Giai thoại kể có lần Cao chửi vua (Tự Đức) bằng câu đối: “Bỉ viết cẩu, thử viết cẩu, bỉ thử diệc viết cẩu” (Bên này chó, bên kia chó, tất cả đều là chó). Vua căm lắm nhưng không có cớ nào khép tội. Từng làm quan nhưng lên xuống thất thường, từng vào tù ra tội bị đòn roi, bị đi đày... thuở hàn vi sống cùng “dân đen” nên Cao thấu hiểu tình cảnh cơ cực cũng như khát vọng cháy bỏng của những con người “dưới đáy”.
Những điều ấy lý giải hành động Cao đứng dậy cùng “dân đen” khởi nghĩa chống lại triều đình rồi thất bại như là lẽ đương nhiên. Nhưng lịch sử khẳng định Cao là lãnh tụ khởi nghĩa dám chống lại bất công cường quyền phản động.
Bài ca ngắn “Đi trên bãi cát”! |
Trong cấu trúc nhân cách một thi sĩ, trước hết phải là một tâm hồn nhạy cảm, giàu trắc ẩn. Cao là như vậy. Nhìn thấy “Chú bé chăn bọ ngựa” (tên một bài thơ), Cao thấy đau xót và liên tưởng đến thân phận người dân cũng như phận con bọ ngựa kia: “Buộc nó bằng sợi dây/ Sợi dây quấn chằng chịt/ Nó chết trên cành cây…/ Người dắt dân ta hỡi!/ Xét kĩ trên lông mày” (Hoàng Trung Thông dịch).
Ở bài “Bệnh trung” Cao tự nhận mình là một “hủ nho”: “Là một hủ nho thân tàn mà chưa chết/ Cố gượng mang bộ xương mòn còn phải nhờ người nâng hộ/ Nép mình giữa khoảng trời đất, thương nỗi bàn tay cô đơn/ Ngoảnh nhìn con đường mây khói, chí cả chưa được vẫy vùng/ Biết bao giờ được trở về yên trong tổ như chim én/ Một ngày kia lại thẹn với đàn quạ xám đậu trong vườn tươi tốt/ Chú bé không hiểu cái bệnh Duy Ma của ta/ Cứ hỏi đai lưng có gầy đi nhiều không?” (bản dịch nghĩa).
Cao mơ mình được là con chim én được trở về cái tổ ấm áp của mình. Nhưng tại sao lại “thẹn với đàn quạ”? Căn cứ nội dung và xuất xứ thì bài này Cao làm khi ở Huế (Viện Hàn lâm), thời gian Cao bệnh nhiều, cả thân bệnh và tâm bệnh mà tâm bệnh nhiều hơn.
Bài thơ giản dị, chỉ khó hiểu ở câu “Một ngày kia lại thẹn với đàn quạ xám đậu trong vườn tươi tốt”. “Đàn quạ” là biểu trưng cho kẻ xấu, cơ hội, tham lam. Tại sao lại thẹn với chúng? Đây là một ẩn dụ, có thể hiểu cả câu là một ngày kia (ta) lại thẹn với những kẻ cơ hội đang ở trong môi trường thuận lợi (vườn tươi tốt).
Thì ra Cao tự xấu hổ với mình là chưa thể hiện được ý chí hoài bão để rồi có ngày lại thẹn với kẻ cơ hội đố kỵ, kèn cựa với mình. Cao đã nung nấu thật sâu sắc về thân phận kẻ sĩ, về trách nhiệm và bổn phận cá nhân. Cao đã mắc cái bệnh khó chữa vì thương chúng sinh như Vương Ma Cật (Duy Ma) nên người đời (chú bé) đâu có hiểu!
Nhưng chúng ta thì thấy Cao vĩ đại ở khát vọng đem tài năng của mình phụng sự cuộc đời với mục đích tìm thái bình, ấm no cho dân lành. Thế nên dễ hiểu Cao phủ nhận mình, tiếc cho mình: “Đáng phàn nàn cho ta chỉ đóng cửa mà gọt rũa câu văn/ Lải nhải nhai lại từng câu từng chữ/ Khác nào con sâu đo muốn đo cả đất trời” (“Đề sau khúc Yên Đài anh ngữ của Đô sát họ Bùi”).
Cao ví mình như con sâu, giễu mình chỉ biết nhai văn nhá chữ chẳng có gì ghê gớm mới mẻ thế mà lại có tham vọng quá lớn “muốn đo cả đất trời”. Phải bản lĩnh lắm, hiểu biết nhiều lắm mới có lối tự trào như vậy. Văn nhân thời hiện đại mấy ai dám tự nhận mình như thế!?
Cao tự ví mình như con chim ri bé nhỏ: “Cười cho tôi phận nhỏ như chim ri mà vẫn chưa yên tổ/ Đường làm quan (như giấc mơ) ít ai tỉnh sớm” (“Tiễn ông bạn họ Nguyễn về làng”). Ở câu sau Cao tự thanh minh cho mình: Bị mê hoặc bởi con đường làm quan nên ít ai tỉnh ngộ. Bản thân ta cũng chỉ tầm thường thế thôi!
Cao tự trào cả hoàn cảnh mình vừa đáng cười vừa đáng ái ngại qua đôi câu đối dán trước nhà thời dạy học ở Quốc Oai (giai thoại): “Nhà trống ba gian, một thầy, một cô, một chó cái/Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi”. Cái tự trào đau xót, đặt mình vào phận cũng chỉ như con chó cái mà thôi. Câu đối này có thể là của dân gian “họa” lại theo phong cách Cao. Âu cũng là sự quý mến nhà thơ mà “sáng tạo” ra vế đối ấy, nhưng qua đó cũng cho thấy tính hay tự cười mình của Cao về gia cảnh chẳng có gì là khá giả.
