- Tái hiện Hà Nội xưa tại Hoàng thành Thăng Long
- Tái hiện gánh hàng rong trên đường phố Hà Nội xưa
- Giới thiệu Hà Nội xưa bên bờ Hồ Gươm, Văn Miếu Quốc Tử Giám
“Một thời Hà Nội hát”, “Hà Nội bảo thế là thường…” - là tập hợp của những góc Hà Nội với muôn mặt tâm tình Hà Nội hoặc xa xăm lãng đãng, hoặc giản dị thường hằng mà Nguyễn Trương Quý đã vẽ lên. Một ngày tháng 4, tôi hẹn Nguyễn Trương Quý ở tầng 4 quán cà phê vắng, nơi có ô cửa sổ đan cài trong vòm lá xanh, tạo ra những khoảng trống vừa đủ để những mái ngói rêu cũ thấp thoáng trong tầm mắt. Anh có vẻ rất thích những mái ngói ấy. Anh chụp ảnh những mái ngói ấy. Và, anh nói về Hà Nội của chúng tôi.
Mỗi thế hệ có một không gian ký ức
- Nhà báo Phan Đăng: Rất đơn giản thôi, thưa nhà văn Nguyễn Trương Quý, bây giờ đi trên phố Hà Nội, anh thường có cảm xúc như thế nào?
- Nhà văn Nguyễn Trương Quý: (Cười...) Nếu mà không nói đến những cảm xúc rất thông thường là phải làm sao để tránh tắc đường, tránh khói bụi thì tôi hay để ý đến những ngôi nhà xung quanh. Tại sao giờ nó lại cơi nới như thế nhỉ? Tại sao trông nó khác thế nhỉ? Ngày xưa mình từng đi học qua và mình nhớ là cái nhà này từng có cây, có cổng, có ban công, giờ nó đi đâu hết rồi? Ở trong mình có những xáo trộn rất nhiều. Mà tôi nghĩ là không chỉ tôi đâu, nói khái quát thì cái cảm xúc bâng khuâng trước những hiện thực cũ - mới luôn thường trực trong lòng nhiều người Hà Nội hôm nay.
- Anh làm tôi nhớ đến một kỷ niệm tuổi thơ, cái thời mà tôi sinh ra và lớn lên ở phố Bà Triệu. Những con phố vẫn thế và những ngôi nhà vẫn thế, chẳng có bất cứ điều gì đặc biệt cả. Nhưng rồi một ngày, tôi đọc sách và biết rằng phố Bà Triệu thời Pháp là phố của những ngôi biệt thự. Thế là tôi nhìn lại chính cái ngõ mà tôi đang sống. Hóa ra toàn bộ cái ngõ ấy trước đây là không gian của một ngôi biệt thự tuyệt đẹp nhưng bây giờ thì ngôi biệt thự đã được chia năm xẻ bảy và từng hộ gia đình chúng tôi đã chen chúc, cơi nới, tận dụng, tranh chấp đủ mọi không gian ở đó để mà sinh hoạt. Tôi nhìn kỹ những cái ngõ nhà hàng xóm và thấy tình trạng nhếch nhác y như thế. Rồi một ngày tôi nhắm mắt tưởng tượng: toàn bộ sự cơi nới nhếch nhác này bị xóa bỏ, những ngôi biệt thự Pháp cổ được phục dựng nguyên vẹn thì ôi chao con phố sẽ lãng mạn và sang trọng biết bao nhiêu! Và tôi hiểu là trước năm 1954 phố Bà Triệu đẹp hơn bây giờ nhiều lắm.
- Ngày xưa khi đi học vẽ ở cung Thiếu nhi, tôi thường xuyên đi qua phố Bà Triệu. Thời đó phố Bà Triệu có nhiều cây xanh, có những ngôi nhà đắp chữ nổi rất đẹp. Đặc biệt hơn cả là nó cắt rất nhiều phố khác, tạo ra rất nhiều ngã tư, mỗi ngã tư lại cho mình những khung cảnh thay đổi, giống như một thước phim chuyển cảnh liên tục: từ ngã tư cắt vào những phố lớn như Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt.., đến những ngã tư cắt vào phố nhỏ như Tô Hiến Thành, Tuệ Tĩnh...
