Một sớm cuối tháng ba, bà Trần Thị Ngọc bắt xe buýt từ huyện ngoại thành Hoài Đức về quận Cầu Giấy. Trong túi nylon bà mang xuống thủ đô là chai nước đun sôi để nguội, chiếc bánh mì và giấy triệu tập của TAND Hà Nội.
Bà là một trong 5 nạn nhân trong chuỗi vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Nguyễn Thị Yến và đồng phạm dàn dựng.
Tại phiên toà, khi chủ toạ chất vấn, "không có quyền hạn chức năng xin việc, xin sổ đỏ, bằng liệt sĩ và chứng nhận di tích lịch sử, sao vẫn hứa hẹn rồi lừa tiền?", Yến bình thản đáp "Họ đem tiền đến nhờ vả tôi mới giúp. Xong việc, họ bồi dưỡng bao nhiêu tôi biết bấy nhiêu".
Cuối phòng xét xử, các bị hại bức xúc, quay sang nhau khẽ bàn tán. "Có mà vòi tiền người ta rồi lặn mất tăm", bà Ngọc bất bình nói với người ngồi cạnh.
Năm 1981, bà Mến, chị chồng bà Ngọc tham gia quân đội. Giấy báo tử gửi về quê nhà ghi "từ trần", bà Mến không được công nhận liệt sĩ.
Cuối năm 2018, bà Ngọc quen Nguyễn Văn Vững với xưng danh Giám đốc công ty Cổ phần dịch vụ thương binh và bệnh binh Trường Sơn. Ông Vững giới thiệu bà Ngọc với bà Nguyễn Thị Yến, kèm đảm bảo "chắc chắn" giúp có thể xin cho người nhà được công nhận liệt sĩ.
Vài ngày sau, ông Vững cùng đoàn 4 "lãnh đạo" công ty Trường Sơn xuất hiện trước cổng nhà mình trong bộ quân phục. Bà Yến, 65 tuổi, người phụ nữ duy nhất trong số này tự xưng trung tá quân đội về hưu, đang làm trợ lý Giám đốc công ty Trường Sơn, quan hệ rộng.
Bà Yến đảm bảo có thể "chạy" chứng nhận liệt sĩ, đổi lại bà Ngọc phải trả "chi phí phục vụ". Bà Ngọc thoáng phân vân do dự vì không biết gì về lai lịch của bà Yến. Nhủ mình không đặt niềm tin dễ dàng, vợ chồng bà Ngọc họp anh em trong nhà để cùng bàn bạc.
"Cố thêm một lần, không được nữa thì thôi", họ thống nhất, xác định đây là hy vọng cuối cùng. Từ đấy, đôi ba ngày, bà Yến lại viện cớ cần chi phí lo việc, đến tìm bà Ngọc. "Có hôm 8h tối, tự nhiên Yến vào nhà, bảo đưa gấp 8 triệu, 10 triệu đồng để mai mua vé tàu xe, đi Sơn La, Lào Cai lấy hồ sơ thất lạc".
Sau nhiều lần đưa tiền nhưng chưa thấy công việc tiến triển, ngày 26/11/2018, bà Ngọc yêu cầu bà Yến làm giấy biên nhận số tiền đã nhận của gia đình bà, tổng 85 triệu đồng. Bà Yến viết tay cam kết, hẹn 30/12/2018 không làm xong sẽ hoàn trả tiền cho bà Ngọc.
"Nếu sai, công ty chúng tôi sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và gia đình", Yến viết cuối giấy biên nhận, kèm chữ ký của Vững và hai con dấu của Công ty Trường Sơn.
Sát ngày hẹn không thấy Yến liên lạc, bà Ngọc bắt đầu sốt ruột gọi điện và nhận câu trả lời của Yến, giọng điệu đã khác hẳn mọi lần. "Em giục ít thôi, tôi đang làm. Tôi lo nhiều việc, không phải việc của riêng em. Giục nhiều, tôi dỗi không làm nữa đâu". Trong khi đó, Vững vấn trấn an bà Ngọc, "cứ yên tâm, Yến nói là làm được"
Ba hôm sau, số điện thoại của cả Yến và Vững "không thể liên lạc được". Bà Ngọc biết mình bị lừa, nhờ con gái chở xe máy lên tận công ty Trường Sơn bên huyện Quốc Oai, tìm hai người này. Công ty khoá cửa. Chính quyền địa phương cho bà biết, thời gian qua nhận nhiều đơn tố cáo Yến và Vững vì hành vi lừa đảo.
