Giữa năm 2020, Bộ Y tế đã triển khai đề án khám chữa bệnh từ xa. Đề án không chỉ đơn thuần ứng dụng công nghệ thông tin mà còn giúp người dân được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng ngay tuyến cơ sở, rút ngắn khoảng cách giữa tuyến trên và tuyến dưới, hạn chế chuyển tuyến gây quá tải tuyến trên.
Các chuyên gia BV Từ Dũ đang hội chẩn trực tuyến với các BV sản nhi tuyến dưới. Ảnh: HOÀNG LAN
BV Từ Dũ đã kết nối được 44 đầu cầu theo đề án, tiết kiệm nhiều thời gian đi lại cho tuyến trên và tuyến dưới, giúp các BS cập nhật kiến thức chẩn đoán điều trị, chăm sóc bệnh nhân tốt hơn. BS TRẦN NGỌC HẢI, Phó Giám đốc BV Từ Dũ |
Thống nhất phương pháp điều trị hiệu quả
Chiều thứ Tư hằng tuần, các bác sĩ (BS) BV Từ Dũ (TP.HCM) lại ngồi trước màn hình để tham gia buổi hội chẩn trực tuyến với hàng chục đầu cầu BV sản nhi tuyến cơ sở.
Chuyên đề của tuần năm tháng 3 khá đặc biệt khi các BS bàn luận về trường hợp sản phụ đang cách ly bị nhau tiền đạo trung tâm, ra huyết khi thai 31 tuần, có con lần ba. Trước đó, sản phụ có tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 trên chuyến bay nhập cảnh từ Malaysia về, được chuyển phòng cách ly, cầm máu, giảm gò tử cung, dưỡng thai, hỗ trợ phổi. Sau khi sức khỏe ổn định, BV cho sản phụ xuất viện, cấp giấy chứng nhận hoàn thành cách ly, theo dõi tiền sản.
Các BS đặt ra những vấn đề cần thảo luận về ca bệnh như chăm sóc bệnh nhân mang thai, có nhau tiền đạo trung tâm tại khu cách ly, tiêu chuẩn xuất viện, thực hiện phẫu thuật trong khu cách ly như thế nào... Tỉnh Tiền Giang hiện tiếp nhận hơn 100 thai phụ trong khu cách ly, do đó những chia sẻ tại buổi hội chẩn sẽ giúp Tiền Giang xử lý tốt hơn khi gặp trường hợp tương tự.
Sau khi nghe đầu cầu Tiền Giang chia sẻ, các chuyên gia BV Từ Dũ đã phân tích sản phụ được cách ly không ảnh hưởng đến phác đồ điều trị nhau tiền đạo ra huyết. Cần tuân thủ theo hướng dẫn phòng dịch khi tiếp xúc sản phụ, dự liệu các tình huống bất ngờ như mổ khẩn giữa đêm. Còn BV Sản Nhi Quảng Ninh, nơi từng đỡ đẻ thành công cho sản phụ trong khu cách ly, cho biết sẵn sàng chia sẻ quy trình điều trị và chăm sóc sản phụ là F0, F1 trong khu cách ly.
BS Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc BV Từ Dũ, cho biết từ cuối tháng 10-2020, BV này đã triển khai hội chẩn từ xa với các BV. Chiều thứ Tư hằng tuần, BV sẽ hội chẩn với các đầu cầu về những ca bệnh khó chẩn đoán, khó xác định điều trị. Thông qua đó, các BV tham gia cùng học hỏi kinh nghiệm, bàn luận về ca bệnh.
Bệnh nhân hài lòng khi ở tuyến dưới
Là BV vệ tinh của BV Ung bướu TP.HCM, BV Ung bướu Cần Thơ thường xuyên tham gia các buổi hội chẩn với BV này. TS-BS Võ Văn Kha, Phó Giám đốc BV Ung bướu Cần Thơ, đánh giá đề án thực sự mang lại hiệu quả.
