Hôm 19-4, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố lệnh trừng phạt nhằm vào 10 quan chức quân đội Myanmar và hai tập đoàn có liên hệ với lực lượng quân đội nước này, kênh Channel News Asia đưa tin.
Tuyên bố chung của các thành viên EU viết rằng các cá nhân bị trừng phạt "phải chịu trách nhiệm về hành động phá hoại nền dân chủ và pháp quyền ở Myanmar, cũng như các quyết định đàn áp người biểu tình và vi phạm nhân quyền nghiêm trọng". Tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp trực tuyến của các bộ trưởng ngoại giao các nước thành viên EU.
Theo tuyên bố của EU, hai tập đoàn bị đưa vào danh sách đen là Myanmar Economic Holdings Public Company Limited (MEHL) và Myanmar Economic Corporation Limited (MEC). Đây là những thực thể "thuộc sở hữu và kiểm soát của quân đội Myanmar (Tatmadaw) và cung cấp doanh thu cho lực lượng này".
Cũng theo tuyên bố, các cá nhân bị trừng phạt sẽ được nêu đích danh trên công báo của EU. Tính từ thời điểm đó, lệnh trừng phạt của EU sẽ chính thức có hiệu lực.
Việc trừng phạt thêm hai cá nhân Myanmar đã nâng tổng số cá nhân Myanmar bị EU trừng phạt lên 35 người. Những cá nhân này bị cấm đi lại và đóng băng tài sản.
Các nhà ngoại giao EU cho biết những quan chức Myanmar bị trừng phạt chủ yếu là thành viên của Hội đồng hành chính nhà nước - cơ quan do lực lượng quân đội Myanmar lập ra sau cuộc chính biến.
Cảnh sát Myanmar phun vòi rồng đàn áp người biểu tình. Ảnh: SKY NEWS
Tuyên bố cho biết các nước EU đã đoàn kết trong việc "lên án các hành động tàn bạo của chính quyền quân sự" và nhằm mục tiêu mang lại sự thay đổi trong cách lãnh đạo của chính quyền quân đội.
Theo tuyên bố, thông điệp gửi tới các tướng lĩnh cầm quyền Myanmar là "tiếp tục con đường hiện tại sẽ chỉ mang lại đau khổ nhiều hơn và không bao giờ được công nhận về tính hợp pháp".
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết sau cuộc hội đàm trực tuyến với những người đồng cấp EU rằng chính quyền quân sự đang "đưa đất nước vào ngõ cụt".
Ông nói: "Đó là lý do tại sao chúng tôi tiến hành gia tăng áp lực nhằm đưa quân đội Myanmar vào bàn đàm phán".
Đại diện cấp cao của EU phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell đã đăng trên Twitter: "Sự tàn bạo của quân đội đã dẫn đến những hậu quả rõ ràng".
Trước đó, Mỹ và Anh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hai tập đoàn có liên hệ với quân đội là MEC (Myanmar Economic Corporation) và MEHL (Myanma Economic Holdings Limited). Hai tập đoàn này vốn chiếm lĩnh ở các lĩnh vực bao gồm thương mại, rượu, thuốc lá và hàng tiêu dùng. Bên cạnh đó, Washington cũng đã trừng phạt công ty đá quý nhà nước Myanmar.
Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi quân đội gây chính biến vào ngày 1-2, bắt giữ các nhà lãnh đạo dân sự Myanmar và lên nắm quyền. Biểu tình đã nổ ra khắp nước và lực lượng quân đội đã tiến hành đàn áp người biểu tình khiến hàng trăm dân thường thiệt mạng.