Chiều 20-4, Sở TN&MT Đà Nẵng chủ trì Hội thảo khoa học về giải pháp xử lý hiệu quả chất nạo vét từ hoạt động duy tu, xây dựng các tuyến luồng hàng hải, cảng tại Đà Nẵng.
Hội thảo được tổ chức ngay sau loạt bài của báo Pháp Luật TP.HCM xung quanh đề xuất của Cục Hàng hải Việt Nam xin được nhận chìm 200.000 m3 vật chất trên biển Đà Nẵng. Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia đầu ngành về môi trường biển đã từng đóng góp ý kiến trong các bài viết của báo.
Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT
Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng, khẳng định mục tiêu và định hướng phát triển TP rất rõ, hướng tới đô thị sinh thái.
Theo ông Hùng, nhiều TP khi có quỹ đất dự phòng, chưa đưa vào khai thác thì chất nạo vét có thể đổ tại đó. Chất nạo vét có thể dùng để trồng cây, tạo thảm xanh…nhưng với Đà Nẵng thì hầu như không có quỹ đất nào có thể làm việc đó.
“Toàn bộ dải đất ven biển đều là đất đã có mục đích sử dụng, đã là dự án, không gian công cộng. Bây giờ không nhận chìm thì làm thế nào, mà không nạo vét thì cũng không thể nói câu chuyện khai thác và phát triển cảng được. Chủ trương nhất quán của Đà Nẵng là phát triển kinh tế nhưng không vì thế mà hy sinh môi trường” – ông Hùng nhấn mạnh.
Bà Trần Thị Tú Anh, Phó Trưởng Phòng Khoa học, công nghệ và môi trường (Cục Hàng hải Việt Nam), cho hay luồng hàng hải Đà Nẵng là tuyến luồng quốc gia, tổng chiều dài 9,742 km, độ sâu 11 m.
Hiện, luồng vào vùng quay tàu cầu cảng số 3 cảng Tiên Sa đang có độ sâu 10,5 m, độ sâu các dải cạn 10,1 m. Vùng quay tàu cầu cảng số 1,2,3 cảng Tiên Sa có độ sâu 9,9 m.
Bà Trần Thị Tú Anh, Phó Trưởng Phòng Khoa học, công nghệ và môi trường (Cục Hàng hải Việt Nam). Ảnh: TẤN VIỆT
Từ năm 2010 đến 2016, tuyến luồng hàng hải Đà Nẵng thường xuyên được nạo vét duy tu phục vụ cho tàu thuyền ra vào cảng Tiên Sa an toàn, thuận lợi. Từ trước năm 2016, chất nạo vét được đổ tại vị trí có tọa độ 16009’56” vĩ Bắc – 108016’14” kinh Đông.
Năm 2016, chất nạo vét được đổ tại vị trí có tọa độ 16012’14” vĩ Bắc – 108016’01” kinh Đông. Đây là vị trí đề nghị đổ và được UBND TP Đà Nẵng đồng ý chủ trương cho năm 2021 – 2025.
Năm 2017-2020, do khó khăn về vị trí đổ chất nạo vét nên tuyến luồng không được nạo vét, duy tu, ảnh hưởng lớn đến việc khai thác luồng tàu.
Theo bà Anh, khối lượng nạo vét dự kiến khoảng hơn 200.000 m3. Kinh phí được giao từ ngân sách nhà nước để thực hiện nạo vét là 46 tỉ đồng. Khi được giao khu vực biển, có vị trí nhận chìm chất nạo vét ổn định, dự kiến kế hoạch thực hiện nạo vét duy tu hàng năm từ 2022-2025 vói khối lượng trung bình khoảng 150.000 m3/năm.
Bà Anh cho hay, phương tiện thi công nạo vét và nhận chìm chủ yếu gồm hai loại là tàu hút bụng tự hành và máy đào gầu dây trên sà lan.
Kết quả phân tích các năm 2014, 2017 cho thấy thành phần chất nạo vét tại luồng hàng hải Đà Nẵng chủ yếu là hạt bụi có đường kính rất nhỏ (chiếm trung bình khoảng 80%), lượng cát chỉ chiếm trung bình khoảng 20% trong thành phần chất nạo vét.
“Việc nạo vét duy tu đảm bảo chuẩn tắc tuyến luồng là rất cấp bách trong thời điểm hiện nay” – bà Anh khẳng định.
Hội thảo đang diễn ra…