Thơ Nguyễn đã bị xử phạt, video clip “xin vía búp bê để học giỏi” đã bị gỡ bỏ tuy nhiên hiện vẫn còn rất nhiều video clip xấu độc, nhảm nhí vẫn đang tràn lan trên mạng mang đến sự bất an cho cộng đồng, đặc biệt là những phụ huynh học sinh. Bởi lẽ, con em họ có thể hàng ngày, hàng giờ tiếp cận với các video clip này chỉ thông qua một chiếc điện thoại di động.
Video “ám sát” xã hội và giới trẻ
Một điều dễ nhận ra, thời gian vừa qua xuất hiện một trào lưu người người làm video clip, nhà nhà làm video clip đăng tải trên các trang mạng như youtube, tiktok… Điều đặc biệt là, các video clip có nội dung càng giật gân, càng nhảm nhí, càng độc hại lại càng thu hút đông người xem nhất là trẻ em, thậm chí là cả học làm theo.
“Thử làm nhà trên không” là một video clip sau khi đăng tải 2 tuần đã thu hút cả đến hàng triệu lượt người xem. Tuy nhiên, nội dung của video clip này lại khiến người xem không khỏi giật mình thót tim.
Căn nhà trên không do một nam thanh niên làm có khung sắt, vỏ bằng gỗ, sơn màu vàng cheo leo giữa không trung và cách mặt đất lên đến gần chục mét chỉ được nâng đỡ duy nhất bằng một chiếc cột thẳng đứng. Nam thanh niên một mình ngồi trong căn nhà chênh vênh và nói chuyện với các khán giả qua chiếc máy quay.
Video clip “thả 100 cái dao trên cao xuống” có nội dung giật gân, độc hại. |
Rồi lại xuất hiện video clip “thả 100 cái dao trên cao xuống”. Sau vài ngày đăng tải, video này đạt hơn 2 triệu lượt xem. Trong video, một thanh niên gom hơn 100 con dao thành bó lớn, và thả rơi từ sân thượng của nhà mình. Mục tiêu là để thả vào một miếng thịt lợn đặt trên tấm xốp mỏng. Một chậu cá được dọn ra, bên trong chậu cá là lổn nhổn những con cá to bằng cả bắp chân người còn tươi sống đang nhảy tanh tách. Một thanh niên trong nhóm gồm 4, 5 người ngồi quanh chậu cá thản nhiên đưa con cá lên mồm cắn bôm bốp. Những cảnh tượng hãi hùng này chính là những video về ăn cá sống từng được đăng tải trên youtube.
Cao trào của các video clip nhảm nhí, độc hại xuất hiện trên mạng có thể kể đến là các video clip nói về cuộc sống giang hồ của các “hiện tượng mạng” Khá “bảnh”, Huấn “hoa hồng” thu hút hàng triệu lượt xem mỗi lần đăng tải. Các video clip này “hot” đến mức mà điệu múa quạt của Khá “bảnh” trong các video clip được rất nhiều người biết đến, thậm chí cả những em nhỏ chỉ mới 4,5 tuổi cũng biết múa điệu múa quạt của Khá “bảnh”. Và, khi xuất hiện ngoài đời thực, các “hiện tượng mạng” Khá “bảnh, Huấn “hoa hồng” lại được các em học sinh chào đón, tung hô như… những vị anh hùng.
Dư luận từng rúng động khi phải chứng kiến cái chết của một bé gái mới 5 tuổi ở TP Hồ Chí Minh chỉ vì làm theo video hướng dẫn trò thắt cổ trên youtube vào tháng 10/2020. Chỉ vì tò mò mà bé đã lấy chiếc khăn voan có trong nhà và bắt chước làm theo.
Trước đó, tháng 11/2019, bé trai 7 tuổi ở huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh đã làm theo trò “thắt cổ nhưng vẫn thở được” trên mạng xã hội. Khi gia đình phát hiện ra bé thì toàn thân bé tím ngắt, rất may mắn bé đã được các bác sỹ can thiệp kịp thời và không mất mạng. Còn tại Hà Nội, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã từng tiếp nhận cháu M.Đ, 15 tuổi, quê Hải Dương trong tình trạng đa chấn thương do chế thuốc nổ theo video hướng dẫn trên youtube.
Cần thiết phải xử lý hình sự
Rõ ràng những video clip xấu, độc hại đang có những tác động và ảnh hưởng rất lớn đến giới trẻ, đặc biệt là người chưa thành niên, trong đó có cả trẻ em. Dưới góc nhìn của một chuyên gia tội phạm học, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, Phó Giám đốc Trung tâm An ninh phi truyền thống đã chia sẻ quan điểm với Báo CAND về những video clip xấu, độc, nhảm nhí đang tràn lan trên mạng xã hội.
Theo ông, người chưa thành niên (trong đó có trẻ em) ở giai đoạn đầu tồn tại và phát triển của một con người có những đặc điểm riêng biệt về thể chất, trí tuệ, tâm sinh lý; là giai đoạn không có hoặc chưa có khả năng tự bảo vệ trước các yếu tố, nguy cơ xâm hại từ môi trường sống bên ngoài, có các quyền được pháp luật thừa nhận; được xã hội quan tâm chăm sóc, giáo dục và bảo vệ. Tâm lý của lứa tuổi này luôn biến động và chịu ảnh hưởng rất lớn từ môi trường sống xung quanh. Trẻ chưa thể tự phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, đúng đắn về những sự việc, hiện tượng và các mối quan hệ xã hội và thế giới khách quan.
