Ông "trùm" cờ bạc Phan Sào Nam tại phiên tòa sơ thẩm - Ảnh: Tuổi Trẻ
Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội (Viện cấp cao 1) đã ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm với các quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của TAND tỉnh Quảng Ninh đối với phạm nhân Phan Sào Nam - cựu giám đốc Công ty cổ phần VTC truyền thông trực tuyến, bị kết án về các tội "tổ chức đánh bạc" và "rửa tiền" theo bản án hình sự phúc thẩm ngày 12-3-2019 của TAND cấp cao tại Hà Nội.
Không "lập công" vẫn được tha tù trước hạn
Theo đó, kháng nghị nêu: tại bản án hình sự phúc thẩm ngày 12-3-2019, Phan Sào Nam bị TAND cấp cao tại Hà Nội phạt 5 năm tù về tội tổ chức đánh bạc và rửa tiền. Thời hạn chấp hành án tính từ ngày bị bắt tạm giam 27-10-2017.
Về dân sự, nộp lại khoản tiền thu lợi bất chính 1.475 tỉ đồng. Sau đó, Nam thi hành án tại trại giam Quảng Ninh.
Đến ngày 29-4-2020, TAND tỉnh Quảng Ninh chấp nhận đề nghị của trại giam Quảng Ninh về việc giảm thời hạn chấp hành án phạt tù 19 tháng cho Nam.
Ngày 4-2-2021, TAND tỉnh Quảng Ninh lần thứ hai chấp nhận đề nghị của trại giam Quảng Ninh, giảm hết thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại (3 tháng 7 ngày) cho Nam. Phạm nhân Nam ra trại ngày 6-2.
Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Viện cấp cao 1 xét thấy hai quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của TAND tỉnh Quảng Ninh đối với Phan Sào Nam là không đủ điều kiện và không có căn cứ pháp luật.
Theo quy định, Phan Sào Nam bị tuyên 5 năm tù, ngoài điều kiện đã chấp hành được 1/3 thời hạn phạt tù, phải có ít nhất 6 tháng hoặc 2 quý liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại khá trở lên. Tuy nhiên, Phan Sào Nam mới được xếp loại khá quý 3-2019, còn quý 4-2019 xếp loại trung bình.
Về lý do giảm thời hạn chấp hành án trong trường hợp "lập công" được TAND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận, VKS cho rằng qua tài liệu xác minh cho thấy quá trình giam giữ không có việc Phan Sào Nam viết thư động viên đồng phạm truy nã quốc tế Lê Văn Kiên về nước đầu thú.
Điều tra viên cũng như cán bộ điều tra không biết Phan Sào Nam tác động đến gia đình Lê Văn Kiên và Phan Anh Tuấn như thế nào. Không có tài liệu xác định quá trình giam giữ Phan Sào Nam gửi thư ra ngoài để vận động đồng phạm đầu thú.
Không tích cực khắc phục hậu quả
Ngoài ra, quý 1-2020 Nam được đánh giá "tích cực khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra". Nhưng VKS cho rằng theo tài liệu điều tra, Nam không tích cực khắc phục hậu quả. Cụ thể, Nam đã thi hành hơn 1.314 tỉ đồng và còn phải thi hành hơn 160 tỉ đồng. Quá trình Nam chấp hành án, Cục Thi hành án dân sự Phú Thọ đã bán 5 ôtô của Nam bị kê biên mới thu được hơn 5,3 tỉ đồng, còn lại chưa thi hành.
Viện cấp cao 1 cho rằng tài khoản của Nam và vợ ở Ngân hàng DBS Singapore có số dư hơn 5,3 triệu USD. Ngày 28-11-2019, Phan Sào Nam đã nhận bản thông báo của cảnh sát Singapore trong đó ghi rõ tại tài khoản của Phan Sào Nam và vợ ở Ngân hàng DBS Singapore có số tiền hơn 5,3 triệu USD và 253.499,60 SGD.
Tuy nhiên, khi làm việc với Cơ quan an ninh điều tra, Nam bị đánh giá "không hợp tác để phong tỏa tài khoản này".
Trại giam Quảng Ninh xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù cho Nam khi dựa vào đơn trình bày hoàn cảnh kinh tế gia đình đặc biệt khó khăn do mẹ Nam nộp. Tuy nhiên, kết quả xác minh của VKS cho thấy "gia đình Nam không khó khăn".
"Việc trại giam Quảng Ninh đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù ngày 30-4-2020 với Nam là "vi phạm pháp luật, cần phải hủy bỏ". Quyết định giảm thời hạn tù vào ngày 4-2 cũng không đủ điều kiện do quyết định ngày 29-4-2020 không có căn cứ" - nội dung kháng nghị nêu.
Từ đó, Viện cấp cao 1 đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy các quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù số 587 và số 80 của TAND tỉnh Quảng Ninh đối với Phan Sào Nam.
Cần xem xét trách nhiệm của cơ quan ban hành quyết định
Ngày 19-4, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thanh Hồng - ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh Quốc hội khóa XIV - cho rằng vụ án đánh bạc nghìn tỉ này đặc biệt nghiêm trọng. Các phạm nhân cấu kết với những người làm nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, đấu tranh phòng chống tội phạm nhằm thực hiện hành vi phạm tội. Phan Sào Nam là một trong những người cầm đầu. Vì vậy, việc Viện cấp cao 1 kháng nghị là có căn cứ.
Theo ông Hồng, nếu kháng nghị của Viện cấp cao 1 được TAND cấp cao tại Hà Nội chấp nhận và được đưa ra xem xét, nếu thấy có căn cứ để hủy quyết định giảm án tha tù thì Phan Sào Nam buộc phải chấp nhận lại bản án.
"Theo tôi, vấn đề đặt ra là cần phải xem xét lại trách nhiệm của các cơ quan trong việc đề xuất, ban hành quyết định cho Phan Sào Nam được giảm án tha tù trước thời hạn. Nếu có căn cứ, có thể xem xét về mặt hình sự", ông Hồng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hồng, kháng nghị của VKS có thể được chấp nhận hoặc không nhưng trong vụ án này có những vấn đề mà dư luận băn khoăn trong việc giảm án tha tù cho Phan Sào Nam, điều này là khó có căn cứ.
Ngoài ra, cần làm rõ trách nhiệm của VKS Quảng Ninh trong việc thi hành án của phạm nhân Phan Sào Nam.
Buộc phải thi hành án trở lại?
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng trong trường hợp TAND cấp cao tại Hà Nội chấp nhận hủy hai quyết định giảm thời gian chấp hành án đối với phạm nhân Phan Sào Nam thì sẽ phục hồi quá trình thi hành án. Đồng thời, tòa sẽ ra quyết định thi hành án trở lại và bắt phạm nhân Nam phải tiếp tục thi hành án.
Đối với số tài sản của Phan Sào Nam ở nước ngoài, vì phạm nhân này chưa hoàn thành xong nghĩa vụ thi hành án nên cơ quan thi hành án của Việt Nam có thể liên hệ với nước sở tại để thực hiện việc thi hành án theo điều ước quốc tế hai nước đã ký kết và hiệp định tương trợ tư pháp.
TTO - Với quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của TAND tỉnh Quảng Ninh, phạm nhân Phan Sào Nam được ra tù ngày 6-2. Nay Viện KSND cấp cao tại Hà Nội kháng nghị giám đốc thẩm với quyết định này của TAND tỉnh Quảng Ninh.