Mỗi ngã tư có một công trình kiến trúc mà tôi thấy nó phong phú, đa dạng quá. Tôi đã từng rất tiếc nuối khi những kiến trúc ấy không còn nữa. Tôi cho rằng đây là câu chuyện vượt ra khỏi vấn đề thẩm mỹ đô thị, mà liên quan đến việc quy hoạch, quản lí không gian sống. Hình như người Việt Nam mình chưa có kiến thức nền tảng duy lí về mặt quản trị không gian sống.
- Thật ra thì có những giai đoạn rất dài Hà Nội chứng kiến sự cọ xát của nhiều dòng dân cư, trong đó có nhiều người đến từ những địa phương khác. Đấy là những lúc mà có được cái nhà ở Hà Nội để sống đã là tốt lắm rồi, nói gì đến chuyện quản trị không gian sống!
- Nhưng, đây không chỉ là câu chuyện của riêng Hà Nội. Sau rất nhiều lần ra nước ngoài, tôi thấy là rất nhiều thành phố khác ở châu Á cũng bị như vậy. Đó là những thành phố vốn có những di sản thuộc địa khá đẹp nhưng rồi cũng xây dựng bung bét, cũ mới đan xen lẫn lộn y như Hà Nội vậy. Khuôn mặt bung bét đó đến từ những xáo trộn vì thời cuộc, từ những biến động của lịch sử và đặc biệt là từ những cuộc chiến, vì người ta vẫn nói chiến tranh là kẻ thù của di sản mà. Đây là câu chuyện về việc giải quyết những vấn đề hậu thuộc địa, mà khía cạnh chúng ta đang bàn là khía cạnh kiến trúc. Có lẽ người ta hiểu và tiếc nuối những di sản quá khứ nhưng lại không sẵn sàng tạo ra sự chuyển tiếp, chuyển giao nhịp nhàng.
Tuy nhiên, chỗ này lại nảy ra một khía cạnh mới rất đáng suy nghĩ, đó là người dân ở đây lại có khả năng thích ứng, thích nghi và sáng tạo rất giỏi. Ví dụ, có rất nhiều hàng quán đã tận dụng ngay chính những chỗ cơi nới trong các biệt thự chia năm xẻ bảy để tạo ra các không gian rất lãng mạn. Khi tôi ngồi xem các video clip mang tính chất bóng bẩy hoa mỹ về Hà Nội thì tôi thấy 90% cảnh trong những video này đều quay ở những góc mà Hà Nội đan xen giữa thời còn nguyên vẹn với thời vàng thau chen lấn. Rất kì lạ là người Hà Nội có thể nhìn thấy nét quyết rũ giữa chính những sự bừa bộn của mình.
- Anh làm tôi nhớ đến một lần trò chuyện với nhạc sĩ Dương Thụ và nghe ông than phiền về việc Hà Nội bây giờ không còn những “không gian để nhớ”, những không gian đủ tạo ra ký ức cho một thế hệ. Ông lấy ví dụ là thời xưa có không gian “cà phê Lâm”, là nơi mà những văn nghệ sĩ thường đến uống cà phê, cũng là nơi mà những tác phẩm hội họa đặc chất Hà Nội được trưng diện. Nhưng, có lẽ mọi thứ không đến mức như thế phải không anh? Nghe anh nói về những góc cà phê quyến rũ được tạo dựng từ chính sự bừa bộn của Hà Nội, tôi lại thấy nó hoàn toàn có thể trở thành những “không gian để nhớ” của những thế hệ sinh ra và lớn lên ở thời điểm đó. Tức là mỗi thế hệ người Hà Nội đều có quyền chọn những “không gian để nhớ” khác nhau. Nhưng, khác nhau chứ không loại trừ nhau, bởi giữa chúng vẫn phải giữ được một sợi dây liên kết nào đó. Chỉ khi nào sự khác biệt cũng đồng thời phá luôn sợi dây liên kết đó thì mới đáng báo động, phải không anh?
- Có lần tôi đi nói chuyện với các bạn trẻ, tôi yêu cầu các bạn chia sẻ những kí ức, hình ảnh của mình về Hà Nội. Điều gì xảy ra, anh biết không? Lúc đó gần như 100% các bạn trẻ đều dẫn lại những câu hát như “mái ngói thâm nâu”, Phố xưa nhà cổ”, “tiếng dương cầm trong căn nhà đổ...”, thậm chí cũng hoài niệm về thời bao cấp. Đó thực ra đều là những kí ức các bạn ấy không hề trải qua, mà chỉ được nghe đến và bây giờ lặp đi lặp lại trong vô thức.