Trong bài “Ngày Thanh minh họa thơ Trần Ngộ Hiên” rất rõ một tâm trạng phẫn uất, buồn phiền: “Việc đời dằng dặc mấy cuộc thịnh suy/ Thời tiết đến nhanh, đêm nay ai chẳng chạnh lòng?”. Cao làm bài này khi đang lênh đênh trên biển, nhìn thấy cái trập trùng mịt mù của biển khơi mà liên tưởng đến việc đời chìm nổi thịnh suy. Trong hoàn cảnh ấy thì buổi đêm đến càng thêm “chạnh lòng”. Mối sầu như nặng nề hơn: “Mối sầu kim cổ lẫn cả vào ngọn nước lên xuống”.
Cao ngẫm mà cười chim tinh vệ, cười Ngu công uổng mình vào việc không đâu: “Chỉ tổ nhọc chim tinh vệ ôm hận mà tha đá/ Đáng cười Ngu công đã già mà vẫn mải việc dời núi”. Thực ra là Cao cười mình cũng chỉ như chim tinh vệ và Ngu công mà thôi, cũng đang nhọc lòng mải theo đuổi những chuyện quan trường không đâu! Điều này chứng minh Cao khởi nghĩa không hề tự phát mà đã nung nấu từ lâu, như ở bài thơ này.
Với triều đình, khi đang làm quan, một lần qua tỉnh Quảng Trị, Cao phê phán thẳng thói ăn chơi xa hoa, nạn tham nhũng của lũ vua quan bóc lột: “Nghe đồn xe sáu rồng gần đây ghé qua chơi/ Ngoài hành cung Mỹ Xuyên lại có hành cung mới nữa” (“Qua tỉnh Quảng Trị”). “Xe sáu rồng” là xe không chỉ có vua mà còn chở nhiều quan đầu triều nữa. Dân thì chết đói mà triều đình lại còn xây thêm “hành cung mới”!
Mượn hình ảnh con chuột nhà thơ lên án kẻ đục khoét lương dân thật độc ác: “Bao đau khổ cay đắng ta mới dựng nên nhà/ Bao vật dụng mới sắm sao không tiếc/ ...Ta cảnh báo bọn chuột chớ ăn vụng bừa bãi/ Vì hám lợi không phải chước lâu dài” (Phù hạ thử). Lũ chuột ấy chẳng qua cũng là lũ quan lại triều đình kia!
Hai câu thơ sau là sự tương phản hình ảnh để bật ra cái ý chí kẻ anh hùng: “Không nghe tiếng hạc ốm kêu ở đền cổ/ Vì đâu có con rồng bướng đang trỗi dậy ở nửa sườn non?/ Cũng nên vác sáo chơi chợ trời/ Cười hỏi các vùng trời còn mấy trùng xa?” (“Chùm thơ viết ở Sài Sơn”. Bài bốn).
Cao thường tự nhận mình như con hạc ốm trong hang núi nhưng ở đây lại ví mình như con rồng bướng. Điển cố trong sách “Mão đình khách thoại” viết rồng bướng (quai long) không chịu làm mưa, Trời sai Thiên Lôi lùng bắt trị tội liền loè ra tia chớp khiến Thiên Lôi phải sợ. Phải chăng Trời quyền lực và Thiên Lôi tay sai hung hãn cũng như là vua và cái triều đình đen tối (nhà Nguyễn) ấy?
Còn Cao muốn vác sáo lên chợ trời! Sách Phật viết ba cõi Phật có hai mươi tám vùng trời. Cao muốn lên đó thổi sáo chơi! Cũng chả cần biết còn mấy vùng trời bao xa nữa…! Câu thơ có phần “hư vô chủ nghĩa” nhưng lại nói được cái ngạo nghễ và khao khát tự do của chủ thể.
Đây là những hình ảnh đối lập về thân phận: “Đành rằng đây là chỗ chim hạc phải sống chung với gà” (“Ông Đoàn Tính lúc sắp lên đường nâng chén từ biệt…”). Đối lập kẻ đầy hoài bão và kẻ tầm thường: “Anh chẳng thấy chim hồng chim hộc bay tít tận mây xanh/ Chim hạc đen ngủ một mình bên sườn núi/ Những con chim vàng thì về chỗ kiếm ăn…” (“Bài ca làm trong tiệc rượu nhà Tuần phủ Đông Tác”).
Cao khát khao được như con chim hồng chim hộc kia! Nên dễ hiểu, có lần Cao “hỏi” con ễnh ương, thực ra cũng là hỏi mình cái khẩn thiết một sự thay đổi xã hội: “Ễnh ương có biết vì dân không?/ Kêu vang nơi bụi rậm/ Ễnh ương sao mi kêu quá chậm/ Trông mưa đêm qua bao người hồi hộp chờ mong” (“Hỏi ễnh ương”). Người dân chờ một trận mưa, cũng là “mong chờ” sự thay thời đổi thế!
Thì ra những con vật ấy, dù to lớn hay bé nhỏ là để nói tâm trạng, về lý tưởng hoài bão của Cao! Nhà thơ từng muốn lánh đời: “Nghiêng cánh nhạn tếch mái rừng Nhan, Khổng…”. Nhưng ý chí ấy thì đúng là: “Song nghĩ lại trần ai không đếch chỗ…”. Các chữ “tếch”, “đếch” suồng sã thông tục mới đúng là Cao, muốn suồng sã với mọi giáo lý cứng nhắc, với cả “trần ai”... để xoay lại đất trời!!!
Nguyễn Thanh TúXem thêm: /384736-al-cahk-ueil-iht-gnuhn/aoh-nav-ueil-uT/nv.moc.dnac.acnv