Theo đó, thái độ và hành vi của trẻ em cũng bị chi phối mạnh mẽ từ các yếu tố bên ngoài. Đặc biệt, sự áp đặt của người lớn hoặc xâm hại một cách thô bạo sẽ gây lên những sang chấn tâm lý và những hậu quả tiêu cực đối với sự phát triển của trẻ. Những hình ảnh, thông tin, video clip xấu độc lan tràn trên mạng khi bị tác động sẽ ảnh hưởng rất nặng nề, sâu sắc và lâu dài đến nhận thức, hành vi, nhân cách của các em theo hướng tiêu cực, lệch chuẩn.
Theo PGS. TS Đỗ Cảnh Thìn, hàng loạt sự việc, hiện tượng tiêu cực diễn ra trên không gian mạng mà nhân vật chính thường là những đối tượng có những hành vi phản văn hóa, lệch chuẩn về đạo đức, lối sống, thậm chí là vi phạm pháp luật lại được nhiều người trong giới trẻ tung hô, chào đón, thậm chí coi như thần tượng để bắt chước, làm theo như Khá “bảnh”, Huấn “hoa hồng”, Phúc X.O, “thánh chửi” Minh Tuyền… cho thấy nhiều chuẩn mực đang bị đảo lộn, nhiều giá trị bị thách thức.
Ở lứa tuổi này, các em đang có sự chuyển hóa và biến động mạnh về tâm sinh lý từ đứa trẻ sang người lớn. Các em thường có xu hướng phiêu lưu, khám phá, thích mạo hiểm, dễ bị thu hút bởi những thứ “độc”, “lạ”, “quái”, “dị”… mà không chú trọng phân biệt đúng - sai, xấu - tốt. Các nhà nghiên cứu cho rằng, các em thường ngộ nhận hoặc nhập nhằng giữa khái niệm tự do và hoang dã, chân thật và trơ trẽn, cá tính và quái tính. Ranh giới của những hiện tượng tâm lý - văn hóa này rất mong manh. Nhưng thật không may, những yếu tố tiêu cực thường bị tác động, thu hút giới trẻ mạnh mẽ hơn những yếu tố lành mạnh.
Việc các video clip xấu, độc hay những trang web đen, những vlog nhảm nhí xuất hiện tràn lan trước hết từ bản thân những người làm ra các sản phẩm độc hại đó. PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn cho rằng, hầu hết những người đó có “phông” văn hóa thấp; những người có nền tảng đạo đức, lối sống lệch lạc; thiếu ý thức công dân và ý thức pháp luật. Thứ nữa, đó là lòng tham (lợi ích). Lợi ích có thể đến từ việc trả tiền của các nhà mạng thông qua lượt like, share; qua quảng cáo của các nhãn hàng hoặc tạo sự chú ý, theo dõi để đạt được lợi ích khác như bán hàng online, tiếp thị sản phẩm, thậm chí là những kiểu làm ăn phi pháp khác.
Mặt khác, có những người muốn “nổi tiếng” bằng mọi giá, tạo “số má” trong một cộng đồng nào đó; thích thể hiện sự yêng hùng, hảo hán, ngông nghênh… Chính những điều đó mà họ trở nên bất chấp. Khi lòng tham xuất hiện, người ta luôn tìm cách biện minh bằng nhiều cách khác nhau và theo đó năng lực nhận ra điều tốt cũng dần mất đi và điều xấu dần trở thành hiển nhiên.
Trước câu hỏi có nên hình sự hóa hành vi sản xuất, cung cấp các video có nội dung xấu, độc, nhảm nhí thậm chí là đã có những cái chết thương tâm xảy ra sau khi học làm theo các video clip này, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn cho rằng, điều này các nhà làm luật hẳn cũng cần suy xét. Để hình sự hóa (đưa một hành vi vi phạm pháp luật vào luật hình sự, xác định một tội danh cụ thể) đòi hỏi phải xem xét ở nhiều khía cạnh và cần phải được cơ quan có thẩm quyền (Quốc hội) ban hành. Tuy nhiên, việc xử phạt hành chính (mức phạt, hình thức xử phạt) cũng rất quan trọng trong phòng ngừa, răn đe, giáo dục chung.
Với hiện tượng sản xuất, tán phát các video clip hay những ấn phẩm độc hại như hiện nay, việc xử phạt nhẹ là thiếu thuyết phục. Theo ông, ngoài việc xử phạt hành chính cũng cần có các biện pháp đi kèm như tạo sự lên án, tẩy chay mạnh mẽ trong cộng đồng, giáo dục tại cơ quan, tổ chức, nơi cư trú và cần thiết phải xử lý bằng hình phạt theo qui định của luật hình sự mới có hi vọng phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng này.
Xem thêm: /050836-gnam-nert-nal-nart-ihn-mahn-cod-uax-pilc-oediv-hna-mA/cod-nab-nod-oeht-art-ueid/nv.moc.dnac