vĐồng tin tức tài chính 365

Vướng nhiều điểm nghẽn, doanh nghiệp nông nghiệp không mặn mà chuyển đổi số

2021-04-21 04:10

Vướng nhiều điểm nghẽn, doanh nghiệp nông nghiệp không mặn mà chuyển đổi số

Nam Bình

(KTSG Online) - Dù là một quốc gia có thế mạnh về phát triển nông nghiệp và sử dụng ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp nhưng tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có một bảng đánh giá tổng quát, khách quan nào về chuyện chuyển đổi số trong ngành này. Báo cáo tổng quan về Chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam – vẫn đang ở giai đoạn dự thảo, lấy ý kiến đóng góp – cũng đã chỉ ra những cái "thiếu" đáng chú ý về thực trạng chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp Việt Nam. 

Theo dự thảo Báo cáo tổng quan về Chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam do Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường cùng Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam đang xây dựng và đang lấy ý kiến đóng góp, tỷ lệ doanh nghiệp ngành nông nghiệp quan tâm tới chuyển đổi số còn rất thấp. Trong khi đó, hai nguyên nhân chính cản trở việc chuyển đổi số trong nông nghiệp hiện nay là thiếu kinh phí và thiếu nguồn nhân lực hoặc bộ kỹ năng phù hợp.

Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường cho rằng Việt Nam có thế mạnh về phát triển nông nghiệp nhưng tính tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có một bảng đánh giá tổng quát nào mang tính khách quan và được xem như tài liệu tổng hợp và phân tích để từ đó đưa ra những nhận định nhằm cung cấp thông tin khách quan, đa chiều và chân thực.

Ứng dụng số chỉ mới được áp dụng phổ biến trong kinh doanh nông nghiệp

Cũng theo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhiều khía cạnh trong ngành nông nghiệp trong nước. Chỉ xét riêng trong việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh, nếu như năm 2016, Việt Nam chỉ có một doanh nghiệp làm về truy xuất nguồn gốc điện tử thì đến nay, những công nghệ mới như công nghệ chuỗi khối (blockchain) ứng dụng trong truy xuất nguồn gốc đang được nhiều doanh nghiệp tìm hiểu và áp dụng. Chăn nuôi bò sữa là ngành ứng dụng công nghệ số nhiều nhất với các mô hình nổi bật của các doanh nghiệp như TH True Milk, Vinamilk.

Những công nghệ số đã và đang được xem xét áp dụng trong doanh nghiệp nông nghiệp hiện nay. Nguồn: Báo cáo tổng quan về Chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam

Theo ban soạn thảo báo cáo, đã có 450 doanh nghiệp với đa dạng quy mô, từ siêu nhỏ đến lớn ở các khâu trong chuỗi sản xuất, chế biến nông nghiệp được ban soạn thảo tiếp cận để khảo sát. Tuy nhiên, chỉ có 44 doanh nghiệp trả lời bảng khảo sát, chiếm tỷ lệ 8,15% trong tổng số doanh nghiệp đã tiếp cận.

“Tỷ lệ này tương đối thấp, cho thấy mức độ quan tâm của doanh nghiệp với chuyển đổi số hoặc mức độ tiếp cận với báo cáo là không cao”, báo cáo nhận định.

Công nhân cài đặt hệ thống điều khiển buồng ấp trứng gà của một doanh nghiệp chăn nuôi tại Tây Ninh. Ảnh: Nam Bình.

Kết quả khảo sát của ban soạn thảo báo cáo này cho thấy, công nghệ kỹ thuật số đã được áp dụng xuyên suốt chuỗi giá trị ngành nông nghiệp, từ sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản, vận chuyển… nhưng nhiều nhất vẫn là quá trình kinh doanh với tỷ lệ 84,1%. E-mail và trang web là công cụ phổ biến trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, trong khi các công nghệ số khác chỉ đang dần phổ biến hơn trong các doanh nghiệp.

Với Việt Nam, chuyển đổi số làm ảnh hưởng tới 20% lao động nông nghiệp trong năm 2030 và hơn 40% năm 2045.

Đồng thời, quá trình chuyển đổi số nông nghiệp cũng tăng mức đóng góp GDP của nền kinh tế thêm khoảng 7 tỉ đô la Mỹ vào năm 2030 và 14 tỉ đô la Mỹ vào năm 2045.

(theo Cameron và Cộng sự, 2019)

Cũng theo bảng khảo sát, hai nguyên nhân khiến cản trở quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại là thiếu kinh phí và thiếu nhân viên hoặc bộ kỹ năng phù hợp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng chỉ ra những yếu tố khác có thể làm cản trở sự chuyển đổi, như thiếu nguồn thông tin chính xác, cập nhật, hiệu quả cho từng đặc trưng doanh nghiệp; nhiều doanh nghiệp phải tự tìm kiếm, mò mẫm cách thức mà dần đến nhiều phương pháp áp dụng chưa đúng gây lãng phí chi phí và nhân lực của tổ chức. Hay đặc trưng hơn nữa là nhiều doanh nghiệp có sự liên kết trực tiếp với đồng bào dân tộc thiểu số nên khả năng áp dụng công nghệ số còn nhiều hạn chế.

Thông qua khảo sát, 45,5% số doanh nghiệp đã xác nhận có sự tăng trưởng trong doanh thu hoặc cắt giảm được chi phí vận hành nhờ áp dụng công nghệ số trong năm 2020. Sự tăng trưởng doanh thu có thể ghi nhận từ 2% đến 70%.

