Gần đây, nguồn nhân lực cho thương mại điện tử và đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao luôn là vấn đề lớn gây cản trở cho quá trình phát triển thươngmại điện tử trong nước.
Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2021 được Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) công bố sáng 20/4 cho biết, năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp có lao động chuyên trách về thương mại điện tử giảm nhiều so với các năm trước.
Theo VECOM, một phần do tác động lớn của đại dịch (Covid-19) và áp lực về tài chính nên việc cắt giảm biên chế và kiêm nhiệm nhiều vai trò được các công ty triển khai để duy trì hoạt động trong giai đoạn khó khăn.
Cụ thể, xét về quy mô doanh nghiệp thì nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) có tỷ lệ lao động chuyên trách về thương mại điện tử chỉ bằng một nửa so với nhóm các doanh nghiệp lớn.
Nghệ thuật - vui chơi - giải trí và thông tin - truyền thông là hai lĩnh vực có tỷ lệ lao động chuyên trách về thương mại điện tử cao nhất, chiếm lần lượt là 45% và 42% trên tổng số doanh nghiệp tham gia khảo sát trong cùng lĩnh vực kinh doanh. Tiếp theo sau đó là lĩnh vực hoạt động tài chính - ngân hàng - bảo hiểm (38%) và hoạt động chuyên môn - khoa học - công nghệ (31%).
Theo VECOM, trong vòng 3 năm trở lại đây, xu hướng doanh nghiệp gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động có kỹ năng về thương mại điện tử và công nghệ thông tin ngày càng tăng. Do đó, việc đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này cả theo hình thức chính quy và không chính quy đều là những vấn đề lớn cần được quan tâm trong giai đoạn tới.
Kỹ năng quản trị website và sàn giao dịch thương mại điện tử vẫn là kỹ năng được doanh nghiệp quan tâm nhiều nhất trong những năm gần đây, 46% doanh nghiệp cho biết họ gặp khó khăn khi cần tuyển dụng lao động có kỹ năng này.
BẮT ĐẦU "CUỘC ĐUA SUPER APP"
Cũng theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2021, tỷ lệ doanh nghiệp có website phiên bản di động không có nhiều thay đổi so với các năm trước, có thể thấy đa số các doanh nghiệp không còn lựa chọn hình thức xây dựng một website riêng dành cho phiên bản di động, thay vào đó là giải pháp xây dựng website mới có công nghệ tự động điều chỉnh giao diện tương thích với các nền tảng khác nhau như máy tính, máy tính bảng, di động...
Khác với website phiên bản di động, việc xây dựng ứng dụng trên nền tảng di động của doanh nghiệp đòi hỏi ở mức cao hơn là một website thông thường, thay vào đó muốn người tiêu dùng tải về cài đặt và sử dụng thường xuyên thì ứng dụng đòi hỏi cần phải cung cấp đa dạng các giải pháp, sản phẩm dịch vụ phù hợp với nhiều nhu cầu khác nhau của khách hàng.
Đáng chú ý, năm 2020 còn xuất hiện khái niệm về super app hay còn có nghĩa là "siêu ứng dụng" đề cập tới vai trò và lợi thế của những app cung cấp một hệ sinh thái cho người tiêu dùng trên di động. Theo khảo sát của VECOM, tỷ lệ doanh nghiệp có ứng dụng bán hàng trên thiết bị di động năm 2020 có tăng một chút so với năm trước.
Báo cáo cũng cho biết Android vẫn luôn là nền tảng hàng đầu được doanh nghiệp ưu tiên khi xây dựng các ứng dụng bán hàng trên các thiết bị di động. Năm 2020 có 75% doanh nghiệp cho biết ưu tiên xây dựng các ứng dụng trên nền tảng Android (tăng 5% so với năm 2019), tiếp sau đó là trên nền tảng IOS (48%) và Windows (37%).
Phần lớn doanh nghiệp cho biết, thời gian trung bình lưu lại của khách hàng khi truy cập vào website thương mại điện tử phiên bản di động/ứng dụng bán hàng ở mức rất thấp.
"Đã đến lúc doanh nghiệp cần thay đổi để nâng cao nhiều giá trị hơn nữa cho người tiêu dùng từ các ứng dụng và website phiên bản di động của mình", báo cáo của VECOM nhấn mạnh.
Xem thêm: mth.83760824102401202-hnam-maig-ut-neid-iam-gnouht-hnagn-gnod-oal-91-divoc-cul-pa-court/nv.ymonocenv