Bạn có biết rằng, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho phép một sản phẩm thuốc lá làm nóng được kinh doanh tại thị trường này với chỉ định “giảm thiểu phơi nhiễm” với các chất gây hại lên cơ thể so với thuốc lá điếu. Quyết định cho phép này được dựa trên các sở cứ khoa học, cho thấy hàm lượng các chất gây hại có trong sản phẩm thấp hơn so với thuốc lá điếu, phù hợp với sức khỏe cộng đồng.
Cai thuốc lá: chỉ khoảng 10% thành công, tái nghiện 50%
Đã có một số trường hợp được ghi nhận, người đã bị chẩn đoán mắc bệnh nghiêm trọng nhưng vẫn không bỏ thuốc lá, dù đây là chỉ định của bác sĩ điều trị. Khi càng đối diện với những vấn đề nan giải, lo lắng, họ lại càng hút thuốc lá nhằm tìm kiếm sự giải tỏa và sau đó bệnh trạng càng nặng thêm.
Các bác sĩ luôn nhấn mạnh, những ai đang mắc các bệnh lý liên quan đến thuốc lá cần sớm cai bỏ thuốc lá điếu và các sản phẩm chứa nicotin. Đã có nhiều chương trình hỗ trợ của chính phủ và các tổ chức y tế nhằm giúp người nghiện thuốc lá sớm từ bỏ thói quen gây hại này. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa có kết quả đáng kể.
PGS. TS. BS Trần Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Chủ tịch Liên chi Hội Hô hấp TP.HCM
PGS.TS. BS. Trần Văn Ngọc – Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Chủ tịch Liên chi Hội Hô hấp TP.HCM chia sẻ, chương trình cai nghiện thuốc lá thành công trên thế giới rất khiêm tốn, chỉ trên dưới 10% (Việt Nam báo cáo thành công 25%), nhưng trong đó “tỷ lệ tái nghiện lại gần phân nửa”. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng công bố, tiến trình đáp ứng mục tiêu toàn cầu các quốc gia đặt ra là giảm 30% tỷ lệ người hút thuốc lá vào năm 2025 vẫn khó đạt được kết quả mong đợi.
BS. Lê Đình Phương, Trưởng khoa Nội Tổng quát và Y học Gia đình, Bệnh viện FV cho biết: “Khoảng 90% người hút thuốc lá muốn bỏ thuốc lá nhưng bỏ không được. Lý do của việc không cai bỏ được hoặc tái nghiện thuốc lá là do hai yếu tố: nghiện nicotin và nghiện hành vi (động tác hút thuốc)”.
Thêm sở cứ giảm tác hại của thuốc lá không khói
“Hút thuốc lá nguy hiểm cho sức khoẻ dù dưới bất cứ hình thức nào, kể cả thuốc lá làm nóng hay bất kỳ sản phẩm không khói nào khác”, PGS.TS.BS. Trần Văn Ngọc khẳng định.
Theo thống kê, Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm 15 nước có tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá cao, kéo theo tình trạng số người mắc các bệnh lý liên quan đến thuốc lá cũng tăng lên mỗi năm. “Trong quá trình công tác, tôi luôn nói với bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), ung thư phổi, đái tháo đường, tim mạch về tác hại vô cùng lớn nếu tiếp tục hút thuốc lá. Nhưng trong thực tế, nhiều bệnh nhân của tôi dù hiểu rõ tác hại của thuốc lá nhưng họ vẫn không thể cai thuốc lá do bị nghiện nicotine”, PGS.TS.BS. Trần Văn Ngọc nói.
Hiện nay, các sản phẩm không khói như thuốc lá làm nóng, mặc dù không hoàn toàn vô hại, nhưng đã có một số nghiên cứu khoa học bước đầu cho thấy có sự cải thiện sức khỏe cho bệnh nhân COPD lựa chọn tiếp tục hút thuốc. Các kết quả nghiên cứu khẳng định rằng việc sử dụng sản phẩm thuốc lá làm nóng đã làm giảm hơn 40% số đợt cấp (đợt bệnh nhân có biến cố cấp tính với các triệu chứng hô hấp xấu đi nghiêm trọng) của COPD. Bên cạnh đó, kết quả cũng cho thấy có những cải thiện đáng kể trên lâm sàng trong các chỉ số chất lượng cuộc sống và khả năng tập thể dục, trong khi không có thay đổi nào được ghi nhận ở những bệnh nhân COPD tiếp tục hút thuốc lá điếu đốt cháy.
Trung tâm Xuất sắc về Chiến lược Giảm thiểu Tác hại (Centre of Excellence for the acceleration of Harm Reduction - CoEHAR) thuộc Đại học Catania (Ý) do GS. Riccardo Polosa đứng đầu đã thực hiện một nghiên cứu khoa học độc lập mang tính đột phá kéo dài ba năm nhằm xác định những tác động lâu dài đến sức khỏe của bệnh nhân COPD đang hút thuốc lá điếu khi chuyển đổi sang dùng sản phẩm thuốc lá làm nóng.
Các chuyên gia y tế cũng chia sẻ, bên cạnh việc ủng hộ các chính sách của ngành y tế khuyến khích cai thuốc, việc có giải pháp cho những người hút thuốc lá trưởng thành không thể cai hoặc lựa chọn tiếp tục hút thuốc, cần được nhắc đến như là một giải pháp nhân văn. “Những bệnh nhân có những bệnh liên quan đến hút thuốc lá như đã nêu không thể cai nghiện, cai nghiện thất bại hoặc tái nghiện vẫn đang tiếp tục hút thuốc lá và chúng ta chưa có biện pháp nào hữu hiệu hơn. Vì vậy, nên có cách tiếp cận nhân văn hơn như FDA hay Bộ Y tế Nhật đang làm, đó là chỉ định thay thế bằng “biện pháp giảm thiểu tác hại” dưới sự giám sát của ngành y tế hơn là cấm đoán”, BS Ngọc bổ sung.
Dù nghiên cứu độc lập của CoEHAR (Ý) là một trong những sở cứ mang lại hy vọng cho các bệnh nhân COPD lựa chọn tiếp tục hút thuốc nhưng giải pháp tốt nhất vẫn là bỏ đồng thời thuốc lá và nicotin, nhất là đối với những người mắc các bệnh liên quan đến hút thuốc lá.