Theo tôi nghĩ, các thế hệ luôn có nhu cầu tạo sinh ra những thứ giá trị riêng của mình. Bây giờ tôi và anh cũng ở tuổi trung niên rồi, chúng ta khó có thể áp đặt gu của mình lên thế hệ Z, tức là một thế hệ rất mới, sinh từ năm 2000 trở đi. Tôi cũng rất dè chừng việc liệu mình có quá chắc mẩm về sự trao truyền ký ức không, vì rằng văn bản các thế hệ trước tạo ra đầy những điển cố và các lớp lang bối cảnh. Chúng đòi hỏi quá nhiều sự tương liên.
Nhưng, câu chuyện tôi vừa kể cho thấy mặc dù có những khác biệt tất yếu thì vẫn có một đường dây vô hình truyền trao giữa các thế hệ với nhau. Tôi kể thêm một chuyện này: Vừa rồi, tôi có tham gia chấm giải cuộc thi “Hà Nội - thành phố tôi yêu” do một tờ báo lớn tổ chức. Trong số rất nhiều bài thi gửi về, tôi đặc biệt ấn tượng câu chuyện của tác giả từng là một công nhân may, sống trọ ở Hạ Đình - Thanh Xuân.
Chị kể rằng, những nữ công nhân nhập cư như chị làm mười mấy tiếng ban ngày và khi đêm về thì giải sầu bằng cách hát những bài hát về Hà Nội. Tất cả những thứ thuộc về Hà Nội lãng mạn bỗng chốc trở thành những nỗi niềm giải tỏa đối với họ. Tôi nghĩ có một Hà Nội mang tính ý niệm đã được đóng đinh trong tâm trí chúng ta.
Nhà văn Nguyễn Trương Quý trò chuyện cùng phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng. |
- Đồng ý với anh! Đây không còn là câu chuyện thực thể nữa, mà là câu chuyện tâm tưởng. Thực thể Hà Nội hôm qua khác, hôm nay khác, ngày mai sẽ khác nhưng một Hà Nội trong tâm tưởng thì luôn được minh định bởi tất cả những người hoặc sinh ra, hoặc gắn bó với mảnh đất này. Chính một Hà Nội trong tâm tưởng mới tạo nên cái sợi dây trao truyền giữa các thế hệ như anh nói.
- Tôi nghĩ những không gian sống của chúng ta suy cho cùng đều là những không gian của ý niệm. Ta gọi Hà Nội thì sẽ ra Hà Nội. Ta gọi là Đông Đô, Kẻ Chợ thì sẽ thành Đông Đô, Kẻ Chợ. Bởi Hà Nội là tổng hòa của rất nhiều thứ khó cắt nghĩa. Bản thân những người sống ở Hà Nội cũng luôn rơi vào trạng thái bỏ cái này, tiếc cái kia; giữ cái này, sợ mất cái kia. Khổ lắm chứ sướng gì đâu. Tôi lấy ví dụ như câu chuyện của những ngôi nhà ở khu phố cổ, ai cũng bảo những “ngõ nhỏ, phố nhỏ” ấy rất Hà Nội đúng không nào? Nhưng, cuộc sống giờ khác quá rồi, trong rất nhiều trường hợp, nó lại thành một gánh nặng lớn trong sinh hoạt.
Kiến thức văn hóa cộng đồng là điều quyết định
- Thưa anh Nguyễn Trương Quý, thay đổi hay gìn giữ, xem trọng cái gì, xem nhẹ cái gì đôi khi lại là câu chuyện của cảm giác. Tôi nhớ là hồi tôi 16 tuổi, học lớp 11 thường xuyên nghe một thầy giáo phàn nàn về Hà Nội “không giống ai” của thực tại. Thầy bảo, phải là Hà Nội của những Vũ Bằng, Thạch Lam mới chuẩn. Nghe thầy nói, tôi đi tìm đọc Vũ Bằng, Thạch Lam thì lại thấy một đặc điểm là chính Vũ Bằng, Thạch Lam cũng phê phán nhiều những sự thay đổi của Hà Nội thời các ông đang sống và tiếc nhớ nhiều Hà Nội của thời đã qua. Nói tóm lại, “cái bánh bao của quá khứ, luôn ngon hơn cái bánh bao của hiện tại”, Hà Nội của những gì đã qua luôn đẹp hơn Hà Nội của những gì đang có. Phải thống nhất điều này để thống nhất tiếp rằng, việc thay đổi, thậm chí là bãi bỏ cái này cái khác của Hà Nội cho hợp với thời đại mới là điều không thể tránh khỏi. Vấn đề đáng bàn là biên độ của sự thay đổi. Thay đổi như thế nào để mình vẫn là mình, chứ mình không trở thành người khác, tôi thấy điều đó quan trọng vô cùng.
