ liệu và hiểu thêm đằng sau cái tên đường kia là những câu chuyện lịch sử thú vị như thế nào...
Và bà Phạm Phương Thảo đồng ý rằng thành phố đang đứng trước cơ hội trở thành đô thị thông minh, nhưng trong chiều hướng kết nối từ truyền thống đến hiện đại phải không để xảy ra đứt gãy. "Phải bảo tồn những di sản văn hóa tốt đẹp, và xem kết nối trên phương diện văn hóa, nhân văn này là động lực cho sự phát triển" - bà Thảo nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Nguyên – Cục trưởng cục Xuất bản cũng có mặt tham dự tọa đàm và phát biểu ghi nhận sức làm việc của cụ Nguyễn Đình Tư, đồng thời ông Nguyên cũng cho biết ngành sách đang cần các kết nối với các nhà nghiên cứu có thâm niên, kể cả những người đang sống và làm việc ở nước ngoài, nhất là cùng chung tay khai thác mảng sách Hán Nôm sao cho hiệu quả - Ảnh: L. ĐIỀN
TTO - Bên cạnh hội sách trực tuyến quốc gia, hàng loạt chương trình về sách được tổ chức tại TP.HCM từ sáng kiến của các đơn vị làm sách nhằm tạo dấu ấn trong cộng đồng đọc sách và nhân rộng mô hình khuyến đọc...
Xem thêm: mth.43694357181401202-nog-ias-ohc-hci-oc-ceiv-iav-tom-pog-nad-uc-iom-gnom/nv.ertiout