Nếu như trước đây các BS ở Cần Thơ chỉ trao đổi thông tin riêng qua Zalo, email, điện thoại… thì hội chẩn từ xa giúp BS nhiều chuyên khoa cùng tham gia hội chẩn, phân tích, thống nhất phương án điều trị hiệu quả, toàn diện hơn. Đến nay, Cần Thơ đã hội chẩn với TP.HCM hơn 10 ca bệnh khó không cần chuyển viện. Nhờ vậy, các BS ở Cần Thơ cũng tự tin chẩn đoán những ca tương tự tiếp theo.
Mới đây, BV Ung bướu Cần Thơ tiếp nhận một bệnh nhân (65 tuổi, ngụ Sóc Trăng) bị yếu người, nhức đầu chóng mặt, được chẩn đoán khối u lymphoma não. Đây là một ca bệnh khó, hiếm gặp, tiên lượng nặng. Trước đây, những ca thế này thường được chuyển lên tuyến trên nhưng nay các BS gửi thông tin bệnh án của bệnh nhân cho BV Ung bướu TP.HCM để bàn bạc, thống nhất phương án điều trị. Sau khi áp dụng phác đồ điều trị tại buổi hội chẩn, bệnh nhân đã hết yếu liệt, đi lại sinh hoạt bình thường, đang điều trị duy trì.
“BV đều giải thích tình trạng bệnh cho các bệnh nhân và thông báo cho họ biết BV sẽ hội ý, thống nhất với BV tuyến trên chọn lựa phương án điều trị tốt nhất. Hầu hết bệnh nhân vui vẻ, sẵn sàng phối hợp cung cấp thông tin cho buổi hội chẩn. Khi cần thiết, họ còn được mời tham gia để các BS hỏi trực tiếp” - BS Kha chia sẻ.
Hội chẩn từ xa hiệu quả trong tình hình dịch COVID-19 Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết hiện cả nước có hơn 1.500 điểm cầu từ tuyến trung ương cho tới tuyến huyện gia nhập hệ thống khám chữa bệnh từ xa. Trong bối cảnh dịch COVID-19, việc vận hành khám chữa bệnh từ xa khá hiệu quả, các chuyên gia BV tuyến trên không cần có mặt vẫn hỗ trợ hiệu quả đồng nghiệp tuyến dưới. Lĩnh vực y tế xác định ưu tiên hàng đầu là các hoạt động phát triển nền tảng khám chữa bệnh từ xa nhằm hỗ trợ giảm tải ở cơ sở y tế, hạn chế tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo. Phấn đấu trong tương lai 100% cơ sở y tế có bộ phận khám chữa bệnh từ xa để người dân được sử dụng dịch vụ y tế chất lượng ngay từ tuyến dưới. |
BS Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, cho biết BV là một trong những nơi triển khai hội chẩn từ xa đột xuất cho các BV vệ tinh như BV Ung bướu Cần Thơ, Đà Nẵng, Bình Định, Đồng Nai và các BV có điều trị ung thư ở phía Nam. Ngoài ra, hằng tuần BV cũng tổ chức hai buổi hội chẩn liên chuyên khoa bàn phương án điều trị các ca khó. Nếu như trước đây buổi hội chẩn chỉ là làm việc nội bộ thì nay BV kết nối với những BV muốn tham gia như một hình thức hội chẩn kết nối đào tạo từ xa. Dù không có ca cần hội chẩn, các BV tham gia cũng có thể đưa ra những thắc mắc cùng trao đổi.
Qua một thời gian triển khai đề án, BS Thịnh đánh giá năng lực chuyên môn của các cơ sở tuyến dưới đã được nâng lên. Sau khi thống nhất phương án điều trị, một số ca bệnh được giữ lại tuyến dưới để điều trị. Tuy nhiên, để đánh giá được bệnh nhân có hạn chế lên tuyến trên điều trị nhờ hưởng lợi từ đề án khám chữa bệnh từ xa hay không cần có thêm thời gian.