TP.HCM mới qua vài cơn mưa đầu mùa đã xảy ra một số vụ cây xanh ngã, đổ gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng và tài sản của người dân.
Nhân viên Công ty Cây xanh đang cắt tỉa cành cây trên đường phố.
Ảnh: NGUYỄN CHÂU
Sức chống chịu của cây xanh ngày càng kém
Trong nhiều năm qua, tình trạng sự cố từ cây xanh như rơi, gãy nhánh, bật gốc, ngã đổ cây vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là vào mùa mưa. Nguyên nhân chủ yếu do không gian sống của cây bị đe dọa, bị hạn chế.
Theo ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP.HCM), tốc độ phát triển đô thị ngày càng nhanh đã khiến cho cây xanh đối mặt với thực trạng phải cạnh tranh không gian sống với những công trình kiến trúc, công trình ngầm, điện lực… Điều đó khiến cho khả năng sinh trưởng, sức chống chịu của cây xanh đô thị ngày càng kém.
Ngoài ra, diễn biến bất thường của thời tiết như mưa dông, gió giật, triều cường gây ngập úng, nắng nóng kéo dài… hay các thay đổi khác về môi trường như suy giảm mực nước ngầm, ô nhiễm không khí… cũng tác động rất lớn đến khả năng sinh trưởng, phát triển và sức chống chịu của cây.
Phạt nặng nếu chặt hạ cây xanh sai quy trình Việc quản lý cây xanh đô thị bao gồm việc quy hoạch, trồng, chăm sóc, ươm cây, bảo vệ, chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị được quy định tại Nghị định 64/2010. Điều 14 của Nghị định 64/2010 quy định về việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị, điều kiện chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị chỉ áp dụng cho những cây đã chết, đã bị đổ gãy hoặc có nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm; cây xanh bị bệnh hoặc đến tuổi già cỗi không đảm bảo an toàn; cây xanh trong các khu vực thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình. Ngoài ra, các trường hợp chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị phải có giấy phép như cây xanh thuộc danh mục cây bảo tồn; cây bóng mát trên đường phố; cây bảo tồn; cây bảo tồn trong khuôn viên của các tổ chức, cá nhân... Các trường hợp được miễn giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị là những cây chặt hạ ngay cho tình thế khẩn cấp, do thiên tai hoặc cây đã chết, đã bị đổ gãy. Tuy nhiên, trước khi chặt hạ, dịch chuyển phải có biên bản, ảnh chụp hiện trạng và phải báo cáo lại cơ quan quản lý cây xanh đô thị chậm nhất trong vòng 10 ngày kể từ ngày thực hiện xong. Theo quy định tại khoản 4 Điều 53 Nghị định 139/2017 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng… quy định phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng đối với hành vi tự ý chặt hạ, di dời, đốt gốc, đào gốc cây xanh đô thị hoặc chặt rễ cây xanh không đúng quy định. Luật sư LÊ VĂN PHIẾN, Đoàn Luật sư TP.HCM |
Bố trí người trực xuyên suốt
Để giảm tình trạng ngã đổ, rơi gãy nhánh cây xanh trên địa bàn, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM đã kết hợp với một số đơn vị thường xuyên có kế hoạch cắt tỉa, kiểm tra cây xanh trước mùa mưa bão ở tất cả tuyến đường.
Theo đại diện Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM (Công ty Cây xanh), ngoài việc thường xuyên chăm sóc cây xanh trên địa bàn TP, công ty đã lập kế hoạch cụ thể xử lý sự cố cây xanh trong mùa mưa bão năm 2021.
Cụ thể, trong giờ hành chính (từ 7 giờ 30 đến 16 giờ 30), nhân viên văn phòng của năm xí nghiệp Công viên Cây xanh thuộc công ty và Công viên Gia Định A trực đường dây điện thoại nóng, các tổ trực theo địa bàn được phân công quản lý. Ngoài giờ hành chính, công ty cũng bố trí người để trực xuyên suốt.
Theo Công ty Cây xanh, qua tổng kết nhiều năm, đơn vị này đã rút ra một số tình trạng chung về cây, nhánh ngã đổ như thời gian, địa điểm có nguy cơ xảy ra sự cố; đặc tính của các loài cây về thân, cành, nhánh, hệ thống rễ... để đề xuất biện pháp xử lý thích hợp.
Thời gian xảy ra sự cố chủ yếu vào mùa mưa hoặc trong cơn dông, lốc, bão vào thời điểm các tháng trước và sau mùa mưa. Địa điểm thường xảy ra sự cố là bến sông, bến cảng, ven sông, kênh rạch, các tòa nhà cao tầng…
Những loại cây hay gãy đổ là những cây có hệ thống rễ ăn ngang, những cây có đặc tính cơ lý của thân, cành, nhánh giòn, dễ gãy như bã đậu, bàng, trứng cá, bạch đàn… hoặc những cây có đặc tính tự rụng cành như sao, dầu.
Đồng thời Công ty Cây xanh cũng có kế hoạch đốn hạ thay thế cây sâu bệnh, bọng gốc, nghiêng nguy hiểm, hạ thấp chiều cao đối với cây có rễ ăn ngang, cành nhánh giòn, dễ bật gốc để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.
Một số bạn đọc thắc mắc nếu phát hiện cây xanh trước nhà có sự cố, người dân gọi đến đâu để được xử lý? Ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, trả lời: “1022 là số tổng đài để người dân TP gọi khi có bất kỳ sự cố gì về cây xanh đô thị như ngã, đổ, trốc gốc, gãy cành…”.