Theo số liệu do Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố mới đây, chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, hơn 8.700 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, bán buôn, bán lẻ đã tiếp tục rời thị trường, tăng tới gần 25% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo ghi nhận của phóng viên tại Hà Nội, tới thời điểm này, khi dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, nhiều hàng quán vẫn đóng cửa, không biết đến bao giờ...
Nhiều hàng quán tại Hà Nội vẫn "cửa đóng, then cài".
Một thương hiệu spa trước đây có 4 cơ sở ở Hà Nội. Mỗi cơ sở đón hàng trăm khách mỗi ngày, chủ yếu là người nước ngoài, nhưng hiện chỉ còn lại duy nhất 1 cơ sở. Cả tuần trời, spa mới có vài ba khách, bà chủ tính mọi cách để cố cầm cự.
"Hiện chỉ còn lại 2 - 3 nhân viên, vừa là để giữ cơ sở, giữ những cái lượng khách rất nhỏ còn lại để duy trì thương hiệu. Ngoài ra, các bạn ấy cũng phải làm thêm các công việc khác thì mới đảm bảo được cuộc sống hiện tại", chị Nguyễn Thị Lan Hương, chủ cơ sở spa, cho biết.
Trước đây, chị Xinh thuê nhà của bà Hằng để kinh doanh tranh. Chị phải trả nhà vì cả năm vừa qua cửa hàng chị vắng khách. Gần đây, bà Hằng rủ chị Xinh cùng bán trà đá, vì nhà bà để mãi cũng không có ai hỏi thuê. Còn chị bán tranh online cũng đang khó.
Khó khăn do COVID-19, bà Hằng (chủ nhà cho thuê) rủ chị Xinh (chủ cửa hàng tranh) cùng bán trà đá.
"Thực ra bán online không hiệu quả, chi phí quảng cáo mình bỏ ra lớn, trong khi nhu cầu mua của người dùng cũng ít đi nhiều do ảnh hưởng của dịch nên người dân thắt chặt chi tiêu. Dù đã có giải pháp nhưng làm vẫn không hiệu quả", chị Nguyễn Thị Xinh, chủ cửa hàng tranh, chia sẻ
Theo các chuyên gia, có 2 nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp kinh doanh bán buôn bán lẻ gặp nhiều khó khăn hơn các lĩnh vực khác: Thứ nhất là bởi cầu giảm, do chúng ta chưa thể mở cửa đón du khách quốc tế, còn người dân trong nước cũng thắt chặt chi tiêu vì kinh tế khó khăn do dịch bệnh; Thứ hai, dịch COVID-19 đã thúc đẩy mua sắm online phát triển mạnh khiến doanh thu từ bán lẻ truyền thống sụt giảm.
"COVID-19 đã hơn 1 năm và đang bước sang năm thứ hai. Như vậy, khả năng chống chọi của doanh nghiệp bắt đầu gặp vấn đề. Thời kỳ đầu của COVID-19, họ còn một lượng dự trữ nào đó và họ hy vọng là mình còn có thể kinh doanh tiếp. Tuy nhiên, hiện khó khăn của doanh nghiệp vừa và nhỏ là rất lớn. Thậm chí, họ phải đóng cửa vì họ không còn hy vọng", ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định.
Trong 3 tháng đầu năm nay, hơn 8.700 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, bán buôn, bán lẻ đã tiếp tục rời thị trường.
Để doanh nghiệp vừa và nhỏ, bán buôn bán lẻ có thể phục hồi, tăng cầu được cho là giải pháp chính. Thế nhưng điều đó không dễ khi du khách quốc tế chưa quay trở lại, còn người dân vẫn còn tâm lý thắt chặt chi tiêu. Bài toán lớn hơn đối với các nhà quản lý là làm sao phải giữ được sự cân bằng giữa mở cửa nền kinh tế và đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Ở chiều ngược lại, trong 3 tháng đầu năm nay, hơn 5.200 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy quay đã trở lại thị trường. Thế nhưng theo nhận định của các chuyên gia, tình hình chung cũng vẫn là tương đối khó khăn.
VTV.vn - Theo IHS Markit, PMI của Việt Nam tháng 2 cao hơn tháng 1 và tiếp tục trên ngưỡng 50 điểm, tuy nhiên niềm tin của các công ty đã giảm vì COVID-19.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.81795140281401202-ad-art-nab-euht-hcahk-ur-ahn-uhc-91-divoc-iv-ma-e-hnaod-hnik/et-hnik/nv.vtv