Những điểm nghẽn "số"

Với mục tiêu cụ thể hóa trong từng lĩnh vực ngành hàng cũng như trong toàn hệ sinh thái nông nghiệp, ban soạn thảo báo cáo đã phỏng vấn sâu một số doanh nghiệp tiêu biêu để phác họa nên những khó khăn, thách thức đặc trưng của ngành hàng, đồng thời xác định những điểm nghẽn của quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp cũng như từng ngành hàng.

Báo cáo tổng quan về chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam dự kiến sẽ được phát hành thường niên với nội dung khái quát, mang tính vĩ mô giúp người đọc có thể một cách tổng quát nhất về hoạt động chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp Việt Nam.

Những năm tiếp theo, báo cáo sẽ được định hướng theo hướng đi sâu vào từng lĩnh vực cụ thể, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, sự thành công của doanh nghiệp trong quá trình ứng dụng công nghệ số, những tiến bộ, tính phù hợp của chính sách vĩ mô…

Đối với ngành trồng trọt, điểm nghẽn trong việc chuyển đổi số ở mặt chủ quan là những khó khăn trong việc lựa chọn, thiết kế nền tảng phù hợp với doanh nghiệp. Bên cạnh đó là những khó khăn trong việc thay đổi nhận thức, thói quen của nhân viên, văn hóa của doanh nghiệp.

Ngoài ra, những khó khăn khách quan như sự liên kết với nông dân còn hạn chế, nhiều sản phẩm chưa có chiến lược phát triển rõ ràng ở tầm quốc gia hay vấn đề năng suất lao động còn hạn chế, số lượng cũng như chất lượng lao động chưa đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi… là điểm nghẽn của việc chuyển đổi số hiện nay.

Cũng theo báo cáo này, trong ngành trồng trọt, vấn đề truy xuất nguồn gốc và vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia được các doanh nghiệp đặc biệt coi trọng. Một ví dụ rất điển hình là bài toán về ngành cà phê, dù sản lượng cà phê nhân xuất khẩu của Việt Nam đứng thứ 2 thế giới nhưng giá bán lại chỉ đứng thứ 10 bởi không làm chủ được chất lượng nên không thể kiểm soát giá.

Trong khi đó, đối với ngành chăn nuôi, điểm nghẽn hiện nay là ở chỗ cơ sở hạ tầng số hóa còn hạn chế, thiếu công cụ cho quá trình chuyển đổi. Bên cạnh đó, các nông hộ chăn nuôi chưa thấy được tầm quan trọng, lợi ích của việc chuyển đổi nên họ không có nhu cầu.

Ở thời điểm hiện tại, hơn 10% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng, việc chuyển đổi số là không quan trọng. Nguồn: Báo cáo tổng quan về Chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam.

Còn về cách áp dụng công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực chăn nuôi, báo cáo chỉ ra rằng, với những doanh nghiệp khởi nghiệp, khi làm việc với các hộ nông dân thì chuyển đổi số vẫn còn là một khái niệm xa vời, số hóa mới ở thời điểm sơ khai và cần xác định rõ ràng, phát triển và áp dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ số chính là xây dựng công cụ cho quá trình số hóa.

Trong khi đó, các doanh nghiệp có quy mô lớn trong ngành chăn nuôi thường chọn cách xây dựng vùng an toàn dịch bệnh và áp dụng công nghệ tự động hóa trong vận hành để giải quyết bài toán dịch bệnh trong ngành chăn nuôi.

Ngoài ra, trước sức ép lớn của quá trình cạnh tranh, sự thay đổi không ngừng của môi trường kinh doanh, giải quyết bài toán theo liên kết chuỗi cũng là một hướng đi được doanh nghiệp lựa chọn để tạo sự bền vững. Có công ty chọn việc phát triển riêng một chuỗi giá trị cho mình, có công ty chọn hình thức chuyên môn hóa, liên kết với các doanh nghiệp lớn và uy tín trong từng chuyên môn khác nhau của chuỗi giá trị để chuyển giao và học hỏi những hệ thống chuyển đổi số thành công đã được kiểm chứng, tạo sức mạnh tổng hợp trên mọi nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ, quy mô doanh nghiệp để chiếm lĩnh thị trường.

Còn đối với ngành thủy sản, cụ thể là ngành tôm, điểm nghẽn trong chuyển đổi số hiện nay là quá trình tiếp cận tài trợ cho nghiên cứu khoa học rất khó khăn. Thứ nữa, báo cáo cho rằng, cần có thêm thời gian cho quá trình chuyển đổi tư duy, nhận thức của người dân và doanh nghiệp về chuyển đổi số...

Mục 5, Điều 1, Điều lệ hoạt động của Hiệp hội Nông nghiệp Số Việt Nam (đã được Bộ Nội vụ phê duyệt ngày 16-3-2020) định nghĩa: Nông nghiệp số được hiểu là việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số để tích hợp sản xuất nông nghiệp từ vùng canh tác, nuôi trồng đến người tiêu dùng. Những công nghệ này có thể cung cấp cho người tiêu dùng. Những công nghệ này có thể cung cấp cho ngành nông nghiệp các công cụ và thông tin để đưa ra quyết định sáng suốt hơn, cải thiện năng suất và hỗ trợ quản lý hiệu quả.

 

Xem thêm: lmth.os-iod-neyuhc-am-nam-gnohk-peihgn-gnon-peihgn-hnaod-nehgn-meid-ueihn-gnouv/265513/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Vướng nhiều điểm nghẽn, doanh nghiệp nông nghiệp không mặn mà chuyển đổi số”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools