Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte - Ảnh: REUTERS
Ông Duterte nói công chúng có thể yên tâm rằng ông sẽ khẳng định các yêu sách của Philippines đối với nguồn tài nguyên dầu mỏ và khoáng sản ở Biển Đông.
Trước đó có một số nhà phê bình cho rằng ông Duterte mềm mỏng khi từ chối thúc ép Bắc Kinh tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài ở Biển Đông.
"Nếu Trung Quốc bắt đầu khoan dầu ở đó, tôi sẽ nói với họ đó có phải một phần thỏa thuận của chúng ta không? Nếu đó không phải một phần của thỏa thuận, tôi cũng sẽ khoan dầu ở đó", ông Duterte nói trong một bài phát biểu trước công chúng vào tối 19-4.
Theo hãng tin Reuters, ông Duterte nhắc lại rằng ông muốn tiếp tục làm bạn với Bắc Kinh.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp năm 2019 tại Bắc Kinh - Ảnh: REUTERS
Tổng thống Philippines đã tìm cách xây dựng liên minh với Trung Quốc và không muốn đối đầu với nước này. Trung Quốc đã đầu tư vào Philippines và cho vay hàng tỉ đô la.
Ông Duterte nhiều lần nói rằng Philippines bất lực trong việc ngăn chặn Trung Quốc, đồng thời việc thách thức các hoạt động của Bắc Kinh có thể dẫn tới một cuộc chiến mà đất nước của ông sẽ thua.
Ông Duterte cũng nói không có cách nào để Philippines thực thi phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 mà "không đổ máu". Phán quyết năm đó được xem là bước ngoặt, nêu rõ các quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Philippines đã gửi một số công hàm ngoại giao phản đối hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, với cáo buộc mới nhất nói Trung Quốc thực hiện hành vi đánh bắt trái phép và đưa 240 tàu thuyền vào lãnh hải của Philippines.
TTO - Hình ảnh vệ tinh của Mỹ trưa 17-4 cho thấy nhóm tàu sân bay Trung Quốc đang cách bờ biển thành phố Quy Nhơn khoảng 300km về phía đông bắc. Hôm nay là ngày thứ bảy tàu sân bay Trung Quốc tiến vào Biển Đông tập trận.