Kể từ năm 1997, Sumitomo bắt đầu tìm hiểu và đầu tư vào Việt Nam. Hiện nay, Sumitomo đã đầu tư xây dựng ba khu công nghiệp tại đây với gần 200 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, trong đó 90% là các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản.
Việt Nam được xem là một trong những điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư Nhật Bản, song để đón dòng vốn đang dịch chuyển, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện chất lượng nguồn nhân lực hơn nữa cho phù hợp. Ông Hiroyoshi Masuoka, Tổng giám đốc Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc, đã nhận định như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn với VnEconomy.
Sau thành công của Khu công nghiệp Thăng Long ở Hà Nội, Thăng Long ở Hưng Yên và đến giờ là Thăng Long ở Vĩnh Phúc, ông có những đánh giá như thế nào về môi trường đầu tư của Việt Nam trong thời gian gần đây?
Kể từ năm 1997, Sumitomo bắt đầu tìm hiểu và đầu tư vào Việt Nam. Hiện chúng tôi đã đầu tư xây dựng ba khu công nghiệp tại đây với gần 200 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, trong đó 90% là các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản.
Riêng Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc mới được tập đoàn đưa vào hoạt động gần hai năm nay, song đã thu hút 27 dự án đầu tư đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, với tỷ lệ lấp đầy của khu công nghiệp đạt hơn 70%. Trong đó, đã có 16 nhà đầu tư đến từ Nhật Bản như: Toto, Tsuchya TSCO, Futaba Sangyo, SEI Optifrontier, Vina MC Infonics...
Từ thực tiễn đầu tư của Tập đoàn Sumitomo tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư tại Việt Nam nhờ lợi thế môi trường đầu tư rất cạnh tranh trong khu vực.
Việt Nam có một số điểm mạnh như nguồn nhân lực dồi dào, qua đào tạo tay nghề ngày càng được cải thiện, vị trí thuận lợi trong vận chuyển hàng hoá, giao thương với thị trường Trung Quốc và các nước ASEAN. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng thuận lợi cho việc sản xuất như nguồn cung cấp điện, nước, môi trường làm việc hoặc chính sách quản lý của Chính phủ rất minh bạch giúp nhà đầu tư quản lý điều hành doanh nghiệp thuận lợi.
Các doanh nghiệp Nhật Bản hài lòng khi đầu tư ở Việt Nam và có xu hướng tiếp tục đầu tư tại đây nếu như Việt Nam có thể duy trì những thế mạnh như trên.
Vậy theo ông, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam trong thời gian tới sẽ như thế nào?
Do tác động từ dịch bệnh Covid-19, luồng vốn dịch chuyển FDI vào Việt Nam trong năm 2020 cũng chậm lại, nhiều doanh nghiệp nước ngoài trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản buộc phải cân nhắc tới việc tối ưu hoá chuỗi cung ứng.
Song với những thành công trong công tác phòng chống dịch bệnh cũng như phục hồi kinh tế, Việt Nam là một trong số những quốc gia được doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhằm tối đa hoá chuỗi cung ứng. Vì vậy, luồng vốn dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới sẽ rất hứa hẹn và ngày một gia tăng.
Chính phủ Nhật Bản đã công bố danh sách các doanh nghiệp Nhật Bản được hỗ trợ đa dạng chuỗi cung ứng ở nước ngoài. Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc có kế hoạch gì để đón luồng vốn này, thưa ông?
Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dịch chuyển nhà máy và đầu tư nhằm ứng phó với sự đứt gãy chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Nhật Bản do tác động từ đại dịch Covid-19 và các cuộc căng thẳng thương mại gần đây.
Tuy nhiên, xu hướng đa dạng hoá chuỗi cung ứng ở nước ngoài đã được các doanh nghiệp Nhật Bản triển khai vài năm trở lại đây nhằm tránh rủi ro phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường. Theo đó, Việt Nam có cơ hội trở thành những thị trường cung ứng nguyên, nhiên vật liệu thô để cung cấp đầu vào sản xuất cho các doanh nghiệp Nhật Bản trên toàn cầu nếu doanh nghiệp Việt Nam có thể làm được tốt công nghiệp hỗ trợ.
Mặc dù chúng tôi chào đón các doanh nghiệp Nhật Bản dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam nói chung và Thăng Long Vĩnh Phúc nói riêng nhưng điều này hoàn toàn không dễ dàng. Bởi thực tế là ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có cải thiện đáng kể song vẫn chưa đủ lớn để có thể "bao thầu" cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất của Nhật Bản.
Và hơn thế nữa, doanh nghiệp Nhật Bản còn cần những hỗ trợ khác liên quan tới nguồn lao động chất lượng cao, thủ tục hành chính, thuế, hải quan... Theo đó, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản cần thống nhất chủ trương và kế hoạch hành động cụ thể tiếp tục đón làn sóng FDI từ Nhật Bản trong tương lai. Ngoài ra, về phía Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc, chúng tôi sẽ chủ động phối hợp với các bộ ngành và tỉnh Vĩnh Phúc để có thể cung cấp môi trường đầu tư tốt nhất, dịch vụ tốt nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư.
Theo ông, sự kết hợp giữa doanh nghiệp hạ tầng và địa phương nên thế nào để có thể đón sóng FDI từ Nhật Bản một cách thành công?
Hiện tôi cũng không có đề xuất cụ thể nào. Nhưng về nguồn nhân lực, mặc dù Việt Nam nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng đã có thể để đáp ứng yêu cầu các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn. Song để có thể thu hút thêm nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao, Việt Nam cần phải tiếp tục cải thiện hơn nữa trình độ nguồn nhân lực qua đào tạo thông qua việc xây dựng thêm các trường đào tạo nghề giúp doanh nghiệp Nhật Bản có nguồn nhân lực chất lượng hơn.
Theo đó, Chính phủ Việt Nam và các chính quyền địa phương cần phối hợp với các doanh nghiệp FDI để nắm bắt nhu cầu, thiết kế chương trình đào tạo phù hợp, chất lượng hơn trong thời gian tới.
Xem thêm: mth.70023418002401202-nab-tahn-ut-ut-uad-nov-gnod-nod/nv.ymonocenv