Bà Ngọc lặng người, không biết làm gì hơn các bị hại khác, về nhà viết đơn tố cáo.
Cáo trạng xác định, ông Vững là Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ thương binh và bệnh binh Trường Sơn, rủ bà Yến về làm việc từ tháng 4/2018. Tháng 6/2018, hai người đến gặp gia đình bà Ngọc.
Bà Yến và ông Vững nhiều lần yêu cầu bà Ngọc đưa tiền, hứa hẹn đến 30/12/2018 không làm được sẽ hoàn tiền. Nhận tổng cộng 85 triệu đồng, họ đã chiếm đoạt toàn bộ để chi tiêu cá nhân, nhà chức trách cáo buộc.
Từ tháng 5/2018 đến tháng 12/2018, hai bị cáo còn thực hiện 4 vụ lừa đảo khác liên quan xin việc, xin cấp sổ đỏ, cấp chứng nhận di tích lịch sử. Tổng tiền chiếm đoạt của 5 bị hại gần 2,8 tỷ đồng. Người bị lừa nhiều nhất là sư trụ trì một ngôi chùa tại huyện Thanh Oai, với hơn 2 tỷ đồng.
Tại phiên xét xử, bị cáo Yến ban đầu phủ nhận có ý định lừa đảo, khai "xuất phát từ động cơ tốt, muốn giúp đỡ anh đồng đội" và chỉ nhận tiền bồi dưỡng tuỳ tâm. Bị cáo giải thích do thời gian chờ đợi giải quyết thủ tục hành chính kéo dài nên không thể thực hiện đúng cam kết.
"Các cơ quan nhận hồ sơ còn phải đợi 45 ngày để xử lý. Tôi làm thế nào được mà họ cứ giục", bà Yến cãi. "Không làm được việc sao không trả lại tiền cho họ?", chủ toạ hỏi. "Đây là năm vận hạn của tôi nên làm việc gì cũng không thành. Giờ tôi phải gánh nạn", bà Yến bao biện quanh co, bị chủ toạ ngắt lời, yêu cầu trả lời đúng trọng tâm. Bị cáo suy nghĩ lúc lâu rồi đáp "đang chạy tiền trả thì bị kiện".
Trong khi đó, bị cáo Vững khai chỉ làm theo kế hoạch của Yến, chỉ được chia tổng cộng 25 triệu đồng. Bị cáo nói chỉ học hết lớp 5, không có hiểu biết pháp luật, "Tôi nghĩ con dấu nó như củ khoai, Yến bảo tôi đóng dấu vào giấy gì thì tôi đóng", bị cáo khai.
Đại diện VKSND Hà Nội đánh giá hành vi của bị cáo Yến và Vững là nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh xã hội và các giá trị đạo đức, nhân văn. Theo kiểm sát viên, bị hại đều là những người dân quê chân chất, thật thà, thiếu hiểu biết, sống dựa vào niềm tin lẫn nhau. "Tuy số tiền thiệt hại không nhiều, nhưng với bị hại là gia tài lớn, tiết kiệm nhiều năm, nên ảnh hưởng nặng nề tâm lý và cuộc sống", ông đánh giá.
Nhất trí quan điểm này và xem xét các tình tiết giảm nhẹ, HĐXX tuyên hai bị cáo phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo điểm a, khoản 4, điều 174 Bộ luật Hình sự. Bị cáo Yến bị phạt 14 năm tù, do là chủ mưu, giữ vai trò chính trong vụ án. Ông Vừng là đồng phạm, vai trò thấp hơn, bị tuyên 11 năm tù.
Vị trụ trì yêu cầu Yến bồi thường, do 2 tỷ đồng trên là tiền công đức của dân làng trong nhiều năm để xây chùa, đồng thời xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Yến "luật nhân quả là hình phạt nghiêm khắc nhất". Còn bà Ngọc nói, chỉ tin vào pháp luật, mong mức án này đủ khiến hai kẻ lừa đảo quay đầu hoàn lương.
* Tên nạn nhân đã thay đổi
Thanh Lam
Xem thêm: lmth.3064624-oad-aul-ab-nad-iougn-auc-tam-ort-us/ten.sserpxenv