Giới tỷ phú ở châu Á vừa mới nhảy vào lĩnh vực SPAC, nhưng cơn sốt SPAC dường như đã bắt đầu hạ nhiệt ở Phố Wall – hãng tin Bloomberg cho hay.
Về bản chất, SPAC - công ty mua lại có mục đích đặc biệt (special-purpose acquisition company) - là một công ty rỗng được các nhà đầu tư lập nên với mục đích duy nhất là huy động vốn thông qua một vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) để cuối cùng thâu tóm một công ty khác. Công ty mục tiêu khi sáp nhập với SPAC sẽ trở thành công ty đại chúng mà không cần tiến hành một vụ IPO như bình thường.
Trong năm 2020 và đầu năm nay, thị trường SPAC chứng kiến tăng trưởng nóng. Từ đầu năm, tại Mỹ có 326 vụ IPO của các SPAC, huy động tổng cộng 101 tỷ USD. Trong năm 2020, có khoảng 200 SPAC lên sàn chứng khoán ở Phố Wall, huy động được tổng cộng 83,4 tỷ USD, một con số kỷ lục tính đến thời điểm đó.
Giờ đây, thị trường SPAC đang chững lại mạnh mẽ do nút thắt về quy chế giám sát. Một loạt kế hoạch chào sàn của các SPAC bị đình lại, trong đó có một số kế hoạch của các công ty đầu tư và tỷ phú đến từ châu Á.
Gateway Strategic Acquisition Co., được hậu thuẫn bởi Gaw Capital Advisors Ltd., Artisan Acquisition Corp., được chống lưng bởi New World Development Co., và Hony Capital Acquisition Corp. là vài trong số những SPAC châu Á đang chờ niêm yết ở Mỹ.
Những SPAC này nộp hồ sơ IPO cách đây hai tuần, đồng nghĩa với việc họ đã có thể phát hành cổ phiếu, nhưng đến giờ họ vẫn chưa tiến hành. Nguồn thạo tin nói rằng các SPAC này đang chờ cho tới khi tâm lý trên thị trường được cải thiện.
Tuần trước, Ủy ban Chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC) dội một gáo nước lạnh vào bữa tiệc SPAC bằng cách đề xuất quy định mới rằng chứng quyền – loại chứng khoán được phát hành cho những nhà đầu tư sớm tham gia thỏa thuận – có thể sẽ không được coi là công cụ chứng khoán và mà thay vào đó có thể xem là nghĩa vụ nợ trong quá trình kế toán. Động thái này của SEC đe dọa gây gián đoán các vụ chào sàn của SPAC cho tới khi vấn đề được giải quyết.
Đề xuất quy định mới của SEC được đưa ra vào một thời điểm không thể tệ hơn đối với các doanh nhân châu Á đang có kế hoạch tham gia vào lĩnh vực SPAC. Ngoài những SPAC châu Á chờ IPO ở Mỹ, nhiều doanh nhân châu Á như tỷ phú giàu nhất Hồng Kông Lý Gia Thành đang có kế hoạch mở SPAC.
Động thái của SEC "chắc chắn sẽ khiến quá trình IPO tại Mỹ của các SPAC đến từ châu Á và các khu vực khác trên thế giới có thể bị kéo dài hơn do các nhà phát hành phải đánh giá ảnh hưởng", chuyên gia Thomas Vita thuộc công ty luật toàn cầu Norton Rose Fulbright phát biểu.
Từ đầu năm đến nay, các SPAC châu Á đã huy động được 3,1 tỷ USD, vượt số tiền mà các SPAC từ khu vực này huy động được trong cả năm 2020.
Tuy nhiên, sự giảm nhiệt của thị trường SPAC chưa hẳn đã là tin xấu, nếu xét đến bản chất giống bong bóng của mô hình này. Ông Robson Lee, chuyên gia từ Gibson Dunn, cho rằng làn sóng SPAC niêm yết ở Mỹ không hề đảm bảo cho việc sáp nhập thành công với những công ty mục tiêu, và đây dường như là một hiện tượng của "cơn điên" trên thị trường tài chính.
Nhà chức trách Mỹ cũng đã cảnh báo với các SPAC rục rịch IPO ở nước này rằng cấu trúc SPAC không phải là một "đường vòng" để né tránh việc phải công bố những thông tin quan trọng với nhà đầu tư. Nếu phải công bố thông tin như một vụ IPO truyền thống, thì việc niêm yết một công ty thông qua sáp nhập với SPAC sẽ không còn nhiều sức hấp dẫn.
"Thật thú vị khi chờ xem Mỹ sẽ ra quy chế giám sát mới như thế nào đối với SPAC. Các cơ quan chức năng và sàn giao dịch ở châu Á sẽ theo dõi chặt chẽ việc này", chuyên gia Johannes Juette thuộc công ty luật Clifford Chance nhận định.
Xem thêm: mth.69102035191401202-llaw-ohp-o-teihn-maig-uad-tab-caps-tos-noc/nv.ymonocenv