- Vậy thì chúng ta phải bàn tiếp là cái gì có thể đo xem những sự thay đổi là đúng mực hay chưa? Tôi nghĩ, nó chính là kiến thức văn hóa nội tại của cộng đồng. Tức là cộng đồng phải nhận thức được đâu là đẹp, đâu là truyền thống, đâu là chất của mình. Tôi lấy ví dụ trước khi người Pháp vào, người ta thường nhìn người An Nam với hình ảnh bùn lầy nước đọng, nhà cửa lụp xụp, tranh tre nứa lá, đến đầu thế kỷ 20, các Nho sĩ Bắc Kỳ còn để móng tay dài ngoằng, có người bảo nhìn vào mà phát khiếp. Nhưng rồi người Pháp chụp lại tất cả những hình ảnh phong tục này, có khi cho vẽ và khắc gỗ lại rồi bảo tàng hóa, hàn lâm hóa bằng khảo cứu khoa học nhân văn và chính từ quá trình đó mà dần dần cộng đồng nhận thức ra những cái này lại là bản sắc riêng của mình, không trộn lẫn với ai. Nó cũng có phần thuộc về một thứ mà người ta vẫn gọi là cảm thức Đông phương luận theo nhãn quan thực dân.
Có một giai đoạn tôi khảo sát lại những bài thơ của các tác giả Thơ Mới thì nhận ra ngay cả “Nhà thơ mới nhất trong những nhà Thơ Mới” là Xuân Diệu cũng có những câu thơ mang cảm thức về một phương Đông huyền ảo, ví dụ như câu: “Gió thu hoa cúc vàng lưng giậu/ Sắc mạnh huy hoàng áo trạng nguyên”.
Nguyễn Bính cũng thế, Huy Cận cũng thế, thơ của họ vẫn man mác những nét hoài cổ phương Đông, dù họ đang sống trong một thời đại với nhiều thụ hưởng giá trị văn minh mới. Xét cho cùng thì hành trình nghệ thuật của họ tuy mang tên “Thơ Mới” song vẫn níu giữ những gốc rễ văn hóa thẳm sâu của xứ sở mình. Và hơn nữa, lấy đó để làm phương tiện đi tìm tiếng nói cho bản thân. Tóm lại, một cộng đồng muốn giữ cái gì, bỏ cái gì, thay đổi cái gì và biên độ của sự thay đổi như thế nào cho phù hợp thì cộng đồng ấy phải có ý thức về vẻ đẹp và truyền thống của mình trước đã.
- Trong mọi hoàn cảnh, kiến thức văn hóa của một cộng đồng luôn là điều cốt lõi!
- Cách đây vài năm từng xuất hiện câu chuyện con rồng Pikachu được trang trí trên đường phố Hải Phòng. Tôi nhớ là lúc đó rất nhiều người đều mang công trình ấy ra để cười nhưng có lẽ không nhiều người nhớ được lần cuối cùng mình từng cầm cây bút vẽ một bức tranh là khi nào, lớp 7 chăng? Lần gần đây nhất mình từng vào bảo tàng mĩ thuật là khi nào? Mình có quan tâm gì đến mĩ thuật đương đại việt Nam và thế giới không? Tôi nghĩ rằng cần phải có một tầng lớp biết thụ hưởng và trân trọng những giá trị nghệ thuật thì những giá trị ấy sẽ được nhận ra rằng chúng thiết yếu hơn nhiều so với việc chỉ tồn tại ở mức độ của những trang trí thuần túy hiện giờ.
