Ngày 19-4, TAND TP.HCM mở phiên phúc thẩm vụ kiện tranh chấp lao động giữa bà Vũ Kim Thu và Bệnh viện (BV) Nhân dân 115.
Đòi bồi thường hơn 62 triệu đồng
Đây là vụ kiện gây tranh cãi về việc người lao động cho rằng bị trù dập vì đã tố cáo hàng loạt sai phạm xảy ra tại BV dẫn đến bị cho thôi việc. Trong khi đó, phía BV cho rằng nguyên nhân do người lao động vi phạm.
Theo hồ sơ, bà Thu làm việc tại Khoa dược BV Nhân dân 115 được 24 năm. Đầu tháng 1-2020, con gái bảy tuổi bị ốm, ho nên bà xin nghỉ tổng cộng chín ngày. Kèm theo đó, bà có bản phôtô sổ khám tại BV Nhi đồng 2 kèm toa thuốc cho Khoa dược và đã được báo cáo cho ban giám đốc.
Tuy nhiên, BV cho rằng bà tự ý nghỉ và không cung cấp được các chứng từ thể hiện có chỉ định “mẹ nghỉ để chăm sóc con ốm” để chứng minh nghỉ là có lý do chính đáng.
Ảnh minh họa
Bà Thu khởi kiện ra TAND quận 10 buộc BV phải thu hồi, hủy bỏ quyết định buộc thôi việc, khôi phục công việc, chức vụ, quyền lợi cho bà theo quy định.
Đồng thời, bà yêu cầu BV phải trả tiền lương cho thời gian bà không được làm việc đến thời điểm đi làm lại, bồi thường tổng cộng hơn 62 triệu đồng.
Suốt quá trình tòa thụ lý, bà cho rằng BV không chỉ vi phạm pháp luật trong việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà còn trù dập bà vì đã tố cáo hàng loạt sai phạm xảy ra tại BV.
Xử sơ thẩm, TAND quận 10 nhận định bà Thu có cung cấp các toa thuốc có chỉ định và chữ ký của bác sĩ chuyên khoa của BV Nhi đồng 2 nhưng không được BV này xác nhận. Bà Thu không cung cấp được giấy xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh mà cho rằng sổ khám, toa thuốc là chứng từ chứng minh việc bà nghỉ có lý do chính đáng.
Trong hồ sơ cũng không có tài liệu nào thể hiện giữa BV và bà Thu có sự thỏa thuận bằng văn bản thể hiện chấp nhận cho bà nghỉ. Đồng thời, tòa cho rằng BV đã bổ sung các chứng cứ thể hiện quy trình xử lý kỷ luật, ra quyết định buộc thôi việc được thực hiện đúng…
Sau đó, bà Thu kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm.
Phía bị đơn muốn hòa giải
Tại phần tranh luận, luật sư (LS) của bà Thu cho rằng BV 115 không có nội quy, quy chế lao động mà chỉ bằng những thông báo, quy định này nọ để điều khiển quản lý. Trong khi theo Bộ luật Lao động, nếu sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì phải có nội quy lao động bằng văn bản và phải đăng ký cho cơ quan có thẩm quyền.
LS cũng chỉ ra mấy ngày trước khi bản án sơ thẩm được ban hành, Nghị định 112/2020 của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực. Nghị định này có hiệu lực bãi bỏ thông tư, nghị định trước đó mà án sơ thẩm đã áp dụng để ra phán quyết.
Theo nghị định mới, không hề có việc buộc thôi việc đối với trường hợp nghỉ không phép mà BV đã áp dụng đối với bà Thu. Đồng thời, nghị định mới quy định có lợi cho người lao động là viên chức cần được áp dụng.
LS cũng phản đối việc BV cho rằng bà Thu “gây hậu quả nghiêm trọng, vì nếu ai cũng nghỉ làm như bà Thu thì sẽ ảnh hưởng công việc BV”. Theo LS, BV đang nói là “sẽ”, không phải là “đã” gây hậu quả nghiêm trọng...
Ngược lại, LS phía bị đơn cho rằng bản án sơ thẩm chỉ đánh giá tính hợp pháp quyết định của BV. Trong khi đó, kháng cáo của nguyên đơn cho rằng quyết định của BV không ủng hộ phụ nữ thực hiện thiên chức thiêng liêng làm mẹ chăm con khi ốm…
Tuy nhiên, LS phía bị đơn cũng đưa ra giải pháp muốn đôi bên tiến hành hòa giải từ khi phiên xử bắt đầu và cung cấp chứng cứ mới tại tòa. Trước đó, nguyên đơn cũng cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ mới để HĐXX xem xét về bảo hiểm y tế của con mình điều trị bệnh có được sau phiên sơ thẩm.
Kết thúc phần tranh luận, đại diện VKS yêu cầu dừng phiên tòa để xem xét các chứng cứ mới nên HĐXX quyết định hoãn xử, sẽ mở lại vào ngày 4-5 tới.