Ngày 20-4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo công bố báo cáo “Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam: Góc nhìn từ doanh nghiệp”.
Choáng khi tự đi làm thủ tục
Luật sư (LS) Trương Thanh Đức những năm trước hoạt động trong một công ty luật. Năm ngoái, ông tách ra để thành lập một công ty luật khác. “Tôi mới khởi nghiệp. Vừa qua trực tiếp đi làm các thủ tục hành chính thì mới thấy choáng. Trước tôi cũng ca ngợi cải cách nọ kia nhưng nay trực tiếp đi làm thì không phải như vậy” - LS Đức mở đầu câu chuyện.
Theo ông, vẫn là các thủ tục ngân hàng, thuế, thuê nhà, mua xe, con dấu… nhưng người ta cứ hỏi giấy nọ giấy kia, chứng nhận con dấu thế nào. “Nói chung sau mấy tháng trời thì bây giờ cũng… sắp xong thủ tục. Mấy chục năm tôi đi tư vấn cho doanh nghiệp (DN), cần thủ tục bên chuyên môn lo. Ngày ở công ty cũ cần gì có người khác làm. Nay trực tiếp đi làm thủ tục có thể kết luận: Làm sai luật thì không được rồi, làm đúng luật cũng không… xong” - ông Đức nói.
Luật sư Trương Thanh Đức : Trực tiếp đi làm các thủ tục hành chính thì mới thấy choáng
Trình bày báo cáo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho hay: Nhiều lĩnh vực được các DN đánh giá cao như thành lập DN và tiếp cận điện năng. Thủ tục nộp thuế và bảo hiểm xã hội có sự tiến bộ đáng ghi nhận trong năm 2020 nhưng trung bình vẫn có 22% DN gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục lĩnh vực thuế như đề nghị miễn, giảm, hoàn thuế, quyết toán thuế…
“Hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế trong năm 2020 giảm so với năm 2019. Song tỉ lệ các DN phải thương lượng với cơ quan thuế vẫn chưa có xu hướng được cải thiện theo thời gian và đặc biệt tăng mạnh lên 52,8%, từ mức 47,1% của năm 2019. Qua đó phản ánh tình trạng các quy định thuế còn khó hiểu, thiếu thống nhất về cách hiểu giữa cơ quan thuế và DN” - ông Tuấn nhận xét.
Thủ tục lại tiếp tục… phình ra
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho rằng có tình trạng cải cách không đều. Tức là có những lĩnh vực cải cách điểm số rất cao nhưng lại có những lĩnh vực cải cách điểm số rất thấp.
Dẫn chứng từ báo cáo, ông Hiếu nói: “Chúng ta cứ bảo cải cách được giấy phép xây dựng nhưng DN đâu chỉ làm một cái giấy phép xây dựng?”. Ấy là chưa kể đến việc khi Việt Nam cải cách môi trường kinh doanh thì các nước xung quanh cũng cải cách rất tốt, rất thông thoáng.
Chẳng hạn nếu so sánh trong khu vực Đông Nam Á hiện nay, Việt Nam chỉ hơn được Lào, Campuchia. Còn nếu Việt Nam tăng tám bậc thì Thái Lan, Malaysia cũng tăng năm bậc trong khi họ đang xếp trên Việt Nam.
Mặt khác, có những giấy phép, thủ tục hành chính lại tiếp tục… phình ra. “Ai dám đảm bảo 50% điều kiện kinh doanh được bãi bỏ trong thời gian qua không mọc trở lại. Chúng ta từng bãi bỏ nhiều giấy phép giai đoạn 2003 nhưng 10 năm sau lại quay lại. Hai năm qua số lượng văn bản về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với xuất nhập khẩu đã tăng thêm 120 văn bản” - ông Hiếu dẫn chứng từ báo cáo của VCCI.
Thủ tục nộp thuế có sự tiến bộ nhưng vẫn còn gây không ít khó khăn cho nhà kinh doanh. Trong ảnh: Người dân, DN làm thủ tục thuế tại Cục Thuế TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cũng dẫn ví dụ từ ngành mình cho hay: Bộ NN&PTNT ra nhiều thông tư để kiểm soát nhập khẩu thủy sản và hệ quả là danh mục hàng hóa phải kiểm tra càng nhiều.
