Trong 5 năm qua, Việt Nam đã chứng kiến 3 làn sóng cải cách thủ tục hành chính. Năm 2016 là việc xoá bỏ hàng nghìn giấy phép con, thông tư của các Bộ, ngành.
Đợt sóng cải cách thứ 2 là năm 2018, cắt giảm, đơn giản hoá 50 - 60% điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Muc tiêu của năm 2020, tiếp tục cắt giảm 50% các quy định hành chính có liên quan đến kinh doanh và chi phí tuân thủ.
Các chuyên gia đánh giá, dư địa cải cách vẫn còn nhiều, song sẽ tập trung nhiều vào các thay đổi mang tính chất phức tạp hơn.
Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ưng cho biết: "Trước đây, chúng ta cải cách chỉ làm trong phạm vi một Bộ. Ví dụ như Thủ tướng hay Chính phủ yêu cầu một Bộ sửa một Thông tư hay Nghị định thì nó chỉ nằm trong phạm vi tham mưu một Bộ, dễ dàng làm trong thời gian ngắn. Nhưng sắp tới có những vấn đề liên quan đến rất nhiều Bộ ngành, ví dụ quản lý chuyên ngành, quản lý chất lượng. Một sản phẩm theo chuỗi nó có thể liên quan tất cả các Bộ".
Doanh nghiệp kỳ vọng, Nghị định 52 vừa ban hành sẽ tạo điều kiện hỗ trợ tiếp sức nhiều thêm cho doanh nghiệp thời gian tới. Ảnh minh họa: TTXVN.
Năm 2020, cơ quan thuế đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020. Mới đây nhất, Chính phủ ban hành Nghị định 52, lần thứ 3 nới thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức gặp khó khăn vì dịch bệnh.
"Lần gia hạn lần này tiếp tục đối tượng gia hạn, nhưng thời gian gia hạn chi tiết, cụ thể hơn, phù hợp với từng loại thuế. Ví dụ thuế giá trị gia tăng, trước đây thuế giá trị gia tăng chỉ gia hạn 5 tháng, như vậy nếu quá 5 tháng các tháng tiếp theo sẽ không gia hạn. Nhưng lần thuế giá trị gia tăng quy định, đối với thuế giá trị gia tăng của tháng 7 chẳng hạn thì lúc này lại gia hạn 4 tháng, còn tháng 8 lại 3 tháng… Để đảm bảo hạn cuối cùng ngày 31/12 nộp vào ngân sách nhà nước", bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho biết.
Hội thảo công bố báo cáo Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI cho hay: "Chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ đánh giá, xem xét tác động và tiếp tục mở rộng đối tượng được thực hiện, bao gồm cả thuế tiêu thụ đặc biệt cho ô tô sản xuất trong nước để bảo vệ được nền công nghiệp nội địa".
Tại hội thảo, theo các doanh nghiệp, thời gian qua, các điều kiện để hưởng hỗ trợ như một nửa lao động nghỉ việc, doanh thu giảm hoặc không có doanh thu được đánh giá cần phù hợp với tình hình thực tế. Doanh nghiệp kỳ vọng, Nghị định 52 vừa ban hành sẽ tạo điều kiện hỗ trợ tiếp sức nhiều thêm cho doanh nghiệp thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.41882525102401202-0202-man-gnort-ial-mahc-nahp-oc-hnaod-hnik-gnourt-iom-neiht-iac/et-hnik/nv.vtv