Lại tranh cãi quanh quyền phân bổ 2.800 tỉ đồng cho ngành đường sắt
Lan Nhi
(KTSG Online) - Xung quanh việc cơ quan nào – Cục Đường sắt hay Tổng công ty đường sắt Việt Nam (TCT ĐSVN) – có quyền giao vốn nhà nước, ký hợp đồng đặt "hàng bảo trì với 20 doanh nghiệp bảo trì đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và TCT ĐSVN đang “đấu tố” nhau kịch liệt.
Trong khi các cơ quan tranh cãi nhau về quyền phân bổ số tiền 2.800 tỉ đồng phí bảo trì đường sắt thì 20 doanh nghiệp bảo trì khốn đốn vì chưa ký được hợp đồng. Ảnh:TL |
“Đẩy doanh nghiệp đến nguy cơ phá sản, nguy cơ triệt tiêu hoạt động vận tải đường sắt trong hệ thống GTVT”, đó là những từ ngữ rất mạnh, được in đậm trong văn bản có nội dung khẩn thiết của TCT ĐSVN gửi Thủ tướng Chính phủ hôm 12-4, báo cáo Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc trong việc giao vốn và thực hiện bảo trì vốn bảo trì đường sắt năm 2021. Thậm chí, văn bản này của TCTĐSVN còn “tố” Bộ GTVT đẩy ngành đường sắt vào tình trạng khó có thể trụ vững đến hết tháng 4-2021.
Lý do gì dẫn đến việc một tổng công ty từng trực thuộc Bộ GTVT quản lý hàng chục năm qua, mới chuyển qua Ủy ban quản lý vốn Nhà nước (CMSC) từ năm 2018 đến nay đã “đấu tố” cơ quan quản lý cũ đến mức đó?
Vấn đề xuất phát từ chuyện, từ năm 2019 trở về trước, Bộ GTVT là đơn vị quản lý trực tiếp TCTĐSVN, doanh nghiệp được nhà nước giao dự toán hằng năm khoảng 2.800 tỉ đến 3.000 tỉ đồng để duy tu, bảo dưỡng hạ tầng đường sắt. Doanh nghiệp này lại đặt hàng 20 công ty con là các công ty cổ phần thực hiện nhiệm vụ cho đến hết năm 2019. Đến đầu năm 2020, Bộ GTVT không thể giao dự toán cho tổng công ty được nữa vì vướng Điều 49 của Luật ngân sách nhà nước (Bộ chỉ giao dự toán và đặt hàng các doanh nghiệp thuộc bộ). Trong khi đó, TCTĐSVN không phải doanh nghiệp thuộc bộ nữa.
Đến đầu năm 2020, do không giải ngân được số tiền này, TCTĐSVN đã lên tiếng kêu cứu và đến tháng 4-2020, để giải quyết những khó khăn trong quá trình chuyển tiếp giữa các cơ quan quản lý và quy định của luật, Thủ tướng đã ra Nghị quyết đồng ý giao vốn bảo trì 2.800 tỉ đồng của năm 2020 cho TCTĐSVN thực hiện như những năm trước.
Song, từ năm 2021 trở đi thì Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Bộ GTVT chấp bút, trong đó có phần liên quan trực tiếp đến vấn đề tài chính là “Giao dự toán bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia” thì cả Bộ Tài chính và Bộ GTVT đều thống nhất quan điểm: việc bảo trì phải thực hiện theo Luật ngân sách, nghĩa là giao dự toán 2.800 tỉ nói trên cho TCTĐSVN là không phù hợp với quy định. Mà số tiền này đề xuất giao cho Cục ĐSVN quản lý, sử dụng nhằm đảm bảo đúng quy định. Hay nói khác đi là Cục ĐSVN (trực thuộc Bộ GTVT) sẽ giao 2.800 tỉ đồng đặt hàng 20 CTCP ngành đường sắt duy tu, bảo dưỡng hạ tầng.
TCTĐSVN lại không muốn điều này. Lý do doanh nghiệp đưa ra là nên giao cho TCT số tiền này từ năm 2021 trở về sau, thay vì giao cho đơn vị quản lý trung gian là Cục đường sắt với lý do: “Khi thực hiện nhiệm vụ bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt phải luôn gắn với công tác điều hành chạy tàu vì kế hoạch duy tu phụ thuộc vào biểu đồ chạy tàu”.
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV TCTĐSVN, cho rằng: “Cơ quan quản lý nhà nước không trực tiếp quản lý, khai thác, kinh doanh tài sản mà chỉ thực hiện đúng các chức năng về quản lý nhà nước như hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch và kiểm tra, giám sát”. Doanh nghiệp này khẳng định rằng Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt, trong đó có việc giao dự toán là phá vỡ tính thống nhất giữa các hoạt động quản lý, bảo trì với công tác đảm bảo chạy tàu và kinh doanh vận tải, đẩy doanh nghiệp đến nguy cơ phá sản...
Nói tóm lại là đến lượt doanh nghiệp quyết đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT tiếp tục giao dự toán nguồn bảo trì đường sắt giai đoạn 2021 trở về sau cho TCT như những năm trước. Vì bên nào cũng đòi quyền phân dự toán ngàn tỉ nói trên về phía mình nên đến nay, các cuộc họp giữa Cục đường sắt với TCTĐSVN và 20 doanh nghiệp được đặt hàng không thể đi đến thống nhất, dù số tiền 2.800 tỉ từ ngân sách đã sẵn sàng.
TCT ĐSVN không cho 20 công ty bảo trì đường sắt thương thảo hợp đồng vì cho rằng, TCT giữ trên 51% số vốn điều lệ của doanh nghiệp nên theo quy định của Luật doanh nghiệp, khi ký hợp đồng có giá trị trên 35% giá trị tài sản doanh nghiệp thì người đại diện phần vốn của TCT tại doanh nghiệp phải xin chủ trương của Hội đồng thành viên TCTĐSVN và phải thông qua ĐHĐCĐ công ty. Mà TCTĐSVN lại chưa chấp thuận cho 20 doanh nghiệp ký hợp đồng đặt hàng với Cục đường sắt.
Với những tranh cãi này, đến nay các doanh nghiệp bảo trì chưa có kinh phí để mua vật tư đưa vào công trình, chi thường xuyên và trả lương cho người lao động, đe dọa đến sự an toàn cho ngành đường sắt.
Xem thêm: lmth.tas-gnoud-hnagn-ohc-gnod-it-0082-ob-nahp-neyuq-hnauq-iac-hnart-ial/425513/nv.semitnogiaseht.www