Các ca nhiễm ở nước này tăng đột biến từ đợt bùng phát tháng 2. Hai tháng qua, Campuchia có 43 người chết vì dịch.
Thời điểm hiện tại có hơn 1.000 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các bệnh viện và đây đã là năng lực chữa trị tối đa của các bệnh viện. Ngày 18-4, Campuchia đã tận dụng hai trung tâm tiệc cưới làm bệnh viện dã chiến. Trước đó, một khách sạn không còn khai thác ở Phnom Penh được chuyển đổi thành một bệnh viện 500 giường. Từ ngày 6-4, Thủ tướng Hun Sen chỉ đạo các quan chức ngành y tế chuẩn bị cho khả năng chữa trị bệnh nhân COVID-19 ngay tại nhà.
Làn sóng dịch mới ở Thái Lan đã lan ra hơn 70 tỉnh. Ảnh: EPA-EFE
Tình hình Thái Lan còn tệ hơn sau khi hứng làn sóng dịch thứ ba từ đầu tháng 4, với kỷ lục tới 1.767 ca nhiễm mới và thêm hai người chết trong ngày 18-4, theo Tân Hoa Xã. Rất đáng lo là hầu hết trong số ca nhiễm này đều là nhiễm nội địa, trong cộng đồng (1.765 ca), chỉ có hai ca nhiễm nằm trong khu cách ly.
Hiện làn sóng dịch mới đã lan ra tới hơn 70 tỉnh ở Thái Lan. Tổng số ca nhiễm ở nước này tính đến ngày 18-4 là 42.352 với 101 người chết. Tình hình này buộc chính phủ Thái Lan phải thực hiện nhiều biện pháp ngăn đà lây như đóng cửa trường học, cấm tụ tập từ 50 người trở lên, cấm bán và uống rượu… trong ít nhất hai tuần. Nhiều khả năng Thái Lan cũng phải hoãn kế hoạch đón lại khách quốc tế.
Trong khi đó, tình hình tại Ấn Độ cũng thêm báo động khi nước này ghi nhận con số kỷ lục 261.500 ca nhiễm mới trong ngày 18-4. Ấn Độ hiện là nước có số ca nhiễm cao thứ hai thế giới với hơn 15 triệu ca, trong đó gần 179.000 người đã chết.
Nước có dịch nặng nhất thế giới vẫn là Mỹ với hơn 32,4 triệu ca nhiễm, trong đó hơn 581.000 người chết tính đến ngày 19-4. Tuy nhiên, Mỹ cũng là nước có tỉ lệ dân được tiêm vaccine cao nhất thế giới tính đến lúc này - 50,4%, tương đương 130 triệu dân từ 18 tuổi trở lên.
Tính đến ngày 19-4, COVID-19 đã lây nhiễm hơn 142 triệu người trên toàn cầu, trong đó hơn 3 triệu người đã chết.