“Chúng tôi đã có phân tích gửi bộ rằng luật không nhắc hàng chế biến phải kiểm dịch bệnh, kể cả trong văn bản cập nhật hằng năm của WHO cũng không yêu cầu kiểm dịch bệnh. Mặt hàng tươi ướp lạnh thì mới phải kiểm dịch bệnh. Còn hàng chế biến, đóng hộp thì các nước nhập hàng thủy sản của ta không làm điều đó. Họ chỉ kiểm kháng sinh, dư lượng khi ăn đồ đó. Thế nhưng đến nay danh mục phải kiểm dịch là 100%” - ông Nam phân tích và đề nghị xem xét lại danh mục kiểm tra chuyên ngành lĩnh vực này.
70% gặp khó về thủ tục đất đai
Theo báo cáo của VCCI, đăng ký bất động sản và quản lý đất đai hầu như không có sự thay đổi điểm số qua nhiều năm. Việc thực hiện thủ tục về đất đai vẫn còn nhiều khó khăn và chưa được chú trọng cải thiện thực tế trong năm 2020.
Các khó khăn có thể kể đến là cán bộ không hướng dẫn đầy đủ, chi tiết; việc xác định giá trị quyền sử dụng đất mất nhiều thời gian và quy trình; thủ tục giải quyết hồ sơ không đúng quy định...
Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho hay trong số các DN tham gia khảo sát có 18% đơn vị từng thực hiện thủ tục hành chính về đất đai trong hai năm gần nhất. Trong số đó có đến 70% cho biết có gặp khó khăn trong quá trình thực hiện thủ tục.
Đây là một tỉ lệ rất cao nếu như so sánh với các lĩnh vực khác như khởi sự kinh doanh, thuế, bảo hiểm xã hội. Khó khăn lớn nhất mà DN gặp phải là thời hạn giải quyết hồ sơ lâu hơn so với quy định với 38% DN gặp vấn đề này.
“Chính vì việc thực hiện thủ tục đất đai khó khăn như vậy nên có tới 68% DN cho biết phải hủy bỏ hoặc trì hoãn kế hoạch sản xuất, kinh doanh khi gặp các khó khăn trong quá trình làm thủ tục đất đai” - ông Tuấn nói.
Bình luận về con số này, Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu cho rằng: Tỉ lệ 68% DN phải hủy kế hoạch kinh doanh vì thủ tục đất đai là điều đáng suy nghĩ. Bởi điều này cho thấy tính tiên lượng của thủ tục hành chính không có và rủi ro cho DN là hiện hữu.
Chuyên gia Phạm Chi Lan cũng cho rằng các giải pháp cải cách pháp luật về đất đai phải đưa lên hàng quan trọng nhất. “Luật Đất đai cần xem lại. Chính phủ kỳ trước còn nợ cải cách luật đất đai thì nay phải làm tiếp thôi” - bà Chi Lan nói.
Ông Phan Đức Hiếu cho rằng: Tỉ lệ 68% DN phải hủy kế hoạch kinh doanh vì thủ tục đất đai là điều đáng suy nghĩ
Môi trường kinh doanh tươi sáng hơn nhưng… Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận xét: Các kết quả khảo sát, các báo cáo của VCCI và của nhiều tổ chức khác cho thấy bức tranh môi trường kinh doanh đã trở nên tươi sáng hơn. Chẳng hạn, tỉ lệ DN cho rằng chính quyền ưu ái DN nhà nước, ưu ái DN đầu tư nước ngoài đã giảm liên tục trong nhiều năm. Tỉ lệ DN sẵn sàng khởi kiện ra tòa án khi có tranh chấp kinh doanh thương mại đã tăng từ năm 2016 đến nay. Tỉ lệ DN bị trộm cắp hay phải trả tiền bảo kê cho các băng nhóm côn đồ đều giảm từ năm 2017 đến nay. Tỉ lệ DN phải trả chi phí không chính thức và mức chi trả giảm qua năm năm vừa qua... Tuy nhiên, những thách thức cần đặt ra đối với việc cải thiện môi trường kinh doanh trong năm năm tới sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với những gì chúng ta đã làm được. “Điều này cũng là quy luật tất yếu. Để bước từ thể chế kém lên thể chế trung bình thì dễ nhưng để bước từ thể chế trung bình lên thể chế tốt thì khó khăn hơn rất nhiều” - ông Lộc bình luận. |