- Những giá trị như vậy sẽ được tạo dựng bởi nền giáo dục và bởi chính những câu chuyện trong mỗi gia đình. Tôi chợt nhớ đến chuyện mỗi khi đi qua phố Hàng Cót (Hà Nội), đoạn gần tới Hàng Lược là tôi lại nhìn vào chỗ mà ngày xưa là rạp Đại Đồng. Tôi nhớ tới câu chuyện anh kể có dạo ông nhạc sĩ Đoàn Chuẩn một mình bao trọn rạp Đại Đồng để thể hiện tình cảm với nữ ca sĩ Thanh Hằng. Khi đi qua chỗ ấy, nhớ đến câu chuyện ấy, tôi thấy những bước chân của mình không vô vị. Sau này, con tôi lớn lên, tôi sẽ chia sẻ cho nó những câu chuyện như vậy và tôi tin là nhờ vậy mà nó rồi sẽ thấy yêu từng con đường, từng góc phố, yêu và hiểu về chiều sâu văn hóa của Hà Nội chúng ta.
- Những nội dung mà chúng ta bồi đắp cho các không gian làm cho trải nghiệm của chúng ta thú vị hơn rất nhiều. Sự bồi đắp ấy chính là nhận thức, là văn hóa và là những điều mà mọi người trong một cộng đồng đều cần hướng đến.
Những thương hiệu được nhân bản
- Xin trở lại với câu chuyện gương mặt Hà Nội ngày hôm nay, cách đây vài năm, khi tôi đi lên cầu vượt ở đoạn đường Nguyễn Chí Thanh hoặc Lê Văn Lương thì tôi có một cảm xúc rất đặc biệt. Là bởi ở bên này cầu vượt vẫn là hình ảnh một Hà Nội nhỏ nhắn với quán nước vỉa hè, nhà thấp tầng cũ kĩ, còn ở bên kia cầu vượt là những tòa chung cư hiện đại nối tiếp nhau. Lúc đó tôi hiểu rằng: À, hóa ra có một Hà Nội được chia đôi. Mà sau khi Hà Nội và Hà Tây nhập vào nhau thì không phải là chia đôi nữa, mà là chia ba, chia năm, chia bảy. Tôi lại nghĩ đến viễn cảnh 50 năm nữa, khi đó không hiểu là Hà Nội sẽ còn “khắc xuất - khắc nhập” theo một lộ trình hành chính nào đó không ai biết trước. Cùng với quá trình “khắc xuất - khắc nhập” đã và có thể là sẽ còn diễn ra, cái gọi là “bản sắc Hà Nội” xem chừng không đơn giản. Nhà văn Nguyễn Trương Quý nghĩ thế nào về điều này?
- Tôi nghĩ đến câu hỏi của nhà nghiên cứu văn học Trần Ngọc Hiếu, rằng sao trước 1975, những bài hát về Hà Nội chủ yếu viết về hồ Gươm, mà ít viết về hồ Tây thế? Tôi có thử lý giải thế này: Bản đồ Hà Nội thời Pháp chỉ đến mép chùa Trấn Quốc và Ngọc Hà trở vào nội thành mà thôi. Hồ Tây khi đó không thuộc về Hà Nội, mà thuộc tỉnh Hà Đông. Đến tận những năm cuối thế kỉ XX thì khu vực phía Bắc hồ Tây đổ lên vẫn thuộc huyện Từ Liêm, tức là ngoại thành của Hà Nội. Mãi sau này, khi xuất hiện quận Tây Hồ thì toàn bộ hồ Tây mới thuộc về nội thành Hà Nội. Tính chất ngoại vi khiến trong suốt một thời gian kéo dài như thế có thể cắt nghĩa vì sao hồ Tây không trở thành trung tâm mô tả của văn bản văn hóa chính thống. Câu chuyện này cho thấy sự tác động của con người vào địa hành chính sẽ dẫn tới những biến động văn hóa của một vùng đất như thế nào.
Trong quá trình Hà Nội “khắc xuất - khắc nhập” như hình dung của anh, nghĩa là nó có thể dung nạp hoặc loại trừ một vùng đất nào đó thì tôi nghĩ rằng chúng ta không thể phủ một màu lên tất cả những khu vực ấy. Xứ Đoài, xứ Bắc, xứ Đông..., mỗi vùng có một sự thú vị riêng của nó.
