Bãi tập kết cát trái phép hơn 2 năm chưa bị xử lý - VIDEO: THẾ THẾ
Sáng 20-4, ông Lê Đình Chiến - phó chủ tịch UBND huyện Ea Kar, khẳng định bãi tập kết cát khổng lồ của Tập đoàn khoáng sản Hải Anh trên QL 29 chưa có giấy phép. Hàng ngàn khối cát đổ trên một thửa đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng, đã bị xử phạt nhưng vẫn tồn tại suốt 2 năm qua.
Bãi cát gần quốc lộ chưa có giấy phép - Ảnh: THẾ THẾ
Tại hiện trường chiều 19-4, phóng viên Tuổi Trẻ Online phát hiện nhiều xe tải liên tục ra vào bãi cát này để nhận cát, rồi theo QL 29 tỏa đi khắp nơi. Các xe tập kết cát liên tục đưa cát mới về đây.
Theo người dân địa phương, bãi tập kết cát này hình thành từ năm 2019, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe liên tục ra vào bãi đổ và nhận cát đưa đi. Các xe tải này mang cát tiêu thụ theo hai hướng chính, dọc QL 29 đi Krông Năng và tuyến đường DT691 đi huyện Ea Kar.
Ông Đ.N.T. (trú xã Ea Sô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) cho biết xe chở cát trọng tải lớn làm rơi rớt còn lấn làn, chạy ẩu gây nguy hiểm cho người dân.
Mỗi ngày có nhiều xe tải trọng vào lấy cát đi hoặc chở cát đến - Ảnh: THẾ THẾ
Theo UBND xã Ea Sô, sau khi phát hiện Tập đoàn Hải Anh tự ý mở bãi tập kết trái phép, ủy ban đã lập biên bản, ra quyết định xử phạt hành chính và yêu cầu doanh nghiệp phải khắc phục lại hiện trạng ban đầu. Xã cũng yêu cầu nếu doanh nghiệp không tự giác thực hiện sẽ bị cưỡng chế theo quy định của pháp luật.
Xe chở cát của doanh nghiệp chạy liên tục trên quốc lộ 29 - Ảnh: THẾ THẾ
Trả lời về vấn đề này, ông Lê Đình Chiến - phó chủ tịch UBND huyện Ea Kar, cho biết theo quy định, các doanh nghiệp khai thác cát ngoài việc phải có giấy phép khai thác, trữ lượng khai thác thì cũng phải có giấy phép về bãi tập kết cát.
Doanh nghiệp phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp (trồng lúa, hoa màu) sang đất phi nông nghiệp với mục đích làm bãi tập kết cát sỏi. Tuy nhiên, đến nay bãi tập kết cát của Tập đoàn khoáng sản Hải Anh chưa thực hiện các thủ tục cần thiếtt. Hành vi tự ý mở khu vực tập kết khai thác cát của Tập đoàn khoáng sản Hải Anh hoàn toàn sai pháp luật.
Không chỉ đổ cát, doanh nghiệp còn xây dựng công trình kiên cố - Ảnh: THẾ THẾ
"Hiện nay, UBND xã đã lập biên bản xử phạt hành chính và yêu cầu doanh nghiệp khắc phục nguyên hiện trạng. Theo anh em báo cáo, hiện đang trong thời gian để Tập đoàn khoáng sản Hải Anh thực hiện theo quyết định của UBND xã Ea Sô.
Doanh nghiệp này cũng phải hoàn thành hồ sơ, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp để làm bãi tập kết cát. Nếu không chuyển đổi được sẽ phải di dời bãi tập kết đi nơi mà đơn vị này được cấp phép.
Nếu doanh nghiệp vẫn ngang nhiên vi phạm hoặc không thực hiện thủ tục chuyển đổi địa phương sẽ kiên quyết xử lý", ông Chiến quả quyết.
Phóng viên hỏi, phòng mới đi kiểm tra?
Về việc tại sao bãi cát ngang nhiên tồn tại quá lâu, ông Nguyễn Ngọc Duẩn - trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Ea Kar - nói: "Anh em cũng có biết nhưng không để ý đến cái thủ tục của bãi cát này.
"Sau khi có đơn phản ánh của người dân và báo chí hỏi, phòng đã cho kiểm tra. Phải làm rõ họ sai như thế nào, ví như chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất mới có cơ sở để xử lý, buộc khắc phục hiện trạng ban đầu. Khi có kết luận cụ thể sẽ thông tin sau", ông Duẩn nói.
TTO - 10 năm trước, Krông Nô còn uốn lượn êm đềm, cấp nước cho các ruộng đồng. Từ ngày có thủy điện, 'cát tặc' lộng hành, dòng sông bị đục khoét, phình to hàng trăm mét, ruộng đất của dân theo đó lở ầm ầm xuống sông...
Xem thêm: mth.48264815102401202-man-2-tous-iat-not-m001-ol-couq-hcac-pehp-iart-tac-tek-pat-iab/nv.ertiout