Còn về chuyện của những tòa chung cư hiện đại thì tôi thấy nó có thể sẽ sinh ra một lớp người thích ứng với thị trường tiêu dùng, với khuynh hướng thương mại và lối giao tiếp kiểu mới. Người ta sẽ phải chấp nhận một cô láng giềng theo kiểu tân thời đi chung thang máy, gửi chung cái xe ở tầng hầm, tập gym chung ở tầng 2, ăn chung quán fastfood ở tầng 1, chứ không phải mẫu cô láng giềng “giơ tay buồn hái bông hồng tường vi”. Trong những khu chung cư hiện đại kiểu này, con người ta một tháng không ra khỏi tòa nhà của mình vẫn chẳng sao. Nhưng, có một điều buồn cười mà tôi nhận thấy đó là ở những khu chung cư này, vẫn có những quán treo biển “Phở Lý Quốc Sư”, “Cà phê phố cổ”... Tức là tất cả những hình ảnh về một Hà Nội cũ vẫn được nhân bản lên giữa các khu đô thị để kéo chân khách.
- Một anh bạn của tôi tâm sự rằng khi vào hàng “phở Lý Quốc Sư” của một tòa chung cư vốn cách phố Lý Quốc Sư trong nội thành khoảng 20km thì anh ấy thấy nhớ Hà Nội ngay trong lòng Hà Nội. Cũng dễ hiểu thôi, vì anh bạn này là trai phố cổ chính hiệu. Cá nhân tôi thì thấy hiện tượng này rất đáng yêu, vì phở Lý Quốc Sư, lạc bà Vân, cà phê Hàng Hành, bún thang phố cổ... là những thương hiệu ẩm thực Hà Nội vốn đã được khẳng định. Việc nhân bản những thương hiệu ấy ở những nơi chốn Hà Nội rất mới, rất lạ, rất hiện đại cho thấy cái ý niệm Hà Nội mà chúng ta nói ở trên hoàn toàn có thể được lan tỏa theo cách này hay cách khác. Và chỉ cần thế thôi, sự giữ gìn, lan tỏa một ý niệm Hà Nội, chứ không nhất thiết phải là một thực thể Hà Nội sẽ giúp bản sắc của mảnh đất này luôn đứng trước những cơ hội thăng hoa. Xin trân trọng cảm ơn nhà văn Nguyễn Trương Quý với những chia sẻ rất thú vị, tâm huyết của anh!
Một lớp người đã qua “Với người Hà Nội, đến năm 1954, những bài hát lãng mạn có hoàn toàn biến mất không? Tôi đã vào Thư viện Quốc gia tìm kiếm các văn bản, rồi phỏng vấn những người từng trải qua thời kỳ đó và phát hiện hóa ra câu trả lời là “không”. Những bài hát lãng mạn đã len lỏi vào tâm lí người Hà Nội, có điều nó chỉ trầm xuống, lẩn khuất đi. Tôi nghĩ đó là do bản chất huê tình của con người trung lưu, con người thị dân ở mảnh đất này. Vì nếu không có sự đắm đuối, huê tình ấy thì có những giai đoạn họ khó mà sống nổi. Vô vàn những người Hà Nội cũ vẫn còn ấn tượng với những đường nét một xã hội hơi mô phỏng đường nét văn hóa của nước Pháp. Vẫn có những ông già đi giày hai màu, quần may gấu lơ-vê. Tôi đã gặp vài người như vậy khi tôi còn nhỏ và thấy rằng họ thật đỏm dáng. Tôi đã gặp những “cao bồi già” phố cổ, những tay chơi của một thời đã cũ, ra đường xênh xang, chải chuốt, mặc dù có thể họ sống trong không gian chật hẹp, với những điều kiện vật chất không thể phong lưu. Tôi tự hỏi: Sự đỏm dáng ấy đến từ đâu? Nó đến từ một cái gốc nào đó vốn có ở trong họ. Họ thuộc về một lớp người Hà Nội cũ đã qua. Nhưng, hình như chính chúng ta hiện giờ lại có vẻ bắt đầu khiến thế hệ sau nghĩ: Mình không như họ được. Mình không có tư duy sống như họ...”. Nhà văn Nguyễn Trương Quý |
Xem thêm: /264736-neyuq-oart-coud-ioN-aH-mein-y-tom-oC/gnaht-iouc-neyuhc-orT/nv.moc